Các DN nước ngoài quan tâm nhiều đến công nghiệp chế biến của VN

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 19:00, 30/04/2015

Trong 4 tháng đầu năm 2015, số lượt dự án cấp mới và tăng vốn đều tăng hơn so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI nhất là công nghiệp chế biến và chế tạo.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch đầu tư), số dự án cấp mới trong 4 tháng đầu năm 2015 tăng hơn 14,9% và số dự án tăng vốn tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2014.
Tuy nhiên trong 4 tháng đầu năm 2015 không có các dự án quy mô lớn như cùng kỳ năm 2014 vì vậy số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm giảm so với cùng kỳ.
Cũng theo công bố, tính đến tháng 4.2015 cả nước có 448 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) với tổng vốn đăng ký là 2,676 tỷ USD, bằng 82,9% so với cùng kỳ năm 2014.  
Song song với đó có 167 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1,04 tỷ USD, bằng 64,3% so với cùng kỳ năm 2014.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 14 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 207 dự án đầu tư đăng ký mới và 113 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 2,83 tỷ USD, chiếm 76% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 10 dự án đăng ký mới với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 327 triệu USD, chiếm 8,8% tổng vốn đầu tư.
Đứng thứ 3 là lĩnh vực Bán buôn bán lẻ sửa chữa với 65 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 198,65 triệu USD.
Về đối tác đầu tư, đã có 42 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 908,88 triệu USD, chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam.
Thổ Nhĩ Kỳ đứng vị trí thứ 2  với số vốn là 660 triệu USD chiếm 17,7% tổng vốn đầu tư . BritishVirgin Islands  đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 509,6 triệu USD, chiếm 13,7% tổng vốn đầu tư.
Nhật Bản đứng vị trí thứ 4 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 374,3 triệu USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư.
Theo đó, trong 4 tháng đầu năm 2015, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 4,2 tỷ USD, tăng 5% với cùng kỳ năm 2014.
Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương có được sự chú ý của các doanh nghiệp nước ngoài như Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương thì còn nhiều địa phương không thu hút được nhiều các dự án FDI như các địa phương ở khu vực miền núi phía Bắc là Lạng Sơn, Tuyên Quang, Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn…
Thực chất, đây cũng là những địa phương thu hút được ít nguồn vốn FDI trong những năm qua.
Mặt khác, nguồn vốn thu hút được của 40 địa phương khác trong bốn tháng qua cũng không đều và có sự phân hóa rất lớn, như có tới 15 địa phương chỉ thu hút được 1 dự án FDI, nhiều tỉnh khác chỉ thu hút được 2-3 dự án.

Trí Lâm

Một Thế Giới