Sau Toyota, hãng xe Đức GM cũng dọa rời nhà máy khỏi Việt Nam?

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 05:00, 09/05/2015

Trước thông tin hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ trong vòng 3 năm tới, hãng xe Đức Genaral Motor (GM) danh tiếng cũng cho biết sẽ cân nhắc việc duy trì nhà máy tại Việt Nam hay nhập xe về bán. Thông tin được Tổng giám đốc GM Vietnam - Gaurav Gupta chia sẻ mới đây.

Như vậy, sau đòi hỏi hỗ trợ ngàn tỷ của hãng xe Nhật Bản Toyota, GM cũng đưa ra những yêu sách đối với việc sản xuất ô tô tại Việt Nam trong môi trường miễn thuế khi hội nhập. Tổng Giám đốc GM Việt Nam nói rằng, hãng đang cân nhắc về thời hạn 2018, khi thuế nhập khẩu xe từ các nước ASEAN về 0%.

Trước đó, theo lộ trình trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã được Việt Nam ký, đến năm 2018, xe nhập khẩu từ các nước trong khu vực được hưởng thuế 0% khi vào Việt Nam.

Đây là thách thức lớn đối với ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, vốn trước nay mới dừng lại ở việc lắp ráp và đang cố gắng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Đây cũng là lý do chính mà một số hãng xe danh tiếng đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam có đề nghị hỗ trợ và bóng gió từ bỏ thị trường nước ta.

Ông Gupta cho biết: "Nếu điều đó xảy ra, vấn đề đặt ra sẽ là các nhà sản xuất nên tiếp tục duy trì nhà máy ở Việt Nam hay nhập khẩu từ nước ngoài về. Câu hỏi này thực ra đã có từ 6 năm nay".

Ông cho biết thêm, lúc đó, nếu thấy xe sản xuất trong nước có giá rẻ hơn là đưa xe từ bên ngoài, chúng tôi sẽ tiếp tục để nhà máy. Khả năng nhập khẩu sẽ cao hơn trong trường hợp ngược lại. Riêng về GM, đại diện này cho biết hãng có nhiều kế hoạch khác nhau, song mục tiêu được chú trọng nhất là phục vụ người tiêu dùng.  

Lý do hãng GM cân nhắc việc chuyển nhà máy khỏi Việt Nam cũng không có gì khác biệt so với hãng xe Toyota đưa ra trước đó. Đó là trong khi Việt Nam chưa có nhiều nhà sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô thì chi phí nhập khẩu, vận chuyển từ Thái Lan hay Indonesia về Việt Nam rất tốn kém. Nói đúng hơn là nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Thái Lan vào Việt Nam còn rẻ hơn lắp ráp.

GM hiện có nhiều nhà máy trong khu vực ASEAN. Với cơ sở sản xuất tại Việt Nam, hãng này không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, mà còn xuất xe sang châu Phi.

GM cũng là thành viên duy nhất của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe ô tô Việt Nam (VAMA) có 100% vốn nước ngoài, so với những liên doanh, nhà sản xuất khác như Toyota hay Thaco, thì hãng này có thị phần thấp hơn nhiều, dao động trong khoảng 2,7-4,4% trong những tháng gần đây.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế có chung nhận định rằng, các hãng xe không phải muốn rời khỏi thị trường Việt Nam. GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI nhận định về Toyota rằng: "Họ dọa đấy. Vì họ cũng đã tuyên bố ý định tương tự như vậy nhiều lần rồi”.

“Việc di dời một nhà máy từ nơi này sang một nơi khác đâu có dễ. Họ dọa không có lý thì chúng ta phải giải thích cho họ hiểu", GS Nguyễn Mại nói.

Bên cạnh đó, ông Đào Phan Long Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam  cũng cho biết trong hội thảo mới đây do Bộ Công thương tổ chức rằng, với một thị trường 100 triệu dân như Việt Nam, không hãng xe nào muốn bỏ đi.

Với dân số và mức sống đang được nâng cao, GS Nguyễn Mại phân tích thêm, khoảng 15 triệu người có khả năng mua ô tô. Mà người dân Việt Nam lại thích mua ô tô đẹp và đắt tiền nên thị trường ô tô Việt Nam luôn bị “người ta” nhăm nhe rất lâu nhưng vì chúng ta bảo hộ nên không phát triển được.

Hoàng Long (tổng hợp từ VNE)

Một Thế Giới