Khó phân biệt thịt heo sạch với heo sử dụng chất cấm

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 04:49, 19/08/2015

Hàng loạt những sự việc về thịt heo sử dụng chất cấm như tiêm thuốc an thần, tăng trọng… ở TP.HCM gần đây đang khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại về chất lượng thịt. Nguy hiểm hơn là với những cách nhận biết thịt heo tươi ngon trước giờ so với “công nghệ” ngày càng tinh vi hiện nay, thì những đơn vị sản xuất hoàn toàn có thể “qua mặt” được người tiêu dùng một cách dễ dàng.
Heo sử dụng chất cấm ngày càng tăng
Theo Chi cục thú y TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2015 đơn vị này đã kiểm tra 222 mẫu nước tiểu từ các đàn heo của 8 tỉnh có lượng thịt lợn lớn nhập vào TP.HCM là Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng và ở cả TP.HCM.
Kết quả phát hiện ra 31 mẫu là dương tính với việc heo sử dụng chất cấm beta-agonist (chất tạo nạc, tăng trọng cho heo). Trong đó, lượng heo xuất xứ từ Đồng Nai chiếm lượng tồn dư chất cấm “áp đảo” với 20/31 mẫu, Long An 3/31 mẫu, Tiền Giang 8/31 mẫu.
Kho phan biet thit heo sach voi heo su dung chat cam-hinh-anh-1
Tình trạng heo sử dụng chất cấm ngày càng tăng (Ảnh minh họa: Phan Diệu)
Chi cục thú y TP.HCM cũng cho biết năm 2013-2014 việc sử dụng chất cấm trong heo có dấu hiệu giảm, tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2015 lại tăng đột biến. Ở TP.HCM, hiện chưa có hiện tượng này song phải chịu ảnh hưởng do nguồn cung từ các tỉnh khác đổ về. Đây là một vấn đề rất đáng lo ngại bởi nguy cơ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe người tiêu dùng.
Mặt khác, việc kiểm tra để biết được heo sử dụng chất cấm trên thị trường hiện đang khó khăn. Nhiều nguồn gia súc cùng tập trung vào một lò giết mổ nên rất khó trong việc phân loại từng lô hàng. Không những vậy, việc kiểm tra còn tốn kém nhiều chi phí do phải lấy mẫu sản phẩm, sau đó kiểm chứng qua phòng thí nghiệm…thì mới đủ cơ sở để xử lý. Bên cạnh đó, qua những đợt thanh tra, kiểm tra mang tính chất định kỳ của Chi cục thú y thì các đối tượng có sử dụng chất cấm đã biết thông tin nên sẽ ngưng đưa các nguồn có sử dụng chất này nên cũng khó kiểm chứng.
Khó phân biệt heo sạch với heo sử dụng chất cấm
Để phân biệt heo sạch với heo sử dụng chất cấm, nhiều người tiêu dùng “rỉ tai” nhau nhiều cách dựa theo màu sắc và độ đàn hồi của thịt.
Chẳng hạn, khi người chăn nuôi sử dụng thuốc tăng trọng sẽ khiến cơ của heo phát triển nhanh, đùi to, vai u, có rất nhiều thịt nạc và màu sắc đỏ tươi. Do đó, không nên lựa chọn thịt heo quá nạc hay có màu đỏ tươi.
Thứ hai, nên chọn các thớ thịt mịn đều, không nên lựa chọn những miếng thịt không có độ dẻo dính, đàn hồi. Nếu thịt có sử dụng chất tạo nạc, tăng trọng thì có cảm giác miếng thịt cứng, không có độ dẻo dính.
Thứ ba, thịt có chứa chất kích thích tăng trưởng thì hàm lượng nước nhiều hơn, nên khi nấu chín thịt sẽ teo và ra nhiều nước. Không những vậy, nếu heo được người chăn nuôi cho ăn kháng sinh ( chất tạo nạc) thì khi nấu, thịt vẫn còn tồn dư của thuốc sẽ bốc hơi lên mùi thuốc kháng sinh.
Đây là một cách phân biệt đúng, tuy nhiên hiện nay việc tiêm chất cấm ngày càng tinh vi, nhiều người sử dụng thuốc vẫn có thể “qua mặt” được.
Kho phan biet thit heo sach voi heo su dung chat cam-hinh-anh-2
 Khó phân biệt heo sạch với heo sử dụng chất cấm (Ảnh minh họa: Phan Diệu)
Theo Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Thị Đan Thanh, Giảng viên Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, mục tiêu chính của những những người khi tiêm thuốc hay trộn lẫn thuốc cấm vào thức ăn là nhằm cho heo tăng trọng, có tỷ lệ nạc cao, sớm xuất chuồng. Chung quy lại cũng vì mục tiêu lợi nhuận.
Thạc sĩ Thanh cho biết, phần lớn thịt heo bán ngoài thị trường hiện có tỷ lệ nạc rất cao, thậm chí nạc sát da. Tuy nhiên, theo tự nhiên thì dù nuôi heo bằng cách nào cũng không thể đạt được tỷ lệ nạc đó được.
Việc tích lũy các hóa chất có trong thịt heo là rất đáng lo ngại. Thông thường người ăn thịt heo có chất cấm thì sẽ không có những biểu hiện cấp ngay từ ban đầu mà chất này sẽ ngấm vào con người từ từ. Một khi đã phát hiện ra bị ngấm độc bởi chất này thì đã quá muộn. Thậm chí, nhiều trường hợp không thể phát hiện ra mình đã bị ngộ độc dài hạn bởi nó biểu hiện bằng các bệnh lý khác nhau.
“ Bản thân tôi cũng là một người tiêu dùng thì tôi chỉ biết chọn thịt của các nhà cung cấp uy tín mà tôi đã tin tưởng, còn việc chọn thịt thông qua cảm quan như theo độ tươi, độ dai, độ dòn , hồng… thì nhiều nhà sản xuất không có “tâm” vẫn dễ dàng đánh lừa được người tiêu dùng”, Thạc sĩ Thanh chia sẻ.
Phan Diệu

Một Thế Giới