Kinh phí xây tuyến metro số 1 tăng gần 30.000 tỉ đồng

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 10:13, 11/10/2014

Theo tin từ UBND TP.HCM, không chỉ có kinh phí xây tuyến metro số 1 tăng gần 30.000 tỉ đồng mà thời gian xây dựng cũng tăng thêm 2 năm nữa.
Ngày 10.10, UBND TP.HCM đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về tình hình thực hiện dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). 
Theo đó, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án đã được UBND thành phố phê duyệt lần đầu vào năm 2007 là hơn 1,09 tỉ USD (tương đương 17.380 tỉ đồng).
Sau khi dự án đầu tư được duyệt, qua xem xét hồ sơ dự án đầu tư để lập hồ sơ mời thầu cho các gói thầu chính dự án, tư vấn chung của dự án (liên danh NJPT) nhận thấy thiết kế cơ sở trong dự án đầu tư được duyệt chưa đáp ứng được yêu cầu làm cơ sở để xây dựng hồ sơ mời thầu cho 3 gói chính thuộc dự án.
UBND thành phố cho biết vốn tăng là do sự biến động khách quan của nguyên - nhiên liệu, việc tăng lương tối thiểu từ năm 2006 đến năm 2009.
Do đó, liên danh NJPT đã làm rõ, bổ sung, tính toán đủ cho thiết kế cơ sở của dự án và UBND thành phố đã phê duyệt điều chỉnh dự án vào tháng 9.2011 với tổng mức đầu tư điều chỉnh hơn 2,49 tỉ USD, tương đương 47.325 tỉ đồng. Như vậy, so với thiết kế duyệt lần đầu thì kinh phí xây tuyến metro số 1 tăng gần 30.000 tỉ đồng. 
Trong đó, vốn ODA của Nhật Bản là hơn 2,2 tỉ USD, còn lại là ngân sách thành phố.
Về nguyên nhân, UBND thành phố cho biết do sự biến động khách quan của nguyên - nhiên liệu, việc tăng lương tối thiểu từ năm 2006 đến năm 2009. Việc tăng khối lượng xây dựng cho dự án nhằm đem lại hiệu quả đầu tư và khai thác cao hơn cho dự án cũng làm tăng tổng mức đầu tư…
Theo UBND thành phố, dự kiến năm 2020 mới có thể đưa vào vận hành tuyến metro số 1, thay vì vào cuối năm 2018 như dự án được duyệt.
Tuyến metro số 1 là dự án nhận được nhiều vốn đầu tư nhất trong số 4 dự án mà Nhật Bản đã hỗ trợ tại TP.HCM. Ba dự án kia là đại lộ Đông Tây - hầm vượt sông Sài Gòn, Môi trường nước giai đoạn 1 (lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ) và Cải thiện môi trường nước (giai đoạn 2).
Trong cuộc gặp với đại diện Nhật Bản hồi tháng 2.2014, lãnh đạo TP.HCM cho biết đã giao nhiệm vụ cho Ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với đơn vị tổng thầu triển khai thi công, để phấn đấu đến khoảng cuối năm 2017, đầu năm 2018 hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Theo TNO

Một Thế Giới