Thịt bẩn tràn lan, chứa chất cấm gấp 4.700 lần mức cho phép
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:10, 24/01/2016
Chỉ tính từ đầu năm 2016 đến 21.1, có 20/78 lô heo từ các tỉnh đưa vào TP.HCM giết mổ bị nhiễm chất cấm. Qua kiểm tra, Chi cục Thú y TP.HCM cho biết hàm lượng chất cấm tồn dư trong heo lần này ở mức rất cao, gấp 4.700 lần mức cho phép của ngành thú y.
Thông tin từ Chi Cục thú y TP.HCM cho biết: đêm 22.1, Chi cục Thú y TP.HCM bất ngờ kiểm tra cơ sở giết mổ An Hạ (huyện Củ Chi, TP.HCM) và phát hiện 2 lô heo (38 con) chứa tồn dư chất cấm, số heo này có nguồn gốc từ Đồng Nai.
Ngày 20.1, sau khi kiểm tra nhanh các lô heo tại lò mổ Nam Phong (quận Bình Thạnh), đoàn thanh tra cũng đã phát hiện 2 lô heo với tổng đàn 124 con dương tính với chất cấm salbutamol (tạo nạc, tăng trọng).
Hai lô heo này cũng có nguồn gốc xuất xứ từ Đồng Nai (66 con) và Bình Thuận (58 con). Chi cục Thú y TP.HCM đã lập biên bản, đồng thời lưu giữ lô heo này đến khi đào thải hết chất cấm mới cho xuất chuồng.
Ngày 15.1, Trạm thú y tại huyện Hóc Môn tiến hành kiểm tra và phát hiện địa chỉ 32/5A, ấp Tam Đông, xã Thới Tam Thôn, Hóc Môn do ông Tăng Vĩnh Phát làm chủ đang tổ chức giết mổ bò trái phép. Qua kiểm tra, tổ kiểm tra ghi nhận bò được giết mổ trên nền sàn xi măng dơ bẩn, không đảm bảo vệ sinh thú y. Bò sống có thể trạng gầy yếu, đi đứng khó khăn, trong đó có một con nằm liệt, sưng khớp, thở thể bụng và toàn bộ lô hàng trên không rõ nguồn gốc và không giấy chứng nhận kiểm dịch.
Ngày 12.1, Trạm thú y Tân Bình cũng phát hiện một 181,4kg thịt heo pha lóc, 613kg thịt các loại đã được sơ chế, tẩm ướp, 3 thùng thịt trâu Ấn Độ (72kg). Toàn bộ lô hàng trên không rõ nguồn gốc và không giấy chứng nhận kiểm dịch.
Ngày 7.1, Trạm thú y Hóc Môn phát hiện bà Nguyễn Thị Thạnh đang tổ chức rã đông thịt trâu Ấn Độ đông lạnh để kinh doanh. Tổng khối lượng tang vật tại hiện trường 2.615kg thịt trâu động lạnh và 34kg xương. Bà Thạnh cho biết đã kinh doanh tại địa chỉ trên hơn một năm và không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định. Mỗi ngày kinh doanh khoảng 2.000kg thịt trâu đông lạnh. Thịt trâu đông lạnh được mua từ các kho lạnh trên địa bàn thành phố với giá 100.000 đồng/kg, đem về rã đông, xử lý qua dung dịch hóa chất. Sau khi xử lý xong, thịt này được bán cho các tiểu thương bán lẻ tại các chợ và bếp ăn các công ty trên địa bàn thành phố. Dung dịch hóa chất được pha là một muỗng hóa chất cho 20 lít nước.
Tại hiện trường, Trạm thú y Hóc Môn phát hiện 2 bao hóa chất đang sử dụng hiệu Sodium Metalbisulphite không có nhãn phụ tiếng Việt, một bao trọng lượng 25kg, một bao trọng lượng 23kg.Theo bà Thạnh, hóa chất được tiểu thương ở Chợ Lớn mang đến giao và không có hóa đơn, chứng từ. Chưa kể, tại thời điểm kiểm tra, bà Nguyễn Thị Thạnh không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ liên quan đến toàn bộ lô hàng thịt trâu đông lạnh trên.
Như vậy, tính từ đầu năm 2016 đến 21.1, Chi cục Thú y TP.HCM đã phát hiện 20/78 lô heo từ các tỉnh đưa vào TP.HCM giết mổ bị nhiễm chất cấm.
Trong tổng số 251 mẫu nước tiểu heo được xét nghiệm có 59 mẫu (gần 24%) còn tồn dư chất cấm. Hiện tại, Chi cục đang tạm giữ gần 990 con heo có chất cấm. Được biết, số heo trên chủ yếu có nguồn gốc từ các tỉnh, mang về TP.HCM giết mổ tại các lò tập trung ở quận huyện Bình Tân, Củ Chi, Nhà Bè, Bình Thạnh và quận 8.
Đáng chú ý, qua kiểm tra, Chi cục Thú y TP.HCM cho biết hàm lượng chất cấm tồn dư trong heo lần này ở mức rất cao, gấp 4.700 lần mức cho phép của ngành thú y.
Trước tình trạng nguồn heo nhập vào TP.HCM bị nhiễm chất cấm cao ngày càng nhiều, Chi cục thú y TP.HCM đã gửi công văn kèm giấy chứng nhận kiểm dịch cho các tỉnh để xác minh, xử lý triệt để những hộ cá nhân, trạng trại có heo nhiễm chất cấm; đồng thời Chi cục cũng chuyển hồ sơ cho Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) nhằm làm rõ các đường dây cung cấp chất cấm salbutamol để xử lý theo quy định.
Phan Diệu