Vàng mã cho rằm Tháng Bảy: Xuất hiện mũ hàng mã cho ...CSGT
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 08:00, 21/08/2015
"Trần sao âm vậy, trên có pháp luật thì dưới âm phủ cũng phải có pháp luật. Trên đốt phương tiện xuống thì cũng phải có người điều tiết, phân luồng phương tiện, vì thế nên xưởng chúng tôi sản xuất cả mũ công an giấy để sang thế giới bên kia công an lấy cái dùng", chủ một cơ sở vàng mã tại làng Đông Hồ cho biết.
Xưa kia, làng Đông Hồ (Song Hồ - Thuận Thành – Bắc Ninh) nổi tiếng khắp nước với nghề làm tranh đặc sắc. Ngày nay, làng Đông Hồ lại trở nên nổi tiếng với nghề làm vàng mã khi 90% người dân nơi đây theo đuổi nghề này. Vào dịp Tết và rằm tháng 7 âm lịch hằng năm, làng vàng mã Đông Hồ lại sôi động hơn bao giờ hết.
Mỗi ngày tiêu thụ hàng tấn vàng mã
Làng vàng mã Đông Hồ là nơi cung cấp sản phẩm vàng mã lớn nhất hiện nay với thị trường “phủ sóng” cả nước. Những dịp bán hàng cấp tập như Tết hay rằm tháng 7, làng trong làng ngoài luôn tấp nập xe máy, xe ba gác chở hàng đi giao cho các đại lý.
|
Sản phẩm vàng mã treo đầy nhà một gia đình kinh doanh tạp hóa và vàng mã - ảnh Trí Lâm |
|
Xe chờ đem sản phẩm vàng mã đi giao cho đại lý - ảnh Trí Lâm |
Mẫu mã, chủng loại các sản phẩm của làng vàng mã Đông Hồ cực kì đa dạng và có cải tiến so với các năm trước. Nào hình nhân thế mạng, ngựa xe, võng lọng, quần áo, giày dép, túi xách… truyền thống cho đến những thứ hiện đại như nhà lầu, điện thoại, xe hơi, túi xách thời trang, máy giặt, xe máy SH, đô la, vàng khối… Mẫu mã những sản phẩm này luôn được cải tiến để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
“Trần sao âm vậy, các cụ dạy thế thì mình tin thế, nhiều người tin thế nên có nhu cầu thì mình làm. Nhìn chung mặt hàng nào bán cũng chạy, ai cũng muốn chăm sóc thật ổn thỏa cho phần âm của gia đình mình”, ông Nguyễn Hồng Thanh, một chủ cửa hàng sản xuất vàng mã cho hay.
Theo ông Thanh, mỗi ngày cơ sở của ông có thể giao đến hàng tấn hàng đi khắp các nơi, bởi chẳng còn bao lâu nữa là đến rằm Tháng Bảy. Hỏi về giá cả, ông Thanh không ngần ngại cho biết, giá bán là vô cùng, còn tùy từng khách và độ yêu thích sản phẩm của họ và còn dựa vào sự độc đáo của từng sản phẩm.
“Ở chỗ tôi thì những sản phẩm vài trăm nghìn là chính thôi, còn hàng hiệu dành cho đại gia thì khó bán, cũng hiếm người làm” – ông Thanh bộc bạch.
Được biết, không phải tất cả các hộ dân ở đây đều chuyên làm vàng mã. Vàng mã là thứ hàng các đại lý lấy về làm thêm, kiếm thêm thu nhập, mỗi ngày làm được vài chục kg sản phẩm các loại đã là nhiều. Còn các đại lý lớn thì thuê nhân công, sản xuất có sự hỗ trợ thêm của máy móc.
Sản phẩm độc đáo: Mũ vàng mã cho CSGT
Theo các hộ kinh doanh vàng mã tại làng Đông Hồ, các mặt hàng vàng mã năm nay không có quá nhiều sản phẩm mới lạ và hấp dẫn. Giá cả cũng không có nhiều biến động và được đẩy lên cao như trước. Tuy nhiên, cũng phải kể đến một số mẫu mã mới, cực kì ấn tượng như mũ Cảnh sát giao thông, thương hiệu thời trang địa phủ, túi xách hàng hiệu, thẻ điện thoại, Iphone… đương nhiên tất cả đều bằng giấy.
|
Mũ công an dành cho công an giao thông ở thế giới bên kia - ảnh Trí Lâm |
Các sản phẩm hàng mã của làng Đông Hồ không chỉ tiêu thụ ở miền Bắc mà còn được chuyển vào miền Nam, thậm chí đưa sang Lào, Đài Loan, Trung Quốc. Có thời điểm, ô tô các tỉnh ùn ùn tới đánh hàng khiến các hộ dân xoay không kịp.
Từ khi có nghề vàng mã, bộ mặt của làng thay đổi khá nhiều, khang trang và thu nhập khá hơn. Theo ông Thanh, mỗi bộ đồ lễ tùy thời điểm có thể lãi từ 20-30.000 đồng, những sản phẩm khác có giá vài trăm nghìn thì chi phí sản xuất, nhân công chưa hết một phần ba.
Dịp rằm tháng 7 năm nay, nhiều hộ dân huy động cả nhà làm vàng mã, thậm chí cả con cái còn nhỏ cũng được "trưng dụng" để tăng thêm thu nhập vì mỗi năm chỉ có vài dịp như thế này.
Xem thêm một vài hình ảnh về làng vàng mã Đông Hồ:
|
Công nhân làm thuê trong xưởng vàng mã với 100 nghìn đồng/ngày - ảnh Trí Lâm |
Trí Lâm
Một Thế Giới