Thịt ngoại tràn vào Việt Nam, người tiêu dùng đang hưởng lợi?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 05:00, 12/07/2015
Thịt ngoại tràn vào Việt Nam, người tiêu dùng đang hưởng lợi?
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập gần 54 triệu USD thịt gà các loại. Trong đó, thịt gà Mỹ nhập khẩu chiếm tới 65% giá trị nhập khẩu (khoảng 34,8 triệu USD). Và giá trung bình của gà Mỹ cũng rất rẻ so với các sản phẩm cùng loại của các nước khác.
Do đó, không khó khăn để nhận thấy việc thịt gà ngoại đang tràn lan, lấn sân thịt trong nước ở các siêu thị. Thịt gà ngoại chủ yếu được nhập khẩu từ Mỹ, Hàn Quốc, Brazil… có giá rẻ hơn khá nhiều so với giá gà trong nước.
Cụ thể, cánh gà đông lạnh của Mỹ chỉ có 1 USD/kg, đùi gà Mỹ cũng chỉ có 0,9 USD/kg. Thịt gà đông lạnh Hàn Quốc nhập khẩu cũng có giá tương đối thấp, giá đùi gà là 40.000-42.000 đồng/kg, cánh gà 70.000 đồng/kg, chân gà 50.000 đồng/kg.
Trong khi đó, khảo sát cho thấy, giá gà tại các trang trại phía Bắc ở mức 22.000-25.000 đồng/kg, phía Nam 21.000-22.000 đồng/kg, thấp hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thịt bò nhập khẩu (Ảnh minh họa) |
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Úc, từ đầu năm đến nay, nước này xuất sang Việt Nam khoảng 36.000 con bò sống, trị giá tương đương 24 triệu USD, trọng lượng trung bình từ 350 - 500 kg/con, với giá bò hơi khoảng 2 USD/kg.
Theo nhiều nhận định, giá bán trên khá phù hợp bởi các nước có nền sản xuất tiên tiến sẽ tiết kiệm được chi phí đầu vào. Hiện nay có hơn 100 doanh nghiệp EU đã được phía Việt Nam cấp giấy phép nhập khẩu thịt. Kế hoạch trong năm 2015, EU đặt mục tiêu gia tăng sản lượng thịt xuất khẩu vào Việt Nam lên 5%.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, nếu như trong năm 2013 tổng lượng trâu bò nhập khẩu ước tính khoảng 150.000 con thì bước sang năm 2014, chỉ tính riêng bò Úc, con số nhập về đã gần 200.000 con. Trong khi đó, số lượng đàn bò của Việt Nam không tăng lên.
Cần phải phát huy thế mạnh
Trao đổi với báo Một Thế Giới, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, thịt gà ngoại lấn sân gà nội có rất nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan. GS Võ Tòng Xuân cho rằng, nền công nghiệp chăn nuôi ở nước ngoài cực kì phát triển, bỏ xa Việt Nam.
“Vì công nghiệp chăn nuôi phát triển nên chi phí đầu vào cũng thấp, các nguyên liệu chăn nuôi và công nghệ chế biến họ cũng thấp hơn ở ta nên có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí sản xuất”, GS Xuân nói.
GS. Võ Tòng Xuân, ông cho rằng phải tập trung vào thế mạnh của mình nếu muốn cạnh tranh |
Ông so sánh với cá tra của Việt Nam khi vào thị trường Mỹ cực kì vất vả và bị đánh thuế khá cao. Điều này giúp cho doanh nghiệp của họ cạnh tranh tốt hơn với hàng hóa nước ngoài. Việc hội nhập với hàng rào thuế quan bị gỡ bỏ, không chỉ mặt hàng thịt mà cả ngành chăn nuôi của Việt Nam đều gặp khó khăn.
GS Võ Tòng Xuân cho rằng, cũng khó có thể nói là thịt ngoại phá giá bởi chi phí sản xuất của họ rẻ và thuế nhập khẩu cũng thấp nên giá thành cạnh tranh là điều hợp lý.
Tuy nhiên, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, việc thịt ngoại tràn vào cũng có điểm tích cực, đó là tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng, người tiêu dùng cũng được sử dụng sản phẩm với giá rẻ. Muốn cạnh tranh được với nước ngoài, cần có nhiều thay đổi tích cực hơn.
Theo GS Võ Tòng Xuân, thịt gà ngoại hầu hết là thịt gà công nghiệp, trong khi gà nuôi vườn ở Việt Nam hiện nay rất ngon, chúng ta có thể cạnh tranh tốt với họ ở điều này. Tập trung vào thế mạnh của mình mới có cơ hội cạnh tranh được.
Trí Lâm