'Nhiều doanh nghiệp FDI trốn thuế dữ quá'

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 13:11, 09/04/2015

“Nhiều doanh nghiệp FDI trốn thuế dữ quá, họ lợi dụng việc chuyển giá nên chúng ta chỉ thu được một ít thuế VAT, còn thuế thu nhập doanh nghiệp hầu như không thu được đồng nào..."
Đó là phát biểu của ông Võ Duy Khương - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng được báo Tuổi trẻ trích dẫn tại buổi làm việc giữa UBND TP Đà Nẵng với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sáng ngày 8.4.
“Họ kê khai giá nguyên liệu đầu vào rất cao rồi hạch toán, sau đó tính lại giá đầu vào cao hơn cả giá bán ra nên liên tục kêu than lỗ” – ông Khương cho biết.
Ông Khương nói thêm, nhiều doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam toàn sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, cho nên Chính phủ cần phải  rà soát hoạt động thu hút vốn FDI.
Trong một diễn biến khác, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Trần Văn Phu cũng từng cho biết, năm 2014, toàn ngành thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá tại 2.866 doanh nghiệp khai báo kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp nghi ngờ có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, tăng 80% so với năm 2013. 
Kết quả là, cơ quan thuế đã, giảm lỗ hơn 5.830 tỷ đồng, truy thu, truy hoàn và phạt gần 1.701 tỷ đồng, so với năm 2013 tăng tương ứng gần 82% và 112%.
Tại hội thảo Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến kinh tế Việt Nam tổ chức sáng ngày 9.4, ông Nguyễn Huy Hoàng – Phó trưởng Ban Thông tin DN và thị trường (Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia) cũng nhận định, các doanh nghiệp FDI đã đem lại một bộ mặt khác cho nền kinh tế Việt Nam. 
Tuy nhiên, ông Hoàng cũng chỉ ra những hạn chế mà dòng vốn FDI tác động ngược trở lại với nền kinh tế. Ngoài chuyện chuyển giá, thì việc các doanh nghiệp FDI độc quyền trong một số lĩnh vực như nước uống có ga, thức ăn gia súc, chất tẩy rửa… đã tác động mạnh tới khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.
“Các công ty đa quốc gia phát triển mạnh trong 1 số lĩnh vực với lượng vốn lớn, công nghệ mạnh đã đẩy các doanh nghiệp trong nước cùng lĩnh vực ra khỏi thị trường. Số doanh nghiệp có tầm kiểm soát ngành trên đã làm méo mó thị trường”- ông Hoàng cho biết.
Trước tình hình đó, ông Nguyễn Huy Hoàng cũng đưa ra kiến nghị, các chính sách thu hút vốn FDI cần được rà soát, tập trung hướng tới các lĩnh vực cụ thể, ưu tiên cho các hoạt động sản xuất tạo giá trị gia tăng hay ưu tiên cho các dự án đầu tư công nghệ cao.
Bên cạnh đó, khung pháp lý về mua bán – sáp nhập (M&A) có yếu tố nước ngoài cần nhanh chóng hoàn thiện để đẩy mạnh gắn kết về công nghệ, lao động, thị trường và quản trị doanh nghiệp.
Riêng với lĩnh vực phát triển công nghiệp phụ trợ cho các lĩnh vực then chốt như điện tử, dệt may, sản xuất ô tô, xe máy… vị này nhấn mạnh, cần nghiên cứu đưa ra mô hình liên kết ngang, hình thành các doanh nghiệp vệ tinh, sản xuất linh kiện cho các doanh nghiệp FDI sản xuất hướng tới xuất khẩu.
Hoàng Long (Tổng Hợp)

Một Thế Giới