Ngân hàng Việt Nam sẽ ở đâu trong cuộc đua với ngân hàng ngoại?
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 06:00, 22/04/2015
Ngân hàng ASEAN đang “đổ bộ” vào Việt Nam
Mới đây, ngân hàng Kasikorn của Thái Lan đã thành lập hai văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP HCM. Trước Kasikorn, Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS) và Maybank (Malaysia) cũng có mặt tại thị trường Việt Nam.
Kasikorn cho biết sẽ mở rộng hoạt động tại Việt Nam và tiếp tục mở thêm nhiều văn phòng và chi nhánh sau khi được NHNN cấp phép. Ngân hàng này có kế hoạch chinh phục đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam.
Với sự hiện diện của Kasikorn tại Việt Nam, nước ta hiện có hơn 50 văn phòng đại diện của ngân hàng nước ngoài. Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 50 chi nhánh ngân hàng ngoại, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và một số ngân hàng liên doanh.
Đáng lưu ý là những năm trước, ngân hàng nước ngoài xuất hiện tại Việt Nam chủ yếu thuộc những quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều vào Việt Nam, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan…
Tuy nhiên, gần đây, ngân hàng các nước ASEAN đã xuất hiện ngày càng nhiều. Dường như các tổ chức tín dụng trong khu vực đã sẵn sàng đón đợi cơ hội từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), dự kiến hình thành cuối năm nay.
Ngân hàng trong nước đứng ở đâu?
Sự gia nhập của các ngân hàng nước ngoài cũng đồng nghĩa với việc sẽ có một cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn với nhóm các ngân hàng Việt Nam.
Theo các chuyên gia, các ngân hàng ngoại sẽ có những lợi thế hơn các ngân hàng nội, do đa phần các ngân hàng ngoại đều có hoạt động ở rất nhiều nước trên thế giới và khách hàng là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Còn theo ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc khối nguồn vốn và ngoại hối, Ngân hàng VIB, cách đây mấy năm, VIB đã lập cả “đội” phụ trách DN FDI, song cho đến nay, kết quả đạt được chưa được như mong muốn.
Điều đáng lo là trong khi các ngân hàng trong nước đang chật vật khai phá khối khách hàng FDI, thì nhiều ngân hàng nước ngoài đã công khai bày tỏ mong muốn sẽ “nhắm” vào các DN nội, vốn là khách hàng của ngân hàng trong nước.
Theo ông Đàm Nhân Đức, Giám đốc trung tâm phân tích và quản trị chiến lược của Techcombank, giải pháp duy nhất cho các ngân hàng nội là hợp tác với các ngân hàng ASEAN như DBS, OCBC hay Maybank, để cùng nhau phát triển.
Việc tăng cường hiện diện của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam sẽ đem lại cho Việt Nam một lượng vốn cần thiết, tạo động lực để phát triển. Tuy nhiên, việc này cũng tạo áp lực cạnh tranh rất lớn trong hệ thống ngân hàng. Hơn nữa, khối ngân hàng ngoại còn nhắm tới cả khối doanh nghiệp trong nước. Đây thực sự là thách thức lớn đối với ngân hàng trong nước.
Tuyết Nhung (Tổng hợp)