Lỗ chục nghìn tỷ, EVN đề xuất tính phần lỗ vào giá điện

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:00, 04/09/2015

Ba "ông lớn” gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) hiện đang bị lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng do biến động tỷ giá và đang đề xuất tính phần lỗ vào giá điện.

Thông tin trên được tiết lộ trong cuộc họp giao ban trực tuyến của Bộ Công Thương tổ chức ngày 4.9. Để khắc phục tình trạng này, các doanh nghiệp trên đang đề xuất tính phần lỗ do chênh lệch tỷ giá này vào giá điện.

Cụ thể, ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho hay, vừa qua trên thế giới đã có nhiều đồng tiền phá giá ở mức cao đặc biệt là đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. 
Theo đó, sự phá giá mạnh này có ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của một số tập đoàn, doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp có hợp đồng vay vốn ngoại tệ nước ngoài lớn.

Trước tình hình đó, ông Phúc cho biết đã yêu cầu TKV, PVN, EVN tính toán con số chính xác về số lỗ phát sinh do chênh lệch tỷ giá ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá bán lẻ như thế nào.

"Thực ra việc tính toán chênh lệch tỷ giá là công việc thường xuyên phải làm, tuy nhiên, vì trong thời gian gần đây tỷ giá có biến động mạnh nên yêu cầu các đơn vị báo cáo sớm hơn để nắm tình hình. Nếu chênh lệch giá lớn sẽ làm việc với các Bộ ngành liên quan và Chính Phủ xem xét điều chỉnh”- ông Đinh Thế Phúc cho biết.

Ông Phúc cũng khẳng định, biến động tỷ giá ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và giá bán lẻ là tất yếu của kinh tế. Hiện nay Bộ Công thương vẫn đang đợi báo cáo con số cụ thể từ PVN, EVN.

Về việc tính toán biểu giá bán lẻ điện mới theo đề xuất của các tập đoàn, ông Tuấn tiết lộ đã giao cho EVN tính toán các phương án giá bán lẻ điện.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định rằng, diễn biến tỷ giá trong thời gian qua đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp. 
Tuy nhiên, với những kiến nghị nhằm bù đắp vào giá thành sản xuất điện, Bộ Công thương sẽ tổng hợp và gửi ý kiến trình Chính phủ xem xét.

Theo đó, sau khi có báo cáo chính thức từ EVN, Bộ Công thương sẽ tổ chức hội thảo, truyền thông để lấy ý kiến đóng góp về biểu giá bán lẻ điện mới. Sau khi hoàn thiện sẽ trình Chính Phủ vào tháng 10.2015 và quyết định tăng giá điện hay không là thuộc thẩm quyền Chính Phủ.

Trước đó, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc TKV khẳng định do chênh lệch tỷ giá đã làm phát sinh khoản lỗ cho tập đoàn khoảng 1.200 tỷ đồng. Còn lãnh đạo PVN khẳng định tỷ giá ảnh hưởng lớn vì sản lượng điện của PVN là 100 tỷ kWh.

Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN cho hay, riêng tỷ trọng điện của TKV chiếm 10-15% toàn hệ thống đã phát sinh lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng. Nếu cộng tất cả các con số mà cả TKV và PVN đưa ra trong lĩnh vực điện thì khả năng khoản phát sinh lỗ do tỷ giá có thể gấp hơn 10 lần con số 1.200 tỷ đồng do TKV thống kê. 
Do số lỗ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng nên các tập đoàn đề xuất tính phần chênh lệch này vào giá điện.

Về việc cung ứng điện, ông Tuấn khẳng định năm 2015 mặc dù xảy ra tình trạng hạn hán sản xuất điện khó khăn nhưng không có chuyện thiếu hụt 5 tỉ kWh điện. Trong phương án cung ứng điện đã đề ra từ đầu năm sản lượng điện hiện nay vẫn đáp ứng được nhu cầu ngay cả những tháng cao điểm mùa hè.

“Từ nay đến cuối năm nếu có xảy ra việc thiếu điện thì Bộ đã chuẩn bị nhiều nguồn cung ứng điện khác, đảm bảo cung ứng điện cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất”- ông Tuấn khẳng định.

Hoàng Long


Một Thế Giới