Bột ngọt giá rẻ Trung Quốc khiến hàng trong nước khó thở

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:42, 15/03/2016

 Ngày 14.3, thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này đã quyết định áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam.
Cụ thể, ngày 10.3.2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 920/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo đó, biện pháp tự vệ toàn cầu được áp dụng với mức thuế tuyệt đối là 4.39 triệu đồng/tấn nhằm để tạo điều kiện cho các nhà sản xuất trong nước khắc phục được thiệt hại nghiêm trọng do sự gia tăng đột biến của hàng hóa nhập khẩu gây ra.
Theo quy định tại điều 7.4 về thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ của WTO, thời gian biểu cho việc nới lỏng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm bột ngọt nhập khẩu sẽ được thực hiện trong vòng 4 năm với mức thuế tuyệt đối áp dụng giảm 10% qua mỗi năm.
Việc áp thuế này nhằm đảm bảo ngành sản xuất trong nước có đủ thời gian để khắc phục thiệt hại nghiêm trọng đang gặp phải, theo khung thời gian cụ thể như sau:
bot ngot nhap khau, ap thue, Bo Cong thuong, Cuc Quan ly canh tranh
 
Các biện pháp tự vệ không được áp dụng đối với hàng hóa có xuất xứ từ các nước kém phát triển, nếu số lượng hàng hóa nhập khẩu của nước đó vào Việt Nam không vượt quá 3% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu bị điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ. Đồng thời, tổng lượng hàng hóa nhập khẩu các nước đó vào Việt Nam dưới 9% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu bị điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ.
Theo Bộ Công thương, ngày 9.6.2015, Cục Quản lý cạnh tranh đã nhận được đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam của Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam.
Đến ngày 22.6.2015, Cục Quản lý cạnh tranh đã ban hành công văn 470/QLCT-P2 yêu cầu công ty Vedan bổ sung thông tin trong đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ. Công ty này đã gửi các thông tin bổ sung theo yêu cầu.
Ngày 1.9.2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 9269/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng hóa thuộc đối tượng điều tra.
Đến tháng 10.2015, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành thẩm tra tại chỗ đối với một số doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tương tự và hàng hóa cạnh tranh trực tiếp trong nước. Sau đó, cơ quan điều tra đã tổ chức phiên tham vấn công khai vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam và cuối cùng đưa ra quyết định trên.
Trước đó, vào tháng 6.2015, Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam đã đứng đơn đề nghị điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với bột ngọt nhập khẩu.
Vedan nói rằng sản phẩm bột nước đang bị bột ngọt nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan đe dọa nghiêm trọng. Cụ thể, lượng nhập khẩu bột ngọt từ Trung Quốc chiếm đến 76% trong tổng lượng nhập khẩu của năm 2014, bỏ rất xa tỉ lệ 13% từ Thái Lan và 11% từ Ấn Độ.
Không những vậy, tổng thị phần bột ngọt sản xuất trong nước cũng giảm từ 91% (năm 2012) xuống còn 69% (năm 2014), trong khi thị phần của hàng hóa nhập khẩu tăng từ 9% (năm 2012) lên đến 31% (năm 2014). Như vậy, nếu quy đổi theo tỷ lệ tương ứng thì đến năm 2014, lượng bột ngọt nhập khẩu đã tăng đến 341,4% so với năm 2012.
Chưa kể, giá nhập khẩu bột ngọt từ Trung Quốc chỉ vào khoảng 47,2% so với giá bình quân bán ra của Vedan. Vì vậy, Vedan cáo buộc dẫn bột ngọt nhập khẩu đẩy doanh nghiệp này vào tình thế khó khăn và khẳng định đây là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh tại thị trường trong nước.
Trước tình trạng bột ngọt nhập khẩu ngày càng nhiều, Vedan Việt Nam phải cắt giảm lượng sản xuất, tăng mức chiết khấu, khuyến mãi để giữ chân khách hàng. Tình trạng này đã khiến cho chi phí của công ty gia tăng, kéo theo ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng hàng tồn kho ngày càng nhiều và lợi nhuận của công ty giảm.
Phan Diệu

Một Thế Giới