Vietnam CEO Forum 2015: Thay đổi tư duy để tồn tại
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 19:51, 10/09/2015
Phòng thủ hay tấn công? Hợp tác hay đối đầu? Câu hỏi mà nhiều chuyên gia đặt ra khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành vào cuối năm 2015 sẽ được thảo luận sôi nổi trong sự kiện Vietnam CEO Forum 2015.
Việc hội nhập sẽ mang lại cơ hội để doanh nghiệp phát triển chuyên nghiệp hơn, thế nhưng cũng là áp lực rất lớn khi thị trường lúc ấy không còn là 90 triệu dân của VN mà phải là trên 600 triệu dân của ASEAN.
Nội dung trên được nhiều doanh nghiệp và báo giới đặt ra tại buổi họp báo công bố chương trình “Vietnam CEO Forum 2015” diễn ra tại TP.HCM vào hôm nay (10.9)
Toàn cảnh buổi họp báo công bố chương trình “Vietnam CEO Forum 2015” (Ảnh: PD) |
Tư duy 90 hay 600 ?
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức hình thành vào cuối năm 2015. Khi gia nhập cộng đồng kinh tế chung, doanh nghiệp Việt sẽ có nhiều cơ hội để giao lưu, hợp tác thương mại nhưng cũng là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị hội nhập.
Tại buổi họp báo, các diễn giả đặt ra con số 90 hay 600 ? Tức là doanh nghiệp phải chịu áp lực rất lớn khi thị trường không còn là 90 triệu dân của Việt Nam mà thay vào đó là là 600 triệu dân của ASEAN. Điều này đồng nghĩa việc tự do giao thương, tự do đầu tư, tự do hợp tác, tự do đầu tư vốn…với một thị trường rất lớn.
AEC mang đến cơ hội tiếp cận thị trường tăng 6 lần so với thị trường nội địa thuần túy, nhưng doanh nghiệp Việt phải đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt không chỉ tại “sân nhà” mà cả “sân khách”. Do đó, nhiều doanh nghiệp sẽ dễ dàng bị “đào thải” nếu như không có sự chuẩn bị để đối mặt.
Chia sẻ về vấn đề hội nhập này, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao cho biết đa phần doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam chỉ nghĩ chuyện trước mắt mà chưa có một tầm nhìn xa để hoạch định chiến lược.
Bà Hạnh cho rằng chúng ta phải thừa nhận một thực tế là đa số doanh nghiệp Việt vừa và nhỏ, nếu đi ra khỏi Hà Nội hay sài Gòn thì nó đã nhỏ nay còn nhỏ hơn nữa. Các doanh nghiệp này có một quán tính là chỉ nghĩ đến hoạt động, chống chọi với khó khăn trước mắt và cố gắng để sống sót, để tồn tại, nếu phát triển thì chỉ có phát triển trong tương lai gần.
Các doanh nghiệp này không có điều kiện về nguồn nhân lực, về tài chính, về khả năng hoạch định chất lượng có tầm xa hơn. Chưa kể, thực tế họ phải đối mặt với gánh nặng “cơm áo gạo tiền”.
Tôi có hỏi các doanh nghiệp vừa và nhỏ quan tâm cái gì nhất, có quan tâm tới hội nhập, giao thương hay không ? Câu trả lời tôi nhận được là không quan tâm, họ chỉ quan tâm đến việc làm sao để bán được hàng, giải phóng hàng tồn kho”, bà Hạnh chia sẻ.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao (Ảnh: Internet) |
Bà Hạnh cũng cho hay, hiện các doanh nghiệp đang xôn xao đến tờ trình về Dự thảo thuế suất thuế tài nguyên của Bộ Tài chính. Việc tăng thuế này có thể khiến nhiều doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản.
“Vậy, làm sao doanh nghiệp nghĩ tới chuyện hội nhập 10 năm nữa, 20 năm nữa? Nhiều người nói doanh nghiệp làm như vậy thì chết là phải, nhưng tôi nghĩ rằng chính sách nào thì doanh nghiệp đó. Chúng ta thường nói rằng hội nhập là cuộc cạnh tranh của doanh nghiệp, nói về hội nhập là nói về doanh nghiệp chuẩn bị cao. Thế nhưng, các chuyên gia trong các diễn đàn kinh tế vĩ mô nói rằng hội nhập là cạnh tranh của các Chính phủ, của giới quản lý đối với doanh nghiệp chứ không phải là cuộc cạnh tranh của các doanh nghiệp mà thôi”, bà Hạnh nói.
Thay đổi tư duy để tồn tại
Cùng bàn về hội nhập, ông Lê Trí Thông- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn BHNT & Tài chính Prudential Vietnam nhận định hội nhập cần một quá trình chuẩn bị lâu dài.
“Hội nhập không phải là một cuộc thi Đại học, đậu hay rớt mà là một cuộc thi dài hơi. Đây là một quá trình chọn lọc để lựa chọn người chơi ưu tú nhất. Quá trình chọn lọc đó phụ thuộc vào sự chuẩn bị các người chơi”, ông Thông cho biết thêm.
Trước vấn đề này, ông Trần Đức Huy, Trưởng Ban tổ chức Vietnam CEO Forum 2015 cũng cho rằng “Thị trường lớn hơn với 600 triệu người tiêu dùng ASEAN, áp lực cạnh tranh tầm ASEAN, dù muốn hay không doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi tư duy để hoàn thành sứ mệnh của mình”.
Và theo ông Huy thì sứ mệnh chỉ có thể thực thi khi thế hệ CEO 3.0 – thế hệ CEO Việt Nam thời hội nhập sẵn sàng đón nhận và thay đổi tư duy với thái độ tích cực nhất trước khi bước vào cuộc chơi lớn trong tương lai.
Ngoài ra, ông Huy cũng cho hay, trong một số cuộc khảo sát gần đây thì có khá nhiều doanh nghiệp không quan tâm, không có nhiều thông tin về AEC nên không biết doanh nghiệp của mình có ảnh hưởng gì khi AEC ra đời hay không.
“Chúng ta sẽ cùng bàn để tìm cách ra quyết định thế nào chứ không còn là sẽ chọn hướng đi nào trong sân chơi hội nhập này nữa” - ông Huy nói.
Các diễn giả tại chương trình |
Vietnam CEO Forum 2015 là diễn đàn quy tụ đông đảo các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam được chờ đợi vào tháng 9 hằng năm. Diễn đàn do Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (Hội LHTN VN TP.HCM) phối hợp cùng CLB Doanh nghiệp dẫn đầu, CLB Doanh nhân 2030, Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao tổ chức.
Diễn đàn dự kiến diễn ra ngày 24.9 tại TP.HCM với sự tham dự của khoảng 1.000 CEO (lãnh đạo doanh nghiệp) tại TP.HCM và nhiều vùng miền trong cả nước. Ngoài ra, còn có sự xuất hiện của một số nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn thành công của VN.
Ngoài diễn đàn thảo luận chung, sẽ có các diễn đàn nhỏ để có thể thảo luận sâu hơn từng chủ đề riêng và tiệc tối để lãnh đạo các doanh nghiệp giao lưu với nhau.
Phan Diệu