TS. Võ Trí Thành: Đại gia làm nông nghiệp phải chấp nhận rủi ro
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 13:16, 12/04/2015
Đầu tư vào nông nghiệp là xu hướng tích cực
Dù là lĩnh vực luôn có sự tăng trưởng khả quan và nhiều tiềm năng phát triển nhưng nông nghiệp chưa bao giờ hấp dẫn được các nhà đầu tư lớn. Cho đến gần đây, khi cách nhìn nhận về nông nghiệp đã khác, nhận thấy tiềm năng lợi nhuận lớn từ lĩnh vực này, nhiều đại gia đã không ngại rót vốn đầu tư vào nông nghiệp.
Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng và lạc quan vào nhận định trên của TS Võ Trí Thành. Bởi vì theo ông, Việt Nam là đất nước rất có lợi thế về nông nghiệp, minh chứng là từ đất nước phải nhập khẩu gạo đã trở thành nước đứng top 2, 4 về xuất khẩu nhiều mặt hàng. Nhiều nước như Nhật Bản, Mỹ đã nhìn Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng như nền, cơ sở cung cấp lương thực thực phẩm có chất lượng.
Cũng theo TS Võ Trí Thành, một lý do khác nữa để chúng ta lạc quan với việc các doanh nghiệp bỏ tiền vào nông nghiệp, đó là chính cách lựa chọn của các nhà đầu tư cũng ăn nhập với chính sách của Nhà nước. Bên cạnh những lĩnh vực khác đã có chủ trương, suy nghĩ có tính đột phá về tái cấu trúc ngành nông nghiệp, bắt đầu đã được hiện thực hóa.
Trước đó, trả lời phỏng vấn của báo Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhận định chắc chắn rằng, phải có những tập đoàn lớn có quy mô, có tiềm lực vốn và kinh nghiệm thương trường dày dạn đầu tư thì nông nghiệp mới mong có được sự bài bản, nông nghiệp mới có thể phát triển theo hướng chúng ta đang mong muốn là quy mô lớn, cơ giới hóa, chất lượng cao, được kiểm soát từ đầu đến cuối.
Từ đó, hình thành chuỗi cung ứng, trong đó có sự tham gia của các công đoạn, các doanh nghiệp nhỏ và người nông dân tham gia. Theo đó, những sản phẩm thu được sẽ là sản phẩm cao cấp hơn so với từ trước đến nay vẫn làm.
Bà Phạm Chi Lan chia sẻ thêm: “Có làm được điều đó thì chúng ta mới có thể cạnh tranh được với bên ngoài, nhất là thời gian tới bước vào hội nhập. Tôi rất kì vọng vào sự tham gia của những doanh nghiệp này, bởi sự tham gia của họ có thể kích thích sự phát triển, cạnh tranh của những doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp từ trước và tạo cảm hứng, mở đường cho các doanh nghiệp mới đầu tư vào lĩnh vực này”.
Theo đó, phần lớn các ý kiến của các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, việc các doanh nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai, Vingrop, Hòa Phát… tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp là dấu hiệu tích cực, gắn với xu thế mới, gắn với lợi ích đất nước và cho đất nước.
Không ít rủi ro
Như một lẽ thường trước các cuộc chơi lớn, băn khoăn là điều khó tránh khỏi. Theo nhiều ý kiến thì việc lo ngại chủ yếu là sự cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài trong môi trường hội nhập, thêm nữa là sự trung thực hay không trong việc sử dụng đất đai của các doanh nghiệp.
Bà Phạm Chi Lan cho rằng, thách thức trong thời gian tới của nông nghiệp Việt Nam là rất lớn, khi mà thị trường chung ASEAN, FTA mở ra. Cạnh tranh với các nước như Thái Lan hay Trung Quốc là điều không phải đơn giản, rất khốc liệt, gây sức ép cho cả doanh nghiệp và người sản xuất.
Đồng tình với nhận định đó, ông Võ Trí Thành cũng cho biết, trong kinh tế thị trường sự cạnh tranh là cần thiết và tích cực khi nhìn vào sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Muốn phát triển bền vững thì sự cạnh tranh cần dựa trên môi trường minh bạch, lành mạnh. Cạnh tranh không thể bị bóp méo, dựa vào mối quan hệ, sự làm giả, làm nhái, vị thế độc quyền.
“Doanh nghiệp biết chấp nhận rủi ro, thị trường biết lựa chọn nhìn vào tổng thể sẽ có lợi cho doanh nghiệp và đất nước. Nhìn nông nghiệp Việt Nam trong bản đồ khu vực, toàn cầu, với Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, tự do hóa với nhiều nước, các nhà kinh doanh vẫn thấy cơ hội, bầu trời để sinh lời không chỉ ở Việt Nam” – TS Võ Trí Thành nhận định.
TS Võ Trí Thành cho rằng, nói đến nông nghiệp phải nói đến nông thôn gắn tổ chức sản xuất với vấn đề chính trị, xã hội. Hộ gia đình vẫn giữ vai trò quan trọng, cách tổ chức gắn với vấn đề văn hóa, chính trị, xã hội để vị thế mặc cả của người nông dân cao hơn, ăn chia công bằng hơn, có lợi và thích hợp vì vị thế mặc cả của người nông dân hiện nay vẫn đang ở thế yếu.