Cẩn thận với gói 50.000 tỉ đồng

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 11:22, 18/04/2014

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, không nên quá quan tâm đến con số 30.000 hay 50.000 tỉ đồng mà quan trọng nhất là cách triển khai thực hiện nghiêm túc ở mức nào để đảm bảo dòng tiền lưu thông, tăng tính thanh khoản thị trường. Vì nếu thực hiện không tốt thì những con số kia không có ý nghĩa gì.
Ngày 17.4, tại Hà Nội, Tập đoàn Thiên Thanh đã phối hợp với Ngân hàng Thương mại Xây dựng Việt Nam (VNCB) tổ chức Hội nghị triển khai chương trình tín dụng 50.000 tỉ đồng ngành xây dựng.
Theo ông Phan Thành Mai - Tổng giám đốc Ngân hàng xây dựng (VNCB), ngành xây dựng trong những năm qua đang đối mặt nhiều khó khăn với lượng hàng tồn kho số lượng lớn. 
Theo thống kê Bộ Xây dựng, hiện có 16 triệu m2 gạch ốp lát, 12 triệu m2 kính xây dựng, 2,6 triệu tấn xi măng, 800.000 tấn thép... đang tồn kho. Thị trường bất động sản (BĐS) tồn kho với tổng giá trị khoảng 94,5 ngàn tỉ đồng, trong đó tại Hà nội khoảng 17,5 ngàn tỉ đồng và tại TP.HCM khoảng 12.000 tỉ đồng. Đặc biệt, khoảng 3.200 dự án đang triển khai dở dang với 81.500 ha, trong đó 29.500 ha dự án nhà ở dở dang. 
"Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường và cho doanh nghiệp BĐS, chúng tôi đã triển khai chương trình tín dụng 50.000 tỉ đồng với chuỗi liên kết xây dựng 4 nhà, xây dựng sàn kinh doanh vật liệu xây dựng chuyên nghiệp, nhằm tối ưu và mang lại hiệu quả cho tất cả chủ thể tham gia thị trường xây dựng, bảo đảm an toàn tín dụng cho các ngân hàng cấp tín dụng, khơi thông hàng hóa vật liệu thông qua các hình thức trả chậm và đối trừ, giảm tiền mặt lưu thông góp phần giảm lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng mới khi còn có các khoản vay cũ" - ông Mai cho biết.
Đặc điểm ưu việt của chương trình là tất cả các bên tham gia (gồm chủ đầu tư, nhà thầu, nhà tổ chức cung ứng sản xuất vật liệu xây dựng, ngân hàng) cùng ký kết trên 1 hợp đồng. Nhiều ngân hàng thương mại cùng tham gia tài trợ các doanh nghiệp trong chuỗi. Việc đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng trong chuỗi được thực hiện thông qua nhà tổ chức là chợ hoặc sàn mua bán vật liệu xây dựng với các dự án khả thi. Nhà sản xuất được cho vay chỉ cần đối ứng bằng vật liệu xây dựng cung ứng cho công trình với phương thức trả chậm và các ngân hàng sẽ chủ động tiếp cận doanh nghiệp.
"Tuy nhiên, nguồn vốn do các ngân hàng tự huy động, không có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và việc cho vay hoàn toàn theo khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng của ngân hàng. Sau thời gian thí điểm, NHNN sẽ đánh giá để tiếp tục triển khai sản phẩm này" - Vụ trưởng Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Viết Mạnh cho biết.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, không nên quá quan tâm đến con số 30.000 hay 50.000 tỉ đồng mà quan trọng nhất là cách triển khai thực hiện nghiêm túc ở mức nào giữa các bên trong thời gian tới đảm bảo dòng tiền lưu thông, tăng tính thanh khoản thị trường. Vì nếu thực hiện không tốt thì những con số kia không có ý nghĩa gì.
Hiện đã có 8 ngân hàng tham gia liên kết 4 nhà là BIDV, AgriBank, Vietcombank, Vietinbank, MHBank, VNCB, SHBank, LienvietPostbank. Bên cạnh Ngân hang VNCB, một số ngân hàng chuyên ngành nước ngoài cũng đã ký kết để cùng tham gia chương trình này, các NHTMCP khác cùng tham gia chuỗi của Ngân hàng VNCB là MBbank, Sacombank, OceanBank, SCB, NCB, Nam A Bank...
“Chương trình 50.000 tỉ hỗ trợ xây dựng và BĐS dựa trên thực tế kinh doanh của xây dựng và BĐS. Đó là sự dịch chuyển của hàng hóa như vật liệu xây dựng, sản phẩm đầu vào và sự dịch chuyển của lượng tiền tệ như tín dụng, tiền đầu tư, tiền đặt cọc... để hỗ trợ sự dịch chuyển hàng hóa. Hai khâu này tuy tách biệt nhưng lại là hai mặt của một đồng tiền và đáng lý phải gắn bó rất mật thiết với nhau. Nhưng thực tế của những năm gần đây cho thấy hai khâu này càng ngày càng tách rời nhau ra và gây nên khủng hoảng trong lĩnh vực xây dựng và thị trường BĐS. Hàng hóa ứ đọng, không có người mua, hay mua mà không được thanh toán.
Chương trình 50.000 tỉ theo tôi đã được xây dựng dựa trên kinh nghiệm thực tế này và đã thiết kế một cơ chế hợp lý để nối kết hai khâu hàng hóa và tiền tệ, tín dụng, khai thông những điểm huyết mạch của hàng hóa và tiền tệ, và cuối cùng kiểm soát được dòng tiền và giúp hoàn thành các sản phẩm BĐS cũng như giúp tiêu thụ những sản phẩm này qua những chương trình tín dụng của các ngân hàng tham gia chương trình” - chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.
Duyên Duyên

Một Thế Giới