Giá giảm, xuất khẩu tôm gặp khó

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 16:20, 02/12/2015

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho biết giá xuất khẩu tôm đã giảm khoảng 30%, thị trường gặp nhiều khó khăn cần được hỗ trợ kịp thời.
"Giá thành tôm xuất khẩu của Việt Nam đang phải cạnh tranh với "đối thủ" lớn là Indonesia, Ấn Độ. Năm nay, các nhà xuất khẩu tôm Indonesia tăng cường mở rộng mặt hàng này với chi phí rất thấp", theo báo cáo của VASEP lên Bộ Công thương hôm 30.11.
Theo VASEP, các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam gặp khó khăn trong vấn đề xúc tiến thương mại, kiểm soát chất lượng (dư lượng thuốc kháng sinh) và khó cạnh tranh về giá với các nhà xuất khẩu tôm Indonesia, Ấn Độ.
Thực tế, diễn biến thị trường cho thấy từ giữa năm 2014 đến nay giá tôm xuất khẩu đã giảm khoảng 30%. Dự báo, xuất khẩu tôm sang Mỹ cả năm 2015 chỉ khoảng 638 triệu USD, giảm hơn 40% so với năm 2014. Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc... cũng đang có hướng sụt giảm.
"Để giảm được giá thành đầu vào, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo chất lượng, thức ăn, chế phẩm cũng như việc sử dụng kháng sinh không rõ nguồn gốc, người dân tiếp cận được với giá thực để giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh về giá và ổn định xuất khẩu", ông Trương Đình Hòe, đại diện VASEP nói. Đồng thời ông khuyến nghị thêm rằng cần củng cố để giữ vững kim ngạch xuất khẩu tôm, đặc biệt cần giữ được giá thành để không giảm doanh thu chung.
Không chỉ giá tôm xuất khẩu giảm, kim ngạch xuất khẩu cá tra theo báo cáo của hiệp hội cũng giảm. "Thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi, nếu chúng ta tổ chức sản xuất tốt có thể duy trì được 1,7 - 2 tỉ USD", ông Hòe cho biết.
VASEP đề nghị Bộ Công thương nhanh chóng có nghiên cứu vì Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành quy định về cá da trơn, dự kiến có hiệu lực từ 1.3.2016. Việt Nam có 18 tháng để xem xét và áp dụng tương đồng quy định này cho sản xuất cá tra, cá da trơn.
"Việt Nam đang xuất khẩu vào Hoa Kỳ 90% sản lượng cá tra và khả năng về áp dụng tương đồng là rất khó khăn vì nếu áp dụng là vi phạm quy định của WTO. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ nên đưa vấn đề này ra WTO. Nếu chờ xem có tương đồng hay không thì sẽ mất thị trường", ông Hòe nhấn mạnh.
Bảo Hân

Một Thế Giới