Gần 17.000 tỷ tiếp tục đầu tư vào Tây Nguyên

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 06:00, 18/05/2015

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 3 ngày 17.5.2015 tổ chức ở Đà Lạt – Lâm Đồng,13 dự án lớn với tổng số vốn đầu tư lên đến 16.600 tỷ đồng vào các tỉnh Tây Nguyên được trao quyết định đầu tư.  

Diễn đàn lần này đã thảo luận các chính sách và định hướng thu hút đầu tư vào Tây Nguyên như tín dụng cho Tây Nguyên, thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, biến Tây Nguyên thành thủ phủ mắc ca Đông Nam Á, tái canh cây cà phê… Trong đó, Kon Tum có tổng mức đầu tư lớn nhất lên đến 7.700 tỷ đồng

Cũng trong hội nghị, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký kết với LienVietPostBank và Him Lam thỏa thuận phát triển mắc ca tại Tây Nguyên thành cây chiến lược mới ở Lâm Đồng.

Theo đó, các bên sẽ quy hoạch chi tiết việc phát triển mắc ca ở địa phương, kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu, phát triển nguồn giống – quy trình trồng – chăm sóc; chế biến và phát triển thị trường.

Bên cạnh đó, một đề án phát triển mắc ca tại Việt Nam với số vốn dự kiến trong 5 – 10 năm tới lên đến 20 ngàn tỷ đồng cho Tây Nguyên đã được khởi động để hướng đến nông dân và các đối tượng kinh doanh khác trong chuỗi giá trị mắc ca.

Để tránh rủi ro cho người nông dân, các nhà đầu tư đã ký hợp đồng bảo hiểm cung cấp sản phẩm bảo hiểm liên quan đến cây mắc ca để đảm bảo nếu trường hợp xấu nhất xảy ra người dân cũng không mất vốn.

Không chỉ riêng ngân hàng Liên Việt, 7 ngân hàng thương mại khác là VCB, Vietinbank, Agribank, BIDV, SHB, MB, Sacombank với 17 doanh nghiệp thực hiện 16 dự án. Đồng thời, các ngân hàng cam kết cho vay trung và dài hạn với số tiền khoảng 15.000 tỷ đồng đầu tư tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của khu vực như: thủy điện, giao thông, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi…

Phát biểu tại Hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên nhấn mạnh: Mặc dù có nhiều tiền năng nhưng đến nay Tây Nguyên mới chỉ đóng góp 4,5%GDP của cả nước và so với các vùng miền khác vẫn là vùng kém phát triển.

“Nhu cầu vốn phát triển Tây Nguyên rất lớn nhưng ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng một phần cơ bản, phần lớn phải huy động từ các nguồn khác như ODA, FDI và vốn trong nước” – Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết.

Cũng phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư đã cho biết về tình hình thu hút vốn ODA tại địa bàn Tây Nguyên.

Cụ thể, tổng vốn ODA đã được ký kết trong 4 năm 2011-2014 của các tỉnh Tây Nguyên là 409,9 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp và phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, giao thông vận tải, lâm nghiệp...

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, so với các khu vực khác trong cả nước, điều kiện kinh tế xã hội của Tây Nguyên có nhiều khó khăn thu hút FDI do thiếu lao động lành nghề, cơ sở hạ tầng kém phát triển, mức sống còn thấp.

Tuy nhiên, với thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, tính lũy kế đến 31.12.2014, khu vực đã có tổng số 148 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 819 triệu USD. Bình quân một dự án là 5,5 triệu USD (thấp hơn so với bình quân một dự án nước ngoài đầu tư tại Việt Nam là 14,2 triệu USD). 

Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN cho biết, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục chủ động triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng nhằm thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các DN.

“Mục tiêu là phát huy có hiệu quả các lĩnh vực thế mạnh của các địa phương trong khu vực, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân; đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị - xã hội Tây Nguyên” – thống đốc Bình cho biết.

Tuy nhiên, cũng ở góc độ hệ thống ngân hàng, ông Võ Minh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN chia sẻ, nguồn vốn huy động tại chỗ trong các năm qua mới chỉ đáp ứng được 57,5% tổng nhu cầu vốn của các địa phương trong khu vực.

“Vì vậy, ngành ngân hàng đã chủ động cân đối, điều chuyển nguồn vốn từ các khu vực khác để đảm bảo vốn tín dụng luôn đáp ứng kịp thời nhu cầu đầu tư tại khu vực Tây Nguyên” – ông Tuấn chia sẻ.

Hoàng Long 

Một Thế Giới