DN Việt muốn vào ASEAN, hãy đi từ thị trường ngách

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 10:46, 01/05/2015

Thách thức khi Việt Nam bước chân vào thị trường Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là không hề nhỏ, muốn phát huy được thế mạnh của mình và thu được lợi nhuận thì Việt Nam chỉ có thể tiến vào bằng thị trường ngách. Đó cũng là nhận định chung của nhiều chuyên gia kinh tế hiện nay.

Theo  PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội, muốn hội nhập thành công thì một trong những vấn đề quan trọng là DN Việt Nam cần có chiến lược tiếp cận thị trường ASEAN khi hàng hóa của các nước ASEAN sẽ tràn ngập Việt Nam sau khi vào AEC.

Theo nhận định của giới chuyên gia, thách thức lớn nhất của Việt Nam khi tham gia AEC đến từ sự cạnh tranh toàn diện, nghĩa là cạnh tranh không chỉ ở thị trường nước ngoài mà còn trên thị trường trong nước, không chỉ cạnh tranh với DN đến từ ASEAN mà còn phải cạnh tranh với DN các nước ASEAN+ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...

Các chuyên gia cũng cho rằng, sự cạnh tranh không chỉ về hàng hóa mà còn về dịch vụ, đầu tư, sự di chuyển của nguồn lao động có kỹ năng của các nước ASEAN.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội, mức độ cạnh tranh khá khốc liệt khi hàng hóa, dịch vụ của nhiều nước ASEAN có chất lượng cao hơn so với hàng hóa và dịch vụ trong nước.

“Đặc biệt, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam có tính tương đồng cao với các nước trong khu vực, dẫn đến tính loại trừ rất cao” – ông Sơn cho biết.

Ông cho biết thêm, các DN của các nước ASEAN, đặc biệt là các nước ASEAN+ có bề dày, kinh nghiệm, kỹ năng quản lý kinh doanh tốt hơn, công nghệ cao hơn và đặc biệt họ có sự chuẩn bị tốt hơn cho hội nhập.

Cho nên ông Sơn cho rằng, muốn thâm nhập vào thị trường ASEAN, DN Việt không có cách nào khác là phải thâm nhập thông qua sự khác biệt của hàng hóa dịch vụ, có nghĩa là phải thâm nhập thị trường ngách.

“Việc tham gia thị trường ngách là cách thức để DN Việt không phải đối đầu trực diện với DN nước ngoài, đồng thời có thể khai thác được các thế mạnh của mình” – ông Sơn cho biết.

Theo đó, TS Nguyễn Hồng Sơn đưa ra một số giải pháp cho vấn đề này. Ông cho biết, Việt Nam cần phải đổi mới tư duy về hội nhập AEC của DN.

“Cần xem tính loại trừ là động lực để DN đổi mới công nghệ, kỹ năng quản lý qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời cần xem hội nhập AEC là phương pháp quan trọng để nâng cao tính độc lập của nền kinh tế thông qua việc đa dạng hóa thị trường, đối tác để không quá lệ thuộc vào một thị trường, đây là điều hết sức quan trọng” – ông Sơn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, ngoài việc cần phải chú ý sự khác biệt về tôn giáo, văn hóa, lịch sử, quy mô quốc gia... của các nước ASEAN so với các thị trường khác, sự tương đồng trong cơ cấu kinh tế của các nước (vì sự tương đồng này dẫn đến cạnh tranh nội ngành giữa các nước).

“DN cần chú ý nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng... để cạnh tranh với DN các nước” – Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết.

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cũng nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ làm được, vì đến nay chúng ta có những thương hiệu có thể cạnh tranh sòng phẳng với các DN của ASEAN. Vấn đề là làm sao để các thương hiệu như thế sẽ ngày càng nhiều hơn”.

Trí Lâm

Một Thế Giới