“Nói người dân bị sản phẩm Việt đầu độc là không đúng“
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 11:00, 21/01/2016
Theo Cục trưởng Cục vệ sinh ATTP Nguyễn Thanh Phong, ý kiến cho rằng người dân bị sản phẩm Việt "đầu độc" là không đúng, bởi lẽ người dân luôn biết lựa chọn cho mình các sản phẩm an toàn thông qua các kênh thông tin truyền thống...
Báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm (ATTP) thuộc Bộ Y tế, trước vấn đề hàng loạt các đơn vị khi bị kiểm tra đã vi phạm nghiêm trọng vấn đề vệ sinh ATTP. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là đối với trẻ em.
- Chào ông, được biết mới ngày 19.1, Cục vệ sinh ATTP đã phát hiện hàng loạt cơ sở sản xuất mứt Tết tại phường Xuân Tảo phơi mứt cạnh nhà vệ sinh. Ông có ý kiến gì về vấn đề ATTP hiện nay?
Vấn đề ATTP luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân, nhất là khi dịp Tết đến Xuân về
Ngày Tết Nguyên đán 2016 đang đến gần và vấn đề vệ sinh ATTP luôn được đặt lên hàng đầu vì nhu cầu tiêu dùng tăng rất cao. Nhu cầu tăng cao thì nguồn cung cấp cũng theo đó phát triển, các cơ sở kinh doanh gần như hoạt động hết công suất. Mặt khác do đặc thù sản xuất, chế biến thực phẩm ở Việt Nam nhiều khi có những doanh nghiệp chỉ sản xuất theo mùa vụ. Chính vì thế gần như công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân chỉ phụ thuộc vào nhu cầu giao lưu thông tin của người đọc.
Hiện nay, ngành chúng tôi đã thành lập các tổ chức, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương tới địa phương để kiểm tra các cơ sở lớn nhỏ và các điểm trung chuyển hàng hóa được chuyển từ các tỉnh hoặc cửa khẩu. Cái khó khăn chính là đoàn kiểm tra phải lấy mẫu, sau đó 3-4 ngày mới có kết quả để thông tin cảnh báo, như vây thì người dân cũng sẽ ít theo dõi hơn khi có kết quả công bố.
Vì vậy gần như song hành với tuyên truyền chỉ có thể hy vọng vào ý thức người dân trong vấn đề đảm bảo an toàn và sức khỏe cho chính mình khi lựa chọn các thực phẩm cho gia đình mình.
- Trở lại câu chuyện tại các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội vừa qua, mặc dù công ty cung cấp cam kết cung ứng rau sạch nhưng vẫn "tuồn" được thực phẩm bẩn vào trường. Ngay cả các siêu thị cũng có nơi đã bị bắt vì buôn bán sản phẩm không nguồn gốc. Vậy, hiện nay người tiêu dùng biết tin vào đâu để lựa chọn sản phẩm cho gia đình?
Với câu chuyện này, chúng tôi đã xử lý nghiêm đơn vị cung ứng. Bản thân công ty đó đã "treo đầu dê, bán thịt chó", khi được cấp phép thì phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật nhưng công ty đó lại lợi dụng việc này để vi phạm pháp luật. Đây là sự việc gây tác động dư luận rất xấu, phải xử lý nghiêm. Với trách nhiệm công tác liên ngành, chúng tôi đã có văn bản đề nghị nếu phát hiện đúng sự việc nêu như vậy thì xử lý theo mức cao nhất của khung. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo không vì sự việc như vậy mà đánh giá toàn thể bức tranh về sản phẩm rau thịt của Hà Nội.
Bên cạnh những hạt sạn như vậy, còn có rất nhiều cơ sở thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm. Tất nhiên về nguyên tắc người tiêu dùng có quyền yêu cầu 100% an toàn, đấy chính là quyền của người tiêu dùng nhưng trên thực tế, không phải ở Việt Nam mà ngay cả những nước phát triển cũng có những sản phẩm không đạt yêu cầu. Người dân chắc cũng theo dõi việc thu hồi những thực phẩm ở Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Canada… thì thấy vấn đề an toàn thực phẩm rủi ro là khó tránh khỏi ở tất cả các nước.
Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục vệ sinh ATTP (Bộ Y tế)
- Càng cận Tết, khi đi kiểm tra lại phát hiện càng nhiều đơn vị sản xuất vi phạm vệ sinh ATTP, phải chăng chính người dân đang bị đầu độc bởi các loại hàng hóa sản xuất ngay trong nước?
Thành lập các đoàn kiểm tra để đi kiểm tra sâu sát hơn từng vùng, từng tỉnh, từng địa điểm; càng thanh tra nhiều thì càng phát hiện nhiều sai phạm, đó là chuyện bình thường. Chúng ta phải duy trì thanh tra kiểm tra thường xuyên hơn để các vụ vi phạm bị phát hiện nhiều hơn, góp phần để thị trường thực phẩm an toàn hơn. Vấn đề là khi phát hiện phải kiên quyết xử lý.
Qua các đợt kiểm tra, đôn đốc có những địa phương làm rất tốt nhưng có những địa phương do "nể tình" lại xử lý chưa nghiêm. Chúng tôi đã có thông tin cần xử lý một cách cương quyết, tránh trường hợp nể nang vì cùng làng, cùng xã...
Nói rằng người dân bị sản phẩm Việt "đầu độc" là không đúng, bởi lẽ người dân biết lựa chọn cho mình các sản phẩm an toàn thông qua các kênh thông tin truyền thống cũng như lựa chọn các mặt hàng thực phẩm qua các kênh siêu thị, cửa hàng rau sạch… Người tiêu dùng chỉ nên mua thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ một cách rõ ràng. Trước khi mua sản phẩm cần quan sát bằng trực quan, nếu sản phẩm có đặc điểm khác lạ không nên mua và sử dụng.
- Như câu chuyện đơn vị sản xuất mứt Tết tại phường Xuân Tảo, buộc phải tiêu hủy 250 kg phôi mứt phơi cạnh nhà vệ sinh, trên nền đất bẩn nhưng đơn vị đó chỉ bị phạt hành chính với số tiền 1.500.000 đồng (Một triệu năm trăm ngàn đồng). Vậy có đủ tính răn đe không, thưa ông?
Nhiều người nói là mức xử phạt chưa đủ sức răn đe nhưng trong lĩnh vực thực phẩm mức xử phạt đó là tương đối nghiêm khắc. Ví dụ mức xử phạt tối đa theo Luật xử phạt vi phạm hành chính, đối với tổ chức tối đa là 200 triệu đồng, với lĩnh vực an toàn thực phẩm nếu mức xử phạt đó chưa tương xứng thì luật còn cho phép phạt gấp 7 lần số hàng hóa vi phạm. Nếu chúng ta dám quyết liệt làm thì không lo không đủ sức răn đe.
Ngoài ra, các cơ sở vi phạm ngoài việc phạt tiền, xử lý bằng hình phạt bổ sung, còn công bố tên các cơ sở vi phạm, địa chỉ công ty, hành vi vi phạm... Đây là biện pháp bổ sung rất hiệu quả để người tiêu dùng biết được đơn vị đó mà tránh mua trong giao lưu hàng hóa.
- Cảm ơn ông về những thông tin cung cấp tới bạn đọc.
Minh Khuê
Một Thế Giới