Sếp địa ốc Đất Lành “không tin bất động sản đang hồi phục“!
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 11:26, 27/11/2013
Tại Hà Nội, đi dọc đường Nguyễn Tuân - Nguyễn Chánh (quận Cầu Giấy) có thể bắt gặp vô số băng-rôn, biển hiệu chào bán căn hộ với nhiều mức giá khác nhau kèm theo khuyến mại hấp dẫn.
Như dự án chung cư cao cấp Westa được rao bán giá từ 16,7 triệu đồng/m2 với diện tích từ 90-158 m2, tặng kèm điện thoại iPhone5 và 80 triệu đồng. Một dự án khác tại Trung Hòa - Cầu Giấy cũng khuyến mại cho người Ông mua nhà phí dịch vụ chung cư đến 50 triệu đồng.
Dự án Sails Tower (khu đô thị Xa La - Hà Đông) chào bán 108 căn hộ với giá 13,8 triệu đồng/m2 (chưa VAT, có nội thất cơ bản) tại sàn Info – Ocean Group và đã bán được gần 90 căn. Dự án này tặng kèm quà trị giá 10 triệu đồng.
Trái ngược với một số tín hiệu khả quan của thị trường bất động sản Hà Nội, theo ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thị trường bất động sản TP.HCM vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, mặc dù đã bước vào thời điểm cuối năm.
Ở mảng nhà ở xã hội, chỉ có duy nhất công ty Hoàng Quân vừa khởi công xây dựng nhưng để xong móng và đưa ra bán phải mất thêm 6 tháng nữa.
Các dự án đang xây dở dang, xin chuyển sang nhà ở xã hội bằng cách chẻ nhỏ căn hộ như Quốc Cường Gia Lai thì chưa được phép. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải lo các chi phí hằng ngày như tiền lãi ngân hàng lên đến vài trăm triệu đồng.
"Nhu cầu của người dân rất lớn nhưng thực tế tại TP.HCM không có sản phẩm. Việc hồi phục một bộ phận nào đó là điều đáng mừng, tuy nhiên phải xem xét thật kỹ" - ông Đực nhận định.
Theo ông, sự hồi phục của bất động sản Hà Nội chỉ là một bộ phận nhỏ của thị trường. Khi 95% số dự án đang đắp chiếu, chỉ 5% còn lại hồi phục thì thị trường bất động sản vẫn rất đen tối. Ví dụ như TP.HCM hiện nay mới chỉ có 2-3 dự án khởi động lại được nên không thể nhìn vào đó mà nói là thị trường đã bắt đầu hồi phục.
Những dự án tái khởi động này phần đông là do một doanh nghiệp khác mua lại với giá rất rẻ, bán lại cũng với giá rất rẻ để thị trường dễ hấp thu. Nhưng giá rẻ sẽ mang lại rủi ro lớn cho doanh nghiệp. Nếu có biến động về vật tư, nhân công những năm tới, giá sẽ biến động nhiều, không đủ tiền để hoàn thiện thì việc xây dựng dở dang.
Thêm vào đó, phần đông các doanh nghiệp mua lại thường không chuyên về bất động sản, có khi là sàn giao dịch. Mặc dù có lợi thế về khách hàng và được ngân hàng nào đó cấp tiền nhưng tính chuyên nghiệp về đầu tư xây dựng, quản lý không cao. Đó cũng là một rủi ro lớn.
Mặt khác, các doanh nghiệp này thường mở rộng cùng lúc 4-5 dự án nên khả năng tài chính có hạn, họ còn phải dựa vào các ngân hàng đứng sau. Cộng với sự chuyên nghiệp không cao, chỉ cần 1-2 dự án có vấn đề sẽ kéo các dự án khác rơi vào nguy hiểm.