Kĩ thuật kiếm tiền triệu mỗi đêm nhờ “Hát rong đường phố”

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 07:00, 16/08/2015

Hình ảnh những “ca sĩ đường phố” với dàn loa kéo, vừa hát vừa bán kẹo đã không còn xa lạ đối với nhiều người. Tưởng rằng thu nhập chẳng là bao, nhưng theo những “ca sĩ” này thì những ngày may mắn họ có thể thu nhập hàng triệu đồng.

Hát để bán hàng chứ không ăn xin

Nói đến hát rong, không ít người hình dung đó là nghề của những thân phận nghèo khổ, khuyết tật thể chất, không có sức lao động chân tay. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc hát rong đường phố đã trở thành một nghề đích thực, được nhiều thanh niên khỏe mạnh theo đuổi. Sẵn giọng hát trời phú, dễ nghe, những thanh niên kiếm thêm dàn loa, cất lên những bài hát nhằm bán hàng kiếm lợi nhuận.

Những khu đô thi mới tập trung đông người, những quán nhậu, quán bia …luôn là địa điểm lý tưởng để những thanh niên mưu sinh bằng nghề hát rong tận dụng. Nhiều người cho rằng, giọng hát chân phương, chưa từng qua trường lớp tối tối cất lên, lẫn với sự ồn ào của phố xá lại có sức hấp dẫn rất riêng.

Ngồi tại một góc phố tại chợ Đồng Xuân, Nguyễn Ngọc Thanh và nhóm bạn đang say sưa trình diễn những ca khúc “hit” của giới trẻ. Người hát, người đi từng bàn mời từng vị khách mua kẹo cao su, viên ngậm, bông ngoáy tai…
Ki thuat kiem tien trieu moi dem nho “Hat rong duong pho”
 Góc chợ Đồng Xuân cũng chính là sân khấu của "ca sĩ"  đường phố - ảnh Trí Lâm
Thanh cho hay, trước đây anh làm công việc phụ hồ vất vả, có hôm ngồi uống trà đá giải lao ở công trường thấy nhóm hát rong. Sẵn tính nghệ sĩ, ham hát hò, Thanh xin hát thử vài bài và được mọi người khen. Sau đó trò chuyện, Thanh tin rằng có thể mưu sinh bằng nghề này, thù lao không kém thợ xây dựng mà đỡ nặng nhọc hơn nên quyết định chuyển nghề.

Sau đó, Thanh xin số điện thoại để hỏi han cách thức thì được chính nhóm hát đó mời về hát cùng, bao ăn, ở và trả lương, dùng dụng cụ có sẵn của nhóm. Mỗi tối, tùy doanh thu mà người đứng đầu chi trả thù lao cho ca sĩ. Sau hơn 1 năm đi hát, Thanh hoàn toàn tự tin có thể kiếm sống bằng nghề này với mỗi đêm, nếu may mắn có thể lên đến hàng triệu đồng.

Thanh cho hay, vừa hát vừa bán hàng, khách mua hàng thường đưa tiền chẵn rồi cho luôn số tiền thừa. Họ mua hàng không phải vì cần đến món hàng đó mà mua để động viên, mua vì yêu thích giọng hát của người ca sĩ.

Như vậy, trừ những ngày mưa, mỗi tối từ 7-10 giờ, Thanh cùng nhóm bạn lại dạo qua vài địa điểm tính từ trước, cất lên giọng ca và bán hàng.

Một ca sĩ khác xuất thân từ đất Hòa Bình, Việt Hoàng sinh năm 1991 với thâm niên trong nghề hơn 1 năm cho biết, có những đêm Hoàng hát đến 60 bài. Khu vực ưa thích của Việt Hoàng là các quán nhậu đông người. Một mình đứng ra đầu tư dụng cụ, thiết bị, hàng hóa… và tự hát, tự bán kiếm tiền, mối ngày Hoàng để ra được 300-400 nghìn sau khi trừ đi chi phí.
Ki thuat kiem tien trieu moi dem nho “Hat rong duong pho”
 Việt Hoàng hát trong quán nhậu - ảnh Trí Lâm
Hoàng tự đầu tư loa, mix với khoảng 10 triệu đồng. Hàng bán chủ yếu là kẹo cao su, kẹo mút… với giá mua vào khá rẻ. Hoàng cho hay, nhiều hôm hát xong, khàn cả tiếng, về phải uống thuốc mới đỡ.
“Nếu hát hay, hát đúng tâm trạng và truyền cảm đến người nghe, khách còn có thể cho thêm tiền, còn đề nghị hát đi hát lại” – Hoàng nói.
Ki thuat kiem tien trieu moi dem nho “Hat rong duong pho”
 Sau hát là bán hàng - ảnh Trí Lâm
Hoàng cho biết thêm, nghề hát rong đường phố mỗi đêm đi mỗi nơi khác nhau, không thể hát nhiều ở một nơi cố định vì rất dễ gây nhàm chán và khó chịu cho mọi người. Tuy nhiên, đi đến nơi khác hát cũng phải cẩn thận vì khu vực nào là của người đó, không được xâm phạm lẫn nhau.

Hát rong không phải ăn xin!

Theo Hoàng, nghề gì cũng cần năng khiếu, nhất là hát hò.Năng khiếu chính là chất giọng, độ dài hơi, thậm chí là cả cách trò chuyện và dẫn dắt khán giả để tạo được sự gần gũi và vui vẻ cho khách. Mỗi ngày, trước khi đi hát các thành viên đều bỏ thời gian để tập luyện. Mọi người truyền lại kinh nghiệm cho nhau.

Ki thuat kiem tien trieu moi dem nho “Hat rong duong pho”
 Loa là "đồ nghề" không thể thiếu của các ca sĩ
Hoàng cho biết, khi hát phải tự tin và có cảm xúc. Nhiều người có chất giọng tốt, hát hay nhưng khi đứng trước đám đông lại hết sức lúng túng, câu hát vô hồn, tay run, không luyến láy nổi.

“Phải xác định tâm lý rằng đây là nghề nghiệp lương thiện, chính đáng, bỏ sức lao động chứ không phải ăn xin như nhiều người tưởng” – Hoàng cho hay.

Bên cạnh đó, muốn hát hay  cần phải lưu ý chọn bài hát phù hợp với chất giọng, không quá cao, không quá luyến láy dài bởi không có ai hát hay tất cả các thể loại nhạc.

Ki thuat kiem tien trieu moi dem nho “Hat rong duong pho”
 Trước khi đi hát, Việt Hoàng tập luyện vài phút tại phòng trọ - ảnh Trí Lâm
“Cùng một bài hát, không phải cứ thấy ca sĩ hát hay là mình hát cũng hay. Hoặc không thể mình hát, mình thấy hay thì người khác cũng thấy hay”- Hoàng giải thích.
Nói thêm về cách hát, Thanh cho biết, khi đến nhóm, mọi người tụ họp nhau trọ ở phố Kim Đồng, ở đó có người đi trước hướng dẫn cách lấy hơi, cách luyến láy, cách hát cho người chưa quen.
Ki thuat kiem tien trieu moi dem nho “Hat rong duong pho”
 Ca sĩ đường phố Việt Hoàng vừa đi lấy hàng về - ảnh Trí Lâm
“Trong nhiều câu hát dài nếu không đủ hơi thì khó có thể hát được, dẫn đến đuối hoặc ngắt câu thành vô nghĩa. Có những kỹ thuật như lấy hơi trộm, lấy hơi ngắn, ém giọng, cướp hơi… nếu luyện được thì giọng hát cũng đỡ phô hơn khi chỉ hát theo bản năng.

Nói về mánh khóe nghề nghiệp, đôi khi Việt Hoàng cũng phải hát “nhép” vì mệt quá, hoặc những hôm đang ốm dở mà phải hát quá nhiều. Tuy nhiên, theo Hoàng, đây là việc cực chẳng đã, nếu bị phát hiện thì sẽ mất đi uy tín. Trừ trường hợp không còn lựa chọn nào khác thì mới phải sử dụng.

Trí Lâm

Một Thế Giới