Chuyên gia Phạm Chi Lan: Ủng hộ việc Quốc hội “lấy lại” gói 30.000 tỉ
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 15:19, 11/03/2014
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc Quốc hội "đòi lại" gói 30.000 tỉ là hoàn toàn hợp lý và phải tiến hành ngay, vì càng kéo dài thì càng thể hiện sự bất cập và kém hiệu quả.
Trong phiên thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lại gói 30.000 tỉ đồng cho Quốc hội và Chính phủ bố trí làm việc khác. Là một chuyên gia về kinh tế, bà có đánh giá gì về sự kiện này?
Tôi hoàn toàn đồng tình với đề nghị này. Vì đây chính là tiền ngân sách bố trí để dùng vào việc hỗ trợ thị trường BĐS, chứ không có nghĩa là một khoản tiền cố định giao cho Bộ Xây dựng, nên giờ Quốc hội, Chính phủ lấy lại để dùng vào việc khác là hoàn toàn hợp lý.
Trong suốt thời gian qua, vẫn có một mặc cảm trong xã hội là 30.000 tỉ được dành để cứu thị trường BĐS vốn là một khu vực trước đây kinh doanh lời kinh khủng, đẩy giá lên cao, đóng góp cho nền kinh tế không tương xứng. Và khi nó hoạt động không ổn đã gây ra đóng băng BĐS và từ đó tác động xấu đến kinh tế. Thế mà lúc nó khó khăn lại cứu nó là không hợp lý.
Ngay từ đầu tôi đã không đồng tình với việc dùng tiền để cứu BĐS. Tôi nghĩ rằng nếu Nhà nước có 30.000 tỉ trong điều kiện vốn ngân sách đang rất khó khăn thì nên hỗ trợ cho nông nghiệp, hỗ trợ cho nông dân, đặc biệt là Nhà nước đã nhấn mạnh trọng tâm từ năm ngoái đến giờ.
Sau gần 1 năm giải ngân gói 30.000 tỉ mới chỉ được 9% thì rõ ràng là không đạt mục tiêu và nên ngừng ngay lại, chứ kéo dài thì càng thể hiện sự bất cập và kém hiệu quả, hoặc không đúng đắn của chủ trương đó. Nên dùng số tiền còn lại để giúp đỡ những ngành nghề cần thiết khác.
Chuyên gia kinh tế - TS. Phạm Chi Lan |
Bộ Xây dựng cho rằng, giải ngân chậm thì tiền vẫn còn đó, hay chậm mà chắc. Bà có bình luận gì về lập luận này?
Bộ Xây dựng là một trong số ít những Bộ lên tiếng nhiều nhất và thường xuyên trong suốt thời gian vừa qua để lo cứu BĐS, cũng đưa ra rất nhiều sáng kiến khác nhau, đứng về phía của các doanh nghiệp BĐS hoặc của phía bộ.
Tôi nghĩ là về nỗ lực thì họ nỗ lực rất nhiều nhưng giải pháp của họ đề ra thì không phải lúc nào cũng trúng, và có những cái thiên nhiều về góc độ lợi ích của các doanh nghiệp BĐS, chứ chưa lo cho lợi ích của người dân, nhu cầu của xã hội.
Chỉ khi nào thị trường phát triển được, tức là người mua có khả năng thanh toán cao hơn, giá cả BĐS trở về ngưỡng hợp lý hơn thì lúc bấy giờ BĐS mới thoát khỏi khó khăn. Chứ chỉ nhìn vào, chăm chăm lo những cái riêng phía khu vực thì không thể phát triển được. Quy luật của thị trường BĐS là quy luật cung - cầu. Khi mà cung quá lớn cho một diện cầu hạn chế thì chắc chắn dẫn đến cái thừa, cái ứ nghẽn như hiện nay.
Ngay cả gói 30.000 tỉ cũng vậy. Hướng của Nhà nước là để hỗ trợ cho người thu nhập thấp để mua nhà trong điều kiện BĐS đang đóng băng như hiện nay thì Nhà nước cũng có kỳ vọng các doanh nghiệp BĐS sẽ tự điều chỉnh lại mình cho hợp lý hơn. Nhưng tiếc là các doanh nghiệp BĐS không đáp ứng được yêu cầu đó. Họ vẫn ham bán cho những người nhiều tiền trong khi đối tượng đó không có nhu cầu thực tế về nhà, mua chủ yếu là để đầu cư, tích trữ. Vì vậy không thể lên được.
Trong những chủ trương mà Bộ Xây dựng đề xuất, tôi không tán thành nhất là ý tưởng cho người nước ngoài mua nhà một cách rộng rãi. Quốc hội cũng chỉ ra rằng cần phải thận trọng trong vấn đề này và tôi mong rằng Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục bàn xem khoanh lại những khu vực nào, điều kiện như thế nào khi cho người nước ngoài mua nhà.
Chứ không thể vì bí gói 30.000 tỉ không giải quyết được lại quay sang hướng muốn dùng vốn nước ngoài để giải cứu BĐS. Có thể sẽ giải cứu được một phần nhưng lại gây ra những hệ lụy kinh khủng cho cuộc sống hoặc cho người dân trong tương lai.
Tôi nghĩ rằng Bộ Xây dựng cần phải xem xét lại những ý định của mình trước khi đề xuất. Phải tính toán xem lợi ích như thế nào hay là vẫn chỉ chú ý đến lợi ích của doanh nghiệp BĐS không thôi?
Đại diện một doanh nghiệp BĐS cho rằng, nếu Bộ Xây dựng giải ngân không tốt gói 30.000 tỉ thì nên xem xét trách nhiệm của bộ trưởng. Bà nghĩ sao về vấn đề này?
Tôi muốn nhìn nhận trách nhiệm của Bộ trưởng ở một góc nhìn tập thể hơn, rộng hơn. Đó là các giải pháp, các vấn đề về Luật Xây dựng, Luật Nhà ở... vẫn còn nhiều khiếm khuyết cần phải xem xét.
Ví dụ như mới đây, Bộ Xây dựng cho phép những căn nhà làm sai quy định hoặc xây dựng không phép được nộp phạt. Làm như vậy tức là lại quay trở lại như cũ, người ta tha hồ vi phạm thì pháp luật còn gì là nghiêm nữa?
Những yêu cầu về thiết kế, về chiều cao, về hạ tầng, tỉ lệ xây dựng... còn để làm gì nữa?
Và các doanh nghiệp chắc chắn người ta sẽ thích bị phạt để tồn tại hơn là đi chạy giấy phép hoặc tuân thủ theo giấy phép. Tự Bộ lại ra một cái quy định tréo ngoe như thế thì Nhà nước còn kiểm soát được gì? Còn cần đến Bộ Xây dựng, ngành xây dựng để làm gì khi người ta được thả cửa phá quy chuẩn? Đề xuất những cái này rất không hợp lý.
Hay như việc tính diện tích căn hộ từ tim tường cũng sai, gây thiệt hại bao nhiêu năm trời cho người mua nhà, bây giờ phải rút, phải sửa mà không có một lời xin lỗi, lại cho rằng: tôi làm vẫn là đúng, không phải xin lỗi! Nhưng đúng thì việc gì phải sửa? Điều này thể hiện rất rõ ràng Bộ chỉ vì lợi ích của doanh nghiệp xây dựng.
Xin cảm ơn bà!
Duyên Duyên