Xót xa vì chợ truyền thống “kiểu mới” lao đao
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:03, 27/08/2015
Chợ truyền thống "kiểu mới" đang... ngắc ngoải?
Thế nhưng vào giai đoạn khoảng hơn 10 năm trước, mô hình trung tâm thương mại (TTTM) cao cấp bắt đầu nở rộ, khiến những ngôi chợ nằm ở vị trí đắc địa nói trên được đưa vào “tầm ngắm” dự án.
Và từ đó, hàng loạt kế hoạch xây dựng TTTM kết hợp chợ truyền thống được rốt ráo triển khai, nhằm tận dụng hết lợi thế của những mảnh đất “vàng” trên phố Hàng Da, Cửa Nam, Trần Duy Hưng… Ở mô hình chuyển đổi này, TTTM mọc lên để cho thuê những gian hàng cao cấp, phục vụ phân khúc khách hàng giàu có, trong khi chợ truyền thống lại bị “nhét” xuống tầng hầm, nhằm vớt vát duy trì những gì đã có trước đây.
Thế nhưng, tréo ngoe ở chỗ, khi những kế hoạch nói trên vừa hoàn tất, thì cũng là lúc xu hướng hoạt động kinh doanh “kiểu TTTM” bất ngờ rơi vào thoái trào, khiến hàng loạt TTTM được đánh giá cao phải đồng loạt đóng cửa: TTTM Pico Mall phải sang nhượng lại sau khi không thể thu hút các đối tác lấp kín khoảng trống gian hàng, TTTM Parkson Keangnam Land Mark Tower đóng cửa vì không đạt hiệu quả về doanh thu, TTTM Chợ Hàng Da heo hút khách…
Khu vực chợ chỉ có hàng hóa, đìu hiu khách mua hàng. |
Điều xót xa hơn là tình trạng ế ẩm, thoái trào nói trên lan cả xuống khu vực chợ truyền thống “kiểu mới” dưới hầm, mà nói chính xác hơn là ngay từ khi khai trương, loại hình chuyển đổi này chưa bao giờ đạt được ngưỡng “thăng hoa” như lúc còn hoạt động theo mô hình truyền thống trước đây.
Có mặt tại chợ Hàng Da truyền thống ở dưới hầm vào buổi sáng 20.8, PV ghi nhận tình trạng buôn bán rất đìu hiu. Tới gần trưa, lượng khách mới lác đác, so với buổi sáng gần như chỉ có tiểu thương ngồi với nhau.
Theo chia sẻ của những tiểu thương ở ngôi chợ nói trên, tình hình buôn bán từ khi chuyển đổi kém hơn nhiều so với thời kỳ trước đây, song “vẫn may là còn duy trì được nhờ lượng khách quen, mua sỉ, chứ nhiều chợ khác thì… tiêu rồi” - chị Thúy, một tiểu thương buôn bán lâu năm tại chợ Hàng Da, chia sẻ.
Nhận định trên hoàn toàn đúng, khi chợ Cửa Nam truyền thống gần như đóng cửa hoàn toàn. Bởi khi PV có mặt tại đây vào lúc gần trưa, nhân viên bảo vệ còn ngạc nhiên vì… có khách ghé chợ. Đi vào trong, nhân viên trong khu chợ rau Cửa Nam thậm chí ngủ gục ngon lành, còn các quầy hàng trống trơn.
Một nhân viên khác ở đây cho hay: “Lúc trước bọn em cũng có nhập hàng về. Nhưng bán chậm quá, ít khách, nên thời gian này phải tạm nghỉ”.
Đáng buồn là khu vực siêu thị ngay cạnh đó cũng rơi vào cảnh “hiu quạnh” không một bóng khách ghé thăm.
Trong khi đó, chợ truyền thống Trung Hòa “kiểu mới” (nằm dưới hầm của toà nhà Eurowindow Multi Complex ở số 27 Trần Duy Hưng) vẫn đang ở trong tình trạng… chờ tiểu thương chuyển về. Mặc dù đã chính thức được khai trương từ ngày 5.5 vừa qua song trên thực tế, khu chợ này vẫn còn rất nhiều kiốt đóng cửa im ỉm, trong khi lượng khách vô cùng đìu hiu, các tiểu thương tại đây chủ yếu… phục vụ nhau là chính.
“Vắng người bán vì các tiểu tương vẫn chưa về hết. Giờ thì chỉ có bán cho nhau thôi. Tôi bán bún đậu, làm vài suất cầm chừng, tới trưa thì bán cho những tiểu thương ngồi trông hàng ở đây”, cô Tiến – một chủ quán bún nhỏ ở chợ Trung Hòa cho biết.
Cùng vì rơi vào tình trạng “người bán đông hơn người mua” nên khi có khách ghé chợ truyền thống Trung Hòa, nhân viên bảo vệ cũng phải ngạc nhiên… hỏi lại.
Đi tìm lời giải cho sự ngắc ngoải của chợ truyền thống "kiểu mới"
Khi các TTTM phía trên ế ẩm, không thu hút được cả đối tác bán cũng như khách hàng, thì dễ hiểu khi các khu chợ truyền thống phía dưới hầm bị mất giá theo.
Nhưng rõ ràng, đây không phải là nguyên nhân chính khiến các ngôi chợ rơi vào tình trạng “ngắc ngoải”.
Những nội dung phân tích trên đã được chứng minh rõ trong thực tế, thông qua lượng khách ghé chợ luôn “heo hút” hơn nhiều so với thời “hoàng kim” lúc trước.
“Bây giờ vào chợ kiểu này, cảm giác cứ như đi siêu thị vậy. Gửi xe rồi đi bộ vào chỗ bán hàng. Nhưng các mặt hàng ở chợ chuyển đổi lại rất hạn chế, không phong phú như siêu thị và chất lượng cũng không thể sánh ngang. Chưa kể, nếu so ngay với chợ đó trước đây thì mức độ đa dạng cũng giảm đi quá nhiều, làm mất hẳn sức hấp dẫn”, chị Thu Phương (Lê Duẩn, Hà Nội) bộc bạch.
Bên cạnh đó, một điểm trừ đáng kể khác của mô hình chợ truyền thống “kiểu mới” khiến nhiều khách hàng mất hứng là không gian quá bí bách, khó thở, do bị “nhét” xuống dưới tầng hầm (hoặc bán hầm).
Bước chân vào những khu chợ kiểu chuyển đổi như vậy, người mua khó có thể thoải mái tản bộ được lâu, vì bầu không khí đặc quánh mùi hàng hóa, mang tới cảm giác rất bức bí, khó chịu.
Chị Mai Hoa (Bạch Mai, Hà Nội) bày tỏ: “Nếu mua thực phẩm, đồ tiêu dùng hàng ngày thì tôi vào chợ cóc, đại lý tạp hóa, còn nếu mua những món khác đặc biệt hơn thì tôi chọn vào siêu thị, đảm bảo hơn”.
Tâm lý phổ biến nói trên của người tiêu dùng càng khiến mô hình chợ truyền thống “kiểu mới” gặp khó, bởi mô hình này rơi vào “khúc lai tạp ở giữa”, không tiện lợi như chợ cóc và cũng chẳng chất lượng như siêu thị.
Hiện giờ, bài toán khó nhất dành cho các nhà quản lý là làm sao có thể tạo ra đặc trưng riêng cho chợ truyền thống “kiểu mới”, để từ đó thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Chưa biết họ đã có kế hoạch chuẩn bị tới đâu, nhưng chắc chắn nó không đơn giản dừng ở mấy tấm pano quảng cáo “khuyến mãi 30%, 50%, các mặt hàng” một cách chung chung như hiện nay, hay miễn phí gửi xe cho khách vào chợ.
Có lẽ chưa bao giờ, câu hỏi “Sống hay là chết?” lại trở nên cấp bách và mong chờ một lời giải đáp thấu tính đạt lý như hiện nay, đối với những tiểu thương đang bám trụ từng kiốt để mưu sinh tại các ngôi chợ chuyển đổi. Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt, khôn khéo của các ngành chức năng, e rằng không chỉ các tiểu thương gặp khó, mà thậm chí cái hồn của những ngôi chợ truyền thống nổi tiếng thuở nào cũng sẽ bị trôi vào dĩ vãng.
Nguyễn Trung Hiếu