Người giàu Việt muốn sở hữu “lâu đài” để chứng minh là “đại gia“
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 09:00, 20/03/2014
"Đại gia" là những người có tiền, và đã có tiền thì họ thích chứng minh. Có 3 cách để chứng minh: thứ nhất là đại gia với chân dài, thứ hai là đại gia với xế khủng, xế hộp. Và cách thứ ba để chứng minh, xuất hiện trong thời gian gần đây, đó là gắn với các "lâu đài".
Một Thế Giới đã tìm đến kiến trúc sư (KTS) Phạm Văn Chương (Giám đốc Công ty CP Tư vấn Kiến trúc AC), một trong những kiến trúc sư chuyên thiết kế "lâu đài" cho các đại gia Việt Nam.
Thời gian gần đây đã xuất hiện không ít các "lâu đài" của đại gia Việt có giá trị từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng. Phải chăng xu hướng hiện nay là đại gia phải sở hữu "lâu đài" mới là đẳng cấp?
Lâu đài là giấc mơ của tất cả mọi người. Từ xưa đến nay, lâu đài - dinh thự gắn liền với vua chúa, vương tước, công hầu hay bá tước của trời Âu xa xôi. Còn vua chúa của ta ngày xưa thì xây lầu son gác tía. Địa chủ thì tòa ngang dãy dọc, đại diện cho giới giàu có, sang trọng.
Đại gia là những người có tiền nên họ có quyền sử dụng đồng tiền mà họ kiếm được. Và lâu đài là một cách chứng minh đẳng cấp. Theo kiểu "y phục xứng kỳ đức". Một siêu xe cực đắt cũng chỉ một vài triệu đô (hoặc vài ba chục tỉ). Nhưng 1 tòa lâu đài - dinh thự đẳng cấp có giá trị đến hàng chục triệu đô hay hàng trăm tỉ đồng. Đó là một sự khẳng định đẳng cấp rõ rệt.
Kiến trúc sư Phạm Văn Chương - Giám đốc Công ty CP Tư vấn Kiến trúc AC |
Trong gần 30 năm gắn bó với nghề kiến trúc và xây dựng rất nhiều "tòa lâu đài", ông có đánh giá gì về các "đại gia" Việt Nam?
Đại gia Việt Nam rất giàu và hầu hết đại gia mời tôi gặp thì đều có nguyện vọng xây lâu đài. Yêu cầu phải hoành tráng - bề thế - sang trọng. Đầy đủ tiện nghi của cuộc sống khoa học kỹ thuật thời đại nhưng quan trọng độ bền vững với thời gian. Không thể lạc hậu, hàng trăm năm sau vẫn không bị lỗi mốt.
Đề cử như đất phải rộng, không gian phải lớn, công trình phải nguy nga tráng lệ. Mọi vật liệu, thiết bị, hệ thống công nghệ cao như hệ thống điện thông minh điều khiển từ xa, tự động. Thang máy, bể bơi, phòng nghe nhạc xem phim, phòng tập thể hình, phòng xông hơi massage cao cấp. Rồi phải có sân thể thao, hệ thống ao hồ, sân vườn tiểu cảnh, hệ thống đèn chiếu sáng điều khiển theo thời tiết.
Có những lâu đài phải thiết kế phòng ngủ kiểu Tổng thống với chi phí cho phòng tắm nhiều tỉ đồng. Rồi hệ thống gỗ quý như gỗ gõ đỏ, gỗ Hương, gỗ Cẩm Lai, đá hoa cương nhập từ Ấn Độ, từ Pakistan, nội thất của Ý, của Pháp.... Tất cả những điều trên hội tụ lại mới là một tòa lâu đài đẳng cấp, dành cho những đại gia hàng đầu và đặc điểm của họ là phải có không gian với đường nét riêng biệt độc đáo mà ít công trình có được.
Ngoài ra còn có các đại gia khác lắp tiêu chí của người đi trước để phấn đấu. Coi như khuôn vàng thước ngọc. Và đặc điểm của họ là cầu kì - cẩn thận - say mê - đầu tư cẩn thận nhưng không tiếc chi phí.
Nội thất phòng khách trong lâu đài Tổng Hải Sơn - một trong những tòa lâu đài đắt nhất Việt Nam |
Một số người cho rằng "đại gia" Việt có nhiều tiền nhưng lại không có khiếu về thẩm mỹ, dẫn đến rất nhiều công trình to, rất tốn kém nhưng lại không đẹp. Ông có nhận xét gì về điều này?
Chuyện này cũng có vì đó là 2 mặt của vấn đề. Xã hội có đại gia có nhiều tiền nhưng văn hóa ít thì lại trở thành trọc phú. Đại gia nhiều tiền không giỏi lắm về lĩnh vực xây dựng nhưng họ biết lắng nghe, tin tưởng vào kiến trúc sư thì cũng có thể có những sản phẩm giá trị. Đại gia nhiều tiền nhưng không có thông tin để tìm đúng nhà thiết kế lâu đài chuyên nghiệp cũng không đạt được mục đích. Rất nhiều công trình đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng vẫn bị "tiền mất tật mang" là chuyện bình thường.
Xu hướng kiến trúc trong năm 2014 của các "đại gia" là gì, thưa ông?
Hiện nay, xu hướng các đại gia thích kiến trúc châu Âu cổ điển, kiến trúc Pháp là khá nhiều. Kiến trúc châu Âu cổ điển thực sự là một đỉnh cao kiến trúc, rất tuyệt vời. Trong đó kiến trúc Pháp là những giá trị có sức sống trường tồn nhất. Có thể lấy ví dụ như một số di sản còn lại ở Việt Nam như Nhà hát lớn, Bắc Bộ Phủ, Phủ Chủ tịch, Bảo tàng lịch sử... và rất nhiều biệt thự trên các phố Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu... Ở Sài Gòn có thể kể đến UBND TP.HCM, Nhà hát Bến Thành, Bưu điện Thành phố, Bảo tàng TP. HCM... Hàng trăm năm nhưng kiến trúc kiểu Pháp không những không lạc hậu mà có thể khẳng định không có công trình đương đại nào có thể vượt qua về giá trị thẩm mỹ, giá trị kiến trúc.
Thực tế, không chỉ ở Việt Nam, giá trị ấy được cả thế giới công nhận, thậm chí ở Mỹ những công trình đẹp nhất đến nay vẫn là kiến trúc châu Âu, kiến trúc Pháp như Nhà trắng, Nhà Quốc hội Mỹ, Tượng thần tự do... Tôi đã đi khá nhiều và tôi thấy rằng kiến trúc Pháp là kiệt tác, tinh hoa và đỉnh cao nên vô cùng ngưỡng mộ, khâm phục.
Tòa lâu đài theo phong cách kiến trúc tân cổ điển của một đại gia tại Ninh Bình |
Theo ông, "đại gia" với "lâu đài" gắn bó thế nào?
Tôi muốn nhắc lại rằng đại gia kiếm được nhiều tiền và đó là một điều đáng để nể phục. Họ biết cách sử dụng đồng tiền, thể hiện đẳng cấp, chứng minh thương hiệu... Nhưng họ cũng luôn mong muốn có được công trình thế kỷ để lại cho cuộc đời xã hội. Và lịch sử đã chứng minh trong giới đại gia Việt Nam, nhân vật công tử Bạc Liêu đã để lại di sản tòa dinh thự theo phong cách kiến trúc Pháp cổ điển tại Bạc Liêu. Đến nay đã cả trăm năm mọi người vẫn phải xếp hàng mua vé thưởng lãm trầm thồ, thán phục về sự tinh xảo và cầu kỳ cả kiến trúc lẫn nội thất. Nhiều đại gia hiện nay vị tất đã làm được như vậy.
Có 1 điều chắc chắn: Đại gia nổi tiếng nhờ làm ăn, kinh doanh nhưng tòa lâu đài đẳng cấp sẽ làm tăng giá trị, nâng tầm thương hiệu cá nhân của đại gia lên hơn bao giờ hết. Đó là 1 sự gắn bó rất hữu cơ và mật thiết. Có thể khẳng định một điều rằng: Đại gia đẳng cấp thì phải sở hữu lâu đài !
Cảm ơn ông!
Duyên Duyên