Gói 30.000 tỉ bị giải ngân chậm vì ngân hàng không được lợi gì!?
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 06:32, 21/04/2014
Ông Trần Lục Lang - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, mặc dù BIDV luôn đi đầu trong việc giải ngân gói 30.000 tỉ, nhưng thực tế việc tham gia giải ngân gói tín dụng này chỉ là vì cộng đồng, vì chính sách chung chứ không hề được lợi gì. >> Mời bạn đọc tham gia diễn đàn: Làm chủ hay làm thuê?
Giải ngân 30.000 tỉ còn nhiều vướng mắc
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Xây dựng tính đến hết ngày 15.4, tổng số tiền mà 5 ngân hàng đã cam kết cho vay là 3.365,9 tỉ đồng, tổng dư nợ là 1.699,4 tỷ đồng.
Trong đó, đối với hộ gia đình, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay 3.962 hộ với số tiền là 1.504 tỷ đồng; vay để mua nhà ở xã hội là 2.297 hộ với số tiền là 711 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 47,2%); vay để mua nhà ở thương mại là 1.665 hộ vớisố tiền là 793 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 52,7%).
Đối với doanh nghiệp, các ngân hàng đã cam kết cho vay 21 dự án với số tiền là 1.862 tỷ đồng. Trong đó, TP Hà Nội có 4 dự án với số tiền 396 tỷ đồng, TP. HCM có 2 dự án với số tiền là 658 tỷ đồng. Các ngân hàng đã giải ngân cho 17 dự án với dư nợ là 723,8 tỷ đồng.
Đánh giá về kết quả thực hiện gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỉ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, việc giải ngân gói này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
"Chẳng hạn như về lãi suất cho vay ưu đãi, mặc dù đã được điều chỉnh giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm từ tháng 1.2014, tuy nhiên vẫn còn cao so với thu nhập của người dân, chỉ những người có thu nhập trung bình và ổn định mới có khả năng tiếp cận gói tín dụng này. Hay thời hạn cho các hộ gia đình, cá nhân vay tối thiểu 10 năm là ngắn so với khả năng tích lũy và trả nợ của họ" - ông Nam nói.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng chỉ ra một số khó khăn khác trở ngại việc giải ngân gói 30.000 tỉ như một số tiêu chí do ngân hàng quy định quá chặt chẽ và thận trọng, do đó khách hàng vay vốn không thể đáp ứng được.
Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương còn chậm trễ trong việc triển khai các thủ tục hành chính, cho phép doanh nghiệp điều chỉnh quy hoạch, chấp thuận đầu tư, quyết định cho phép chuyển đổi dự án, điều chỉnh cơ cấu căn hộ… Do đó, số lượng dự án đầu tư xây dựng mới nhà ở xã hội; dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi sang nhà ở xã hội và dự án được điều chỉnh cơ cấu căn hộ còn thấp so với nhu cầu thực tế;
Quy định về thế chấp tài sản hình thành trong tương lai chưa được ban hành kịp thời để tháo gỡ cho khách hàng về thủ tục vay vốn cũng khiến số lượng khách hàng được vay gói 30.000 tỉ chưa cao.
5 ngân hàng giải ngân 30.000 tỉ được lợi gì?
Đóng góp ý kiến tại kỳ họp lần thứ 13 của Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS), ông Trần Lục Lang - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết:
"Gói 30.000 tỉ triển khai đến nay đã gần 1 năm, với một chủ trương lớn thì các ngân hàng thương mại đã rất cố gắng. Chúng tôi tham gia là vì trách nhiệm với xã hội, với đất nước chứ không hề được lợi gì từ gói này. Bây giờ chúng ta có đưa ra giải pháp mời thêm một số ngân hàng tham gia giải ngân gói này thì theo tôi họ chưa chắc đã tham gia. Đơn giản là vì không có lợi gì, tham gia chủ yếu là vì chính sách chung" - ông Tú nói.
Để thúc đẩy tốc độ giải ngân gói 30.000 tỉ tốt hơn nữa, ông Tú cho rằng cần đơn giản các thủ tục và kéo dài thời gian trả nợ.
"Không chỉ dừng lại ở gói 30.000 tỉ mà NHNN nên có thông tư coi đây là gói dành cho nhà ở xã hội, chỉ cần đúng điều kiện cho vay là không khống chế thời gian, chứ không phải chỉ giải ngân 30.000 tỉ xong là dừng lại, mà phải tiếp tục kéo dài khi người dân vẫn còn nhu cầu" - ông Tú đề xuất.
Tiếp tục "hiến kế" cho gói 30.000 tỉ, ông Nguyễn Hữu Tín – Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho rằng, cần phải đảm bảo chính sách hài hòa giữa ngân hàng với người bán, người mua, chứ không thể đảm bảo quyền lợi cho một phía.
"Về phía ngân hàng, cần nghiên cứu về lãi suất và thời hạn vay cho người mua. Qua khảo sát thực tế về, mức thu nhập của người dân là 8 – 10 triệu/tháng, chi tiêu cho các nhu cầu đã 5 – 6 triệu nên chỉ để dành cho việc ở trên dưới 30%/tháng, tương đương khoảng 2 – 3 triệu đồng.
Muốn mua thì phải có trước khoảng 200 triệu đồng mà không phải ai cũng có. Bình quân mỗi tháng phải trả khoảng 4 triệu đồng lãi suất ngân hàng (tương đương với mức 6%), cho nên cần phải xem xét lại chính sách để điều chỉnh lãi suất. Tuy nhiên, đây là việc mà ngân hàng không thể quyết định được mà phải là Chính phủ" - ông Tín nói.
Đồng thời, Phó chủ tịch UBND TP. HCM cũng chỉ ra bất cập từ thủ tục xác minh tình trạng nhà ở và thế chấp tài sản của người dân có nhu cầu vay vốn.
"Việc xác minh tình trạng nhà ở là rất khó, mà nhất là ở các địa phương lớn nên cần xem xét lại. Nhiều địa phương như TP. HCM rất muốn đơn giản vấn đề này nhưng có tháo gỡ thì ngân hàng chưa chắc đã chấp nhận, vì phải theo đúng quy định. Hay việc thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai hiện nay vẫn còn bất cập. Đứng ở góc độ Nhà nước bảo lãnh thì xử lý được cho nên không thể tồn tại tình trạng ngân hàng nói một kiểu, người mua nói một kiểu còn những người làm chính sách lại đứng ngoài" - ông Tín nhận xét.
Duyên Duyên
>> Mời bạn đọc tham gia diễn đàn: Làm chủ hay làm thuê?
>> Ảnh đứa bé bị dí 3 khẩu súng vào đầu rúng động mạng xã hội
>> Quay lén cô giáo trong toilet, nam sinh viên bị tội gì?
>> Bài 18: Huyền bí hoa ngải ở đèo Hải Vân
>> Trịnh Công Sơn - Hồng Nhung & Khánh Ly