GS Đặng Hùng Võ: Nghịch lý của bất động sản là đại gia lấy đất quá dễ!
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 07:30, 03/01/2014
Nhìn nhận về Luật đất đai sửa đổi, Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng chúng ta đã trải qua giai đoạn rất dài các đại gia lấy đất rất dễ, bước chân vào thị trường bất động sản là có được siêu lợi nhuận.
Tại kỳ họp thứ 6 cuối năm 2013, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Dự thảo luật Đất đai sửa đổi. Luật này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7.2014. Trao đổi với Một Thế Giới ông Đặng Hùng Võ cho rằng việc thay đổi chính sách để mang lại quyền lợi cho người dân và bảo vệ người dân là việc làm đúng đắn. Chính sách đất đai của Việt Nam đã có nhiều điểm khá tiến bộ nhưng vẫn còn những lạc hậu cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Cạnh đó, quan niệm của chính quyền và cả người dân về quản lý đất đai của nhà nước có nghĩa là nhà nước đứng ra để đảm bảo cho mọi việc không lộn xộn là chưa thật hoàn toàn chính xác. Việc quản lý nhà nước đối với đất đai nên được hiểu theo hướng quản trị, nghĩa là phải đảm bảo được các tiêu chí bao gồm: công khai minh bạch; đảm bảo sự tham gia của người dân; trách nhiệm của người giải trình và cuối cùng là cơ chế giám sát của người dân.
Theo ông, Luật Đất đai sửa đổi có tác động như thế nào đến thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới?
Thị trường bất động sản của Việt Nam đang mắc bệnh oái oăm, phần giá thấp thì đang thiếu cung thừa cầu, phần giá cao thiếu cầu thừa cung. Chúng ta đã trải qua giai đoạn rất dài các đại gia lấy đất rất dễ, bước chân vào thị trường bất động sản là có được siêu lợi nhuận. Chính điều này tạo ra hệ quả hiện nay với thị trường bất động sản: Cung ở khu vực đầu cơ giá cao lớn chứ không phải cung cho người có nhu cầu nhà ở.
Cha đẻ của Luật đất đai 2003, Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Đặng Hùng Võ. Ảnh: Tuấn Hải.
Luật Đất đai cũ chưa tạo ra được cơ chế công bằng về tiếp cận đất đai với tất cả các nhà đầu tư. Dù luật đất đai không quy định không giao đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng luật không làm được việc đẩy công bằng hơn trong tiếp cận đất đai, nó làm cho thị trường bị lệch, được giao đất ở địa phương đều là đại gia, còn những doanh nghiệp nhỏ không có cơ hội tiếp cận đất đai.
Tôi ủng hộ việc cho người nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam, đấy là một hình thức xuất khẩu thị trường bất động sản tại chỗ.
Chính sự thiếu công bằng trong tiếp cận đất đai cộng thêm sự cẩu thả trong tiếp cận vốn của các ngân hàng đã tạo ra một thị trường bất động sản đầy nghịch lý như hiện nay.
Luật Đất đai cũ không tác động gì được mà để cho thị trường cần gì thì làm nấy, không kiểm soát được bất cứ thứ gì trong thị trường quyền sử dụng đất (thị trường sơ cấp giữa nhà nước và thị trường thật), quy hoạch sử dụng đất cũng không điều tiết được thị trường.
Luật Đất đai mới tác động vào 2 điểm: Thứ nhất, nếu quy hoạch sử dụng đất chuyển được một phần sang quy hoạch phân vùng thì điều đó tốt hơn cho thị trường bất động sản, cho việc quản lý cung đất cho thị trường. Thứ hai, với Luật mới có chế tài mạnh hơn trong việc xử lý dự án treo khi cho doanh nghiệp thêm 24 tháng, nếu không đưa đất vào sử dụng thì sẽ bị thu hồi mà không bồi thường.
Mới đây, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, việc cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam sẽ giải quyết được số chung cư cao cấp đang tồn đọng. Theo nhận định của ông, đây có phải là hướng đi đúng cho thị trường bất động sản hay không?
Tôi ủng hộ việc cho người nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam, đấy là một hình thức xuất khẩu thị trường bất động sản tại chỗ. Nhưng cũng cần phải tính toán thêm về điều kiện tương đương trong quan hệ ngoại giao: nước nào mở với ta ta mở, người nào đóng với ta ta đóng. Còn khi đã hội nhập quốc tế, đừng nghĩ đến việc nên mở hay nên đóng. Nguyên tắc hội nhập quốc tế là phải mở. Trừ những lĩnh vực đặc thù, còn lại thì phải mở, tất nhiên điều kiện mở phụ thuộc vào thị trường.
Mở cho người tiêu dùng nước ngoài vào thị trường bất động sản là việc nên làm nhưng chúng ta phải thay đổi cơ chế quản lý. Chúng ta không nên sợ tác động xấu mà phải tính toán làm thế nào dự báo và quản lý được những tác động xấu đó.
Tuấn Ngọc (ghi)
Một Thế Giới