Doanh nghiệp nước ngoài kêu nạn tham nhũng, phí bôi trơn ở Việt Nam

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 16:36, 16/04/2015

Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn đánh giá thấp lĩnh vực tham nhũng và phí bôi trơn ở Việt Nam. Họ cho rằng, hai vấn đề này đã gây sức ép không hề nhỏ cho họ.

Trong báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 16.4 cho biết, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (DN FDI) đều chia sẻ cảm nhận chung là môi trường kinh doanh của Việt Nam kém hấp dẫn hơn vì tham nhũng và chi phí không chính thức, chất lượng dịch vụ hành chính công như giáo dục, y tế và dịch vụ tiện ích và chất lượng của cơ sở hạ tầng.

"Nhà đầu tư xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngang với Lào, Campuchia song đối với lĩnh vực tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật Việt Nam còn bị đánh giá thấp hơn nhiều so với 2 nước này", nội dung của báo cáo nêu rõ.

Trên thực tế, các DN FDI đánh giá tỷ lệ tham nhũng ở Việt Nam vẫn còn cao là do các khoản chi bôi trơn trực tiếp và gián tiếp đang đội lên.

Các loại chi phí không chính thức mà doanh nghiệp FDI phải chi trả trong năm 2014 đều cao hơn năm 2013. Nếu năm 2013, khoảng 32% DN cho biết tổng chi phí không chính thức của họ chiếm hơn 1% thu nhập mỗi năm, thì năm 2014 con số này đã tăng lên 38%. 
Quy mô chi trả chi phí không chính thức trung bình ở Việt Nam được điều tra PCI ghi nhận là cao nhất kể từ năm 2011.

Đơn cử, có 17,4% DN FDI phải trả chi phí không chính thức khi xin giấy phép đầu tư.

Có tới 31,4% DN phải trả hoa hồng khi tham gia đấu thầu, tỷ lệ này tăng gần 3 lần so với năm 2013. Đối với chi phí không chính thức khi thực hiện dịch vụ ở cảng khi xuất, nhập khẩu, có 66,2% DN phải trả, cao hơn gần 10% so với năm 2013.

Mặt khác, các nhà thầu không đủ năng lực được lựa chọn thay vì những nhà thầu có năng lực nhưng không hối lộ. Trong số này, 89% DN FDI được hỏi cho biết họ ít nhiều đều gặp bất lợi với tần suất khác nhau (trong đó 29% luôn luôn gặp phải, 32% thường xuyên và 28% thỉnh thoảng). 
Kết quả này cho thấy, "văn hóa chi trả hoa hồng" trong ký kết hợp đồng với cơ quan Nhà nước có thể cản trở việc lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất, dẫn đến chi phí cao còn chất lượng thì kém.

Hà Nội là địa phương có tần suất tham nhũng trong quá trình đấu thầu các hợp đồng với cơ quan Nhà nước cao hơn đáng kể so với các địa phương khác. Hơn 50% nhà đầu tư ở Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... cũng cho biết họ phải chi trả tiền bôi trơn và chi hoa hồng để cạnh tranh có hợp đồng.

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng phòng Pháp chế VCCI cho biết: “Cảm nhận của nhà đầu tư nước ngoài về vấn đề chi phí không chính thức ngày càng có chiều hướng đáng lo ngại bất chấp những nỗ lực của Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng. DN cho biết, tình trạng, tần suất chi trả phí không chính thức trong mọi hoạt động từ xin giấy phép đầu tư đến quá trình đấu thầu, làm thủ tục xuất nhập khẩu tại cảng và giải quyết tranh chấp ở tòa án ngày càng tăng”.

Tuyết Nhung 

Một Thế Giới