“Mê hồn trận” thực phẩm chức năng
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 09:50, 08/01/2016
Thực phẩm chức năng đang được quảng cáo quá mức về công dụng trong khi thả nổi về chất lượng, giá cả.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nếu như năm 2000 chỉ có 63 sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) do 13 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam thì đến năm 2015, thị trường TPCN đã bùng nổ với hơn 10.000 sản phẩm của hơn 3.000 cơ sở nhập khẩu và sản xuất.
Bức tranh thị phần của TPCN cũng thay đổi khi thời điểm này có tới 60% sản phẩm được sản xuất trong nước; số còn lại nhập khẩu từ các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Nhật, Trung Quốc…
PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, cho biết với tỉ lệ 63% người trưởng thành tại Hà Nội và 43% tại TP HCM đang sử dụng TPCN cho thấy đây là mảnh đất màu mỡ, tiềm năng. Vì thế, hơn 90% doanh nghiệp lâu nay đơn thuần chỉ sản xuất dược phẩm đã nhanh chóng tham gia sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh TPCN. Nhiều cơ sở sản xuất thuốc, dược liệu nhỏ lẻ không đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” (GMP), nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm cũng “đá ngang” sang sản xuất TPCN, chưa kể các loại TPCN trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng tràn ngập.
Thậm chí, nhiều cơ sở y học cổ truyền hiện nay bào chế ra sản phẩm và xin cấp số đăng ký TPCN để thu hút khách hàng, nâng cao lợi nhuận… “Các cơ sở đầu tư chưa bảo đảm chất lượng sản phẩm đã tung ra các chiêu quảng cáo khiến thị trường TPCN ở trong tình trạng lộn xộn, bát nháo” - PGS-TS Trần Đáng nhận định.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, trong Luật Dược có một chương về quản lý thuốc nhưng không trang nào đề cập quản lý TPCN. Trong khi hiện nay, TPCN chứa nhiều thành phần gần tương tự như thuốc lại không được quản lý như dược phẩm mà chỉ quản lý theo kiểu thực phẩm. “Đối với TPCN cần đưa vào khuôn khổ quản lý thống nhất, chặt chẽ chứ kiểu quản dễ dàng như hiện nay, ba hồi là thuốc, ba hồi là TPCN để hàng trôi nổi, hàng giả tung hoành thị trường là điều đáng quan ngại” - bà Lan nói.
Thực tiễn trong công tác kiểm tra, xử lý TPCN hiện nay cho thấy sai phạm chủ yếu trong lĩnh vực như quảng cáo thổi phồng, sai sự thật về tác dụng, công dụng chữa bệnh; vi phạm về giá bán; mua các sản phẩm rời mang về Việt Nam để đóng hộp, đóng lọ không qua kiểm tra chất lượng, kinh doanh hàng tẩy xóa hạn sử dụng… Đáng chú ý, qua giám định của các đợt kiểm tra cho thấy nhiều mặt hàng vi phạm về chất lượng như: chỉ tiêu chất lượng thấp hơn so với công bố, có sản phẩm không có chất chính, sử dụng hoạt chất không được phép cho vào trong TPCN. “Trong số hơn 10.000 sản phẩm TPCN trên thị trường hiện nay, chỉ khoảng 50%-60% là “sống” được, còn lại tự diệt vì không được người tiêu dùng ưa chuộng” - ông Phong khẳng định.
Ông Trần Hùng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia - nhận định TPCN giả và nhái ngày càng tinh vi. “Chúng tôi vào trại giam, tra hỏi âm mưu, phương thức, thủ đoạn thì họ nói các đối tượng Trung Quốc đưa hàng cho bán, một số con buôn nhập những viên nang, nén vào Việt Nam tách riêng để nếu các cơ quan chức năng phát hiện thì khó xử lý hình sự. Ngoài ra, các đối tượng đưa đến những khu vắng vẻ, tối tăm để dán thủ công thành những lọ, nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng, rồi đưa từng ít một lưu thông ra thị trường với giá chiết khấu rất cao. Vì thế, người tiêu dùng không biết đâu là hàng giả, hàng thật” - ông Hùng nêu thực trạng.
Phá đường dây sản xuất TPCN giả
Ngày 7.1, Bộ Công an kết hợp với Công an TP HCM bắt quả tang Nguyễn Hồng Tân (SN 1985, quê Thanh Hóa) và Nguyễn Văn Sang (quê Bình Định) đang mua bán TPCN giả.
Qua khám xét tại nhà của Tân, công an thu giữ 13 thùng giấy chứa hơn 1.000 sản phẩm TPCN giả và nhiều tang vật khác như thuốc tẩy, tem chống hàng giả... Tại cơ quan công an, Tân khai tự sản xuất, đóng gói nhái lại các nhãn hiệu TPCN nổi tiếng rồi bán ra thị trường.
L.Phong - S.Hưng/Người Lao Động