Ngành ô tô Việt Nam gửi đơn chờ thủ tướng ...cứu!
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 05:20, 06/04/2015
Trước tình trạng ô tô Trung Quốc nhập khẩu nguyên chiếc ồ ạt vào Việt Nam với mức thuế rẻ hơn thuế linh kiện, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam gửi đơn kêu cứu đến Thủ tướng. Tuy nhiên, trao đổi với Một Thế Giới, GS.TS Đặng Đình Đào và TS. Huỳnh Thế Du cho rằng, các doanh nghiệp trong nước buộc phải chấp nhận và thay vì kêu cứu, nên tập cạnh tranh để tham gia vào cuộc chơi hội nhập.
Phản ứng là điều dễ hiểu
Hiệp hội Cơ khí Việt Nam gửi đơn kêu cứu đến Thủ tướng Chính phủ vì hiện tượng ô tô tải nhập khẩu nguyên chiếc, đặc biệt là từ Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam với số lượng rất lớn, trong khi đó thuế linh kiện hiện nay cao hơn thuế nhập khẩu nguyên chiếc, đang đe dọa đến sự phát triển của ngành ô tô nội địa.
Bàn về vấn đề này, trao đổi với PV Một Thế Giới, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc Dân Hà Nội cho rằng, chuyện các doanh nghiệp, hiệp hội ô tô trong nước phản ứng cũng là điều dễ hiểu bởi điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của ngành ô tô Việt Nam.
"Tuy nhiên, qua câu chuyện này đã phản ánh một thực tế đó là sự yếu kém trong nhiều năm nay của ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam. Hiện nay, ô tô nguyên chiếc nhập vào nước ta tràn lan thì các doanh nghiệp buộc phải chấp nhận, chứ khó có thể kêu gọi những biện pháp rào cản như trước được. Chúng ta buộc phải chấp nhận sự cạnh tranh khi tham gia cuộc chơi hội nhập", GS Đào nhận định.
Ông Đào cũng cho biết thêm, việc các loại ô tô tải nhập khẩu nguyên chiếc đang tràn vào Việt Nam là lời cảnh báo cho ngành ô tô Việt Nam cần vươn lên chứ không thể tụt hậu mãi được, dù điều này là cực kì khó khăn.
"Còn phía về phía các cơ quan chức năng cũng nên xem xét, đánh giá tình hình thực tế để trả lời cho doanh nghiệp những khúc mắc về chênh lệch thuế giữa linh kiện và xe nguyên chiếc.
Nhu cầu về dòng xe tải để kinh doanh trong nước rất lớn, và Trung Quốc đã nắm được yếu tố này nên đã tràn vào thị trường Việt Nam. Chúng ta đã không tính toán được điều đó để đón đầu nên phải đi sau người ta và chấp nhận làm thị trường cho họ, chúng ta không thể cạnh tranh nổi", GS nói nói.
Doanh nghiệp buộc phải chấp nhận cạnh tranh
Đồng tình với quan điểm của GS Đào, trả lời Một Thế Giới, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du - Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cũng cho rằng, việc các doanh nghiệp ô tô trong nước kêu ca không có gì là lạ. Cũng như Hiệp hội mía đường, khi đụng chạm đến quyền lợi của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phản ứng, điều này không có gì khó hiểu.
“Thực ra, một số lĩnh vực chúng ta không có khả năng cạnh tranh mà cố gắng tạo dựng rào cản để có lợi trong cạnh tranh thì nó chỉ được một giai đoạn nào đó, không lâu bền. Tới đây, khi thị trường đã hội nhập quốc tế, hàng rào thuế quan không thể nào dựng lên mà bảo hộ được nữa. Lúc đó, lợi thế cạnh tranh nghiêng về bên nào thì tự động sẽ rõ ràng”, TS Du nhận định.
Cũng theo TS. Huỳnh Thế Du, bản chất của cạnh tranh thị trường rất khốc liệt, khi các doanh nghiệp Việt chấp nhận gia nhập cuộc chơi toàn cầu thì phải tuân thủ luật chơi và buộc phải thích nghi. Theo đó, muốn có lợi thì doanh nghiệp phải tập trung vào thứ mà chúng ta có thế mạnh hơn chứ không nên theo đuổi thứ chúng ta không có khả năng, sẽ không thể cạnh tranh nổi.
"Có nhiều ví dụ về tập trung nguồn lực sai lầm, như công nghiệp đóng tàu cách đây 10 năm, ai cũng nghĩ là chúng ta có thể cất cánh, đổ biết bao tiền của vào cuối cùng chúng ta cũng không thể phát triển", TS. Du nhấn mạnh.
Giảng viên của Fulbright cũng lấy ví dụ: có một mảnh vải đủ cho may một cái áo mà gia đình có 5 người con, vậy chúng ta nên lựa chọn may 1 cái áo cho 1 người hay xé thành 5 mảnh cho 5 người làm khăn lau miệng? Nếu làm khăn lau thì chúng ta cũng chẳng được gì, thôi thì nên để mảnh vải may áo cho một người.
"Tương tự, chúng ta nên tập trung nguồn lực đầu tư cho ngành chúng ta có thế mạnh nhất thì sẽ phát huy được hiệu quả", TS. Du nói.
Trí Lâm
Một Thế Giới