Xóa sổ chợ Long Biên, quy hoạch chợ đầu mối: Làm phải ra làm!

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 05:00, 08/07/2015

Theo ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, việc quy hoạch lại các chợ đầu mối là cần thiết. Tuy nhiên, nếu xóa sổ chợ Long Biên, quy hoạch chợ đầu mối thì làm phải ra làm, còn nếu không tốt nhất là nên dừng lại!

Chợ Hà Nội luộm thuộm và mất vệ sinh!

Theo Quyết định Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến 2025, tầm nhìn đến 2035 do bộ Công thương vừa phê duyệt, sẽ có 13 chợ đầu mối trên cả nước phải xóa bỏ, di dời. Trong đó tại Hà Nội, chợ đầu mối Long Biên sẽ bị xóa bỏ hoặc di dời.

Mục tiêu tổng quát của lần quy hoạch này là nhằm phát triển mạng lưới chợ đồng bộ, hài hòa, đáp ứng nhu cầu hàng hóa nông sản cho sản xuất, chế biến và nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của nhân dân, qua đó thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và ổn định đời sống nhân dân.

Bày tỏ quan điểm về Quyết định quy hoạch chợ đầu mối của Bộ Công thương, trao đổi với Một Thế Giới, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, quy hoạch tổng thể mạng lưới chợ, siêu thị ở Hà Nội đã có khá lâu, trong đó có một loạt các chợ đầu mối. Thẳng thắn mà nhìn nhận thì hiện nay các chợ đầu mối của Hà Nội hoạt động không hiệu quả, một số chợ còn không được sử dụng.

Ông Phú cho rằng các chợ đầu mối có tác dụng rất lớn và các ngõ vào thành phố đương nhiên phải có chợ đầu mối. “Phải có chợ đầu mối thì mới quản lý được chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Có chợ đầu mối, các chợ lẻ đến đây lấy hàng đỡ phải qua khâu trung gian. Muốn quản lý được thực phẩm bắt buộc phải đưa vào chợ đầu mối chứ chợ cóc, chợ dân sinh thì không giải quyết được điều này” – ông Phú cho hay.

Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cũng nói thêm, hiện nay, chợ Long Biên, chợ Đền Lừ ở Hà Nội đều hoạt động mạnh nhưng chưa thể quản lý nổi tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm và các vấn đề liên quan khác.

“Hơn nữa, các chợ trên cũng chưa thể gọi là chợ đầu mối, bởi chợ đầu mối phải cách trung tâm thành phố 10-15km, diện tích rộng, có bãi đỗ xe, có kho lạnh, có cơ chế hoạt động chặt chẽ, có hệ thống kiểm nghiệm… “ – ông Phú nhận định.

Làm phải cho ra làm!

Cũng theo ông Vũ Vinh Phú, vấn đề đầu tư quy hoạch các chợ đầu mối thì sớm muộn Hà Nội cũng sẽ làm, nhưng làm thế nào mới là điều quan trọng. Muốn làm phải có tiền, có đội ngũ quản lý, có diện tích mặt bằng…

“Chợ Hà Nội chỉ đáp ứng được mấy chục phần trăm nhu cầu thực phẩm của người dân. Nguồn thực phẩm thiếu phải phụ thuộc các tỉnh phía Nam chuyển ra, gây tốn kém chi phí, giá cả phát sinh. Nhưng làm chợ, vấn đề nổi cộm là nguồn tiền ở đâu? Bao giờ làm? Hoạt động như thế nào? Quản lý ra sao?... Giải quyết vấn đề này không hề đơn giản” – ông Phú đặt nghi vấn.
xoa-so-cho-Long-Bien-quy-hoach-cho-dau-moi-lam-phai-ra-lam-hinh-anh-1
 Ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội
Ông Vũ Vinh Phú so sánh, nhìn sang các nước, ví dụ như chợ đầu mối ở Bangkok, rộng hàng chục ha, cho hàng nghìn tiểu thương hoạt động, có trung tâm kiểm nghiệm đàng hoàng. Nhưng ở Việt Nam thì làm gì đã có ai làm được điều đó.

“Làm chợ đầu mối rất nên, nhưng làm phải làm cho ra làm. Ví dụ như đường 5, hay cầu Thăng Long phải làm một chợ đầu mối, miễn thuế phí cho phương tiện chuyên chở. Chứ nếu mất nhiều phí, thuế thì họ đi thẳng chứ không vào chợ làm gì” – ông Phú lưu ý.

Bên cạnh đó, ông Phú còn nhận định, chợ đầu mối ở Hà Nội rơi vào tình trạng “mang rễ rau vào, mang rác rau ra”.  Đó là tình trạng không sơ chế sản phẩm trước khi vào chợ, mang cả phần bỏ đi của thực phẩm vào rồi lại mang ra. Điều đó khác hẳn một số chợ đầu mối trong miền Nam, họ làm ăn rất bài bản.

“Hơn nữa, chợ đầu mối phải liên hệ được vùng rau, vùng quả ở các địa phương, gần các đầu mối giao thông, có kiến trúc không gian đảm bảo, các hệ thống phòng cháy, chữa cháy, khu sơ chế, khi bán buôn, kiểm nghiệm... Chứ nếu không liên hệ được rau quả phục vụ thì chợ lấy gì mà bán? Nếu nhập ở xa về thì chi phí cao. Làm được điều này không phải dễ” – ông Phú nói.

Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra yếu điểm trong cách quản lý hiện nay là làm không bài bản, vốn ít, quy hoạch không khoa học, cơ chế hoạt động các chợ còn luộm thuộm. "Nếu không tìm ra câu trả lời  cho vấn đề này thì đừng có làm, đã làm phải làm cho ra làm. Hy vọng kế hoạch lần này Hà Nội sẽ làm cho ra làm" - ông Phú nói.
Chợ Long Biên chưa đủ điều kiện là chợ đầu mối

Khi được hỏi về vấn đề chợ Long Biên, khu chợ được xem là chợ đầu mối của Hà Nội, gắn với cây cầu lịch sử nổi tiếng và  có vị trí quan trọng trong lòng người dân. Nếu di dời hoặc xóa sổ chợ Long Biên, phản ứng của người dân chắc hẳn không đơn giản, ông Phú nhận định:

“Chợ Long Biên phải là chợ dân sinh, chứ làm chợ đầu mối ở đó không hề đảm bảo. Chợ đó không đủ điều kiện làm chợ đầu mối. Vì chưa có nên giờ hoa quả, thực phẩm tập trung ở đó hết, nên giờ phải di dời, kết thúc nó đi”.

“Nhưng muốn kết thúc nó thì phải tìm ra được giải pháp thay thế và cách làm phù hợp” – ông Phú kết luận.
Theo Quyết định của Bộ Công thương, tại thủ đô Hà Nội, sẽ giữ nguyên chợ đầu mối Minh Khai (Bắc Từ Liêm). Xoá bỏ di dời chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) giai đoạn đầu từ 2021-2025. Chợ đầu mối Long Biên sẽ bị xóa bỏ hoặc di dời trong giai đoạn từ 2015-2020.

Song song với đó, Hà Nội sẽ xây mới 3 chợ đầu mối nông sản tại xã Phủ Đổng huyện Gia Lâm, phân kỳ đầu tư 2015-2020, chợ đầu mối nông sản tại Quốc Oai từ 2021-2025, chợ đầu mối nông sản tại Phú Xuyên 2021-2025.

Các chợ hạng I sẽ được giữ nguyên ở Hà Nội bao gồm chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Mơ (Hai Bà Trưng), chợ Bưởi (Tây Hồ), chợ Hà Đông (Hà Đông), chợ Nghệ (Sơn Tây), chợ Thị trấn Vân Đình (Ứng Hoà).

Tại TP.HCM, sẽ không xóa bỏ hoặc di dời chợ đầu mối nào mà giữ nguyên 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn; và giữ nguyên chợ hạng I hiện có là chợ Bến Thành.

Tại Đà Nẵng, sẽ giữ lại chợ đầu mối Hoà Cường (Phường Hoà Cường Nam), cải tạo, nâng cấp chợ đầu mối thuỷ sản Thọ Quang. Xây mới chợ đầu mối kinh doanh giết mổ gia súc và kinh doanh nông sản tại Hoà Vang. Giữ nguyên chợ hạng I hiện có là chợ Cồn, Đống Đa, ST Nguyễn Kim, Hoà Khánh.

Trí Lâm

Một Thế Giới