Sản xuất linh kiện iPhone 6, doanh nghiệp VN tự tin “thừa sức làm“

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 05:16, 03/11/2014

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Thăng Long Tech, các doanh nghiệp Việt Nam thừa khả năng để cung cấp linh kiện cho các tập đoàn, công ty lớn như Samsung, Canon... Thậm chí nếu muốn, cũng có thể cung cấp được những linh kiện iPhone 6.
Thông tin trên được ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết tại Diễn đàn “Đẳng cấp quốc tế - Lời giải từ sản phẩm Việt” do phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), báo Diễn đàn Doanh nghiệp và CESTC tổ chức ngày 1.11.
Thừa khả năng để cung cấp linh kiện cho Apple, Samsung, Canon...
Ông Tuấn cho rằng, điều quan trọng hiện nay là phải làm như thế nào chứ không phải là bất chấp, cố tình làm cho bằng được. Bởi mục đích chúng ta hướng đến là phát triển một nền công nghiệp chứ không phải đi sản xuất hàng mỹ nghệ. 
"Doanh nghiệp của tôi và nhiều doanh nghiệp Việt có thể cung cấp linh kiện cho iPhone 6. Nếu quyết tâm chúng ta hoàn toàn có thể làm được nhưng quan trọng là làm thế nào. Hiện nay, doanh nghiệp chúng ta chưa làm được những sản phẩm đáp ứng yêu cầu trong chuỗi giá trị toàn cầu không phải là do chúng ta kém mà do thiếu sự liên kết với nhau. Các doanh nghiệp phải tự cứu mình thay vì cứ trông chờ chính sách, ưu đãi thì sẽ không bao giờ có được kết quả" - ông Tuấn nhận định.
Đồng tình với ý kiến của ông Tuấn, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Ánh cho rằng, các doanh nghiệp Việt cần phải có sự tập trung cao độ và làm tốt những việc mà mình có thế mạnh, có khả năng làm được. Doanh nghiệp Việt nên nghĩ đến việc là người dẫn dắt giá trị toàn cầu thay vì cứ loay hoay tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu để làm ra những sản phẩm thấp.
"Tôi cho rằng doanh nghiệp của chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất được cây kim hay những con ốc vít. Chúng ta thừa khả năng để làm được điều này, nhưng chúng có đáng làm hay không, có đúng sản phẩm then chốt hay không? Chỉ cần nhập công nghệ về và ấn một nút đơn giản là có thể tạo ra được những sản phẩm như vậy. Nhưng liệu với cách làm đó, chúng ta có làm tốt hơn được những người khác hay không? Hay chúng ta chỉ có thể tham gia và tạo ra được những sản phẩm có giá trị thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu?"- ông Ánh đặt ra câu hỏi.
Từ đó, ông Ánh cho rằng, doanh nghiệp Việt cần phải làm tốt những việc mình đang làm và đang có thế mạnh. Chẳng hạn như Việt Nam đã cung cấp được vỏ, bao bì cho các tập đoàn lớn thì hãy làm tốt việc này thay vì nghĩ đến ốc vít, tai nghe.
Mấu chốt là sáng tạo, khác biệt mang tính trí tuệ Việt
Hoàn toàn đồng tình với ý kiến của chuyên gia Nguyễn Đình Ánh, tuy nhiên chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, bên cạnh việc tập trung vào các sản phẩm mà doanh nghiệp Việt đang có thế mạnh, thì một trong những mục tiêu khác mà chúng ta cần hướng đến hiện nay là tạo ra các sản phẩm mang tính sáng tạo và sự khác biệt mang tính trí tuệ.
Ông Võ Trí Thành cho rằng, muốn phát triển được nền kinh tế hay ngành công nghiệp phụ trợ thì phải tạo ra được giá trị gia tăng của sản phẩm. Giá trị gia tăng nằm ở chính trình độ nghiên cứu, trình độ công nghệ chế tạo. Ông Thành lấy ví dụ như các sản phẩm của hãng Apple luôn có giá trị gia tăng cao, nên mặc dù hàng trăm, hàng nghìn linh kiện được sản xuất tại Đài Loan hay Trung Quốc thì giá trị gia tăng tạo ra ở các nước này chỉ khoảng 5%.
"Cho nên vấn đề ở đây chính là trình độ nghiên cứu, trình độ công nghệ để tạo ra các sản phẩm và thương hiệu mang tính trí tuệ cao" - ông Thành nhấn mạnh.
Ông Vũ Thanh Thắng - Phó Chủ tịch Tập đoàn công nghệ BKAV cũng bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của chuyên gia Võ Trí Thành và cho rằng, con đường then chốt để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp Việt, của nền kinh tế Việt Nam chính là đầu tư phát triển các sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao, công nghệ cao. Chỉ có như vậy thì mới tạo ra được bước nhảy nhanh hơn và cao hơn.
"Nếu như chúng ta có sự lựa chọn đúng về mặt công nghệ và con người thì doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể phát triển các sản phẩm công nghệ cao, thậm chí là tốt hơn các doanh nghiệp nổi tiếng thế giới” - ông Thắng nhấn mạnh.
Để chứng minh cho điều mình nói, ông Thắng đã lấy dẫn chứng từ việc sản xuất ra một chiếc điện thoại SmartHome của công ty BKAV. Theo đó, để làm ra được một sản phẩm như vậy, công ty BKAV đã phải mất 11 năm để phát triển các sản phẩm thông minh và phải xây dựng riêng một nhà máy sản xuất linh kiện cho sản phẩm, nhằm sản xuất đồng bộ từ thiết kế sản phẩm, mạch điện tử, phần mềm, nút nhựa, cơ khí, đột dập…
"Các hãng nổi tiếng như Google, Apple hay Samsung hiện cũng rất muốn đầu tư, thâm nhập vào lĩnh vực nhà thông minh, nhưng sản phẩm của họ vẫn còn sơ khai, chưa hoàn chỉnh. Trong khi đó, BKAV đã hoàn chỉnh từ thiết bị chiếu sáng đến kiểm soát môi trường hay an ninh" - ông Thắng cho biết.
Duyên Duyên

Một Thế Giới