Sau hỏa hoạn, dân Hà Thành đua nhau sắm dụng cụ thoát hiểm
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 09:00, 16/10/2015
Hiện nay, nhiều người dân tìm đến các thiết bị thoát hiểm chung cư như thang dây, ba lô... để chủ động trong khi xảy ra sự cố. Dó đó, sản phẩm này bỗng dưng... bán chạy và mức giá cũng có sự "nhảy múa" so với giá trị thực.
Sau những sự cố liên tiếp về hỏa hoạn tại các chung cư gần đây, người dân mới giật mình vì chưa hề trang bị lối thoát trong các sự cố nguy hiểm bất ngờ. Để chủ động thoát thân, nhiều người không ngại chi hàng chục triệu đồng để sắm cho mình ba lô, dây thoát hiểm, thang dây… Những sản phẩm này do đó trở nên hút khách trong thời gian gần đây.
Theo chị Nguyễn Thu Vân, nhân viên cung cấp dụng cụ thoát hiểm, từ sau vụ cháy ở các tòa chung cư ở Hà Nội, nhu cầu về các thiết bị bảo đảm an toàn cũng như thoát hiểm tăng cao hơn trước khoảng 30-40%, lượng khách mua vì thế cũng tăng vọt.
|
Các trang mua bán trực tuyến dụng cụ thoát hiểm nở rộ |
“Ngay khi vụ cháy xảy ra, nhiều người chia sẻ video dùng thang dây thoát hiểm trên mạng xã hội facebook để cảnh báo. Đây là dụng cụ khá phổ biến ở nước ngoài nhưng trong nước ít người để ý. Từ sau video này, nhiều người tìm đặt sản phẩm và các nhà cung cấp theo đó cũng nở rộ’ – chị Vân cho hay.
Theo khảo sát của Báo Điện tử Một Thế Giới, những dụng cụ thoát hiểm được rao bán có giá không hề “mềm”. Giá rẻ nhất cũng vài triệu đồng, cao cấp hơn có đến vài chục triệu đồng. Bộ dụng cụ càng cao cấp, dây càng dài thì giá càng cao. Nếu hộ gia đình nào ở tầng 10 trở lên, có con nhỏ thì bộ dụng cụ rơi vào khoảng 10 triệu đồng.
Theo chị Vân, một thiết bị như ba lô thoát hiểm gồm có nhiều bộ phận được sắp xếp một cách khoa học. Đó là Bộ điều tốc, đây được coi là trái tim của sản phẩm, được cấu tạo bởi các bánh răng làm bằng thép không rỉ, má phanh tự hãm bằng vật liệu gốm. Do đó có thể tự điều chỉnh tốc độ rơi của người sử dụng tiếp đất một cách an toàn và không gây chấn thương.
Tiếp theo là Hộp điều tốc được sơn tĩnh điện công nghệ cao, làm tăng tính thẩm mỹ cũng như tuổi thọ của thiết bị. Bộ dây thoát hiểm được chế tạo từ loại thép dùng trong lĩnh vực hàng không và cứu hộ, được bọc sợi tổng hợp, chịu được hơn 1500oC, chịu được tải trọng 400kg.
“Nếu đúng hàng thật thì sẽ đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng thoát hiểm nhanh chóng” – chị Vân cho hay.
Tuy nhiên, những dụng cụ này không phổ biến ở Việt Nam, chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài về. Người tiêu dùng khó có thể nhận biết chất lượng sản phẩm cũng như đánh giá thương hiệu thông qua kiểm tra thủ công. Do đó, việc bị nâng giá sản phẩm quá cao hay mua phải sản phẩm kém chất lượng là điều khó tránh khỏi.
|
Bộ sản phẩm thoát hiểm có giá 25 triệu đồng |
Vừa mua một bộ dây thoát hiểm, chị Lê Thủy (Cầu Giấy – Hà Nội) cho hay, mỗi người cần chủ động thoát hiểm khi có sự cố. Không phải chung cư nào hiện nay cũng đảm bảo được sự an toàn, nhất là đối với những nguy hiểm bất ngờ như hỏa hoạn.
Các cầu thang thoát hiểm nhiều khi bị chất đồ đạc, ngăn hết lối đi, có chạy xuống cũng chen nhau. Chị mua bộ thoát hiểm nhằm chủ động thoát nạn trong những tình huống khẩn cấp.
Còn theo anh Nguyễn Hùng, chủ một cửa hàng cung cấp dụng cụ thoát hiểm, những dụng cụ này có tác dụng thoát hiểm trong một số trường hợp cần di chuyển nhanh từ trên cao xuống. Với giá cả như vậy, anh Hùng không nghĩ là đắt đỏ bởi những hộ dân sống ở đây đều có mức thu nhập khá.
Tuy nhiên, theo khảo sát một số người tiêu dùng, đa phần đều cho rằng, một số sản phẩm thoát hiểm có giá khá cao, trong khi chi phí chế tạo rất thấp, các doanh nghiệp nên hạ giá thành để người dân có thể trang bị được nhiều hơn.
Hoàng Long
Một Thế Giới