Dậy mùi thiu thối tại các khu chợ phục vụ công nhân

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:28, 30/06/2015

Rau héo, thịt cá ôi thiu được bày bán trong khung cảnh sặc sụi mùi hôi thối, mất vệ sinh. Kinh tế eo hẹp nên việc sử dụng những thực phẩm có chất lượng, tươi ngon là một việc xa xỉ đối với công nhân trong các khu công nghiệp.
Chợ cóc…chạy hàng
Dạo quanh một vòng các khu công nghiệp ráp danh giữa Bình Dương và TP.HCM như Linh Trung, Sóng Thần, Linh Xuân… không khó để bắt gặp hình ảnh những khu chợ cóc, chợ tự phát mọc lên nhan nhản, nhất là lúc tan tầm vào chiều tối.
Chỉ một đoạn đường ngắn dài khoảng chừng 300m nhưng bán đầy đủ các loại thực phẩm hàng ngày như rau củ, thịt cá, trái cây và hàng tiêu dùng.
Các mặt hàng ở đây khá phong phú và đa dạng không kém những khu chợ lớn là bao. Tuy nhiên, tận mắt chứng kiến cảnh buôn bán thịt thừa, cá ôi, rau héo… diễn ra khá tấp nập khiến không ít người phải e ngại. Quan sát kĩ sẽ thấy những miếng thịt, con cá đã có mùi hôi và xung quanh đầy ruồi nhặng. Mặc dù không đảm bảo chất lượng nhưng kẻ bán người mua vẫn đông đúc, nhộn nhịp.
“ Do khoc, do cuoi” voi cac khu cho cong nhan-hinh-anh-1
Rau củ tại các chợ cóc công nhân không còn được tươi xanh (Ảnh: PD) 
So với các khu chợ lớn, giá thực phẩm tại các khu chợ cóc công nhân thường rất rẻ. Nếu như tại chợ lớn, giá một kg thịt heo loại thường có giá ít nhất là 85.000 đồng/ kg thì chợ cóc chỉ có giá tầm 50.000 – 60.000 đồng/ kg. Trứng gia cầm cũng tương tự. Trứng gà, vịt thường chưa đến 25.000 đồng/ 1 chục, trong khi tại các chợ lớn không bao giờ có giá dưới 30.000 đồng/ 1 chục. Thậm chí, nếu kì kèo trả giá thì công nhân vẫn có thể có được giá thấp hơn.
Còn đối với rau củ, hầu như các mặt hàng này đã héo, không còn tươi xanh nhưng vẫn đông người mua. Đặc biệt, các loại củ như hành tây, cà rốt, khoai tây được đổ đống bán với giá vô cùng rẻ bèo, chỉ chừng 7.000 đồng/ 1kg. Thế nhưng, các củ này đều có xuất xứ từ Trung Quốc chứ không phải hàng Đà Lạt chính gốc.
“ Do khoc, do cuoi” voi cac khu cho cong nhan-hinh-anh-2
 Khung cảnh nhếch nhác với rác và thực phẩm (Ảnh: PD)
Theo một số công nhân, sở dĩ ở đây có giá rẻ bởi các thực phẩm này chủ yếu hàng tồn được dồn từ các chợ lớn về. Sáng bán không hết hàng nên các tiểu thương đem vào các khu công nghiệp bán cho công nhân vào tầm tan ca chiều tối.
Chị Ngô Thị Tâm (24 tuổi, quê Nghệ An) hiện đang là công nhân tại Khu công nghiệp Sóng Thần, cho biết mặc dù biết thực phẩm không ngon nhưng vẫn mua bởi phù hợp với túi tiền.
“Lương công nhân ba cọc ba đồng thì đâu dám mua đồ ăn tươi ngon, chỉ cần giá rẻ là được rồi. Đồ không ngon nhưng hàng nghìn con người hàng ngày vẫn ăn nó đấy thôi. Nếu mua thịt mà có mùi tí thì mua thêm ít chanh, muối về rửa sạch là hết mùi ngay. Còn rau củ thì héo chút nhưng vẫn ăn được là tốt rồi. Quan trọng là nó rẻ thôi.”
Phan Diệu 
Muôn kiểu tiết kiệm
Lương thấp nên việc các công nhân dè sẻn trong việc chi tiêu là chuyện dễ hiểu. Không ít người dù lương “bèo bọt” nhưng vẫn dành đủ tiền để lo cho việc lớn như mua xe, mua nhà…
Chị Phạm Thị Hồng Nhung và chồng cùng làm việc tại khu chế xuất Linh Trung. Mỗi tháng có tăng ca thì lương 2 vợ chồng vỏn vẹn 10 triệu đồng. Với số tiền đó, 2 vợ chồng phải lo cho 4 người ăn cùng 2 đứa con đang tuổi ăn học. Mặc dù vậy gia đình chị vẫn gom góp được một số tiền để chuẩn bị mua một căn nhà xã hội 100 triệu tại Bình Dương.
Để gom góp số tiền đó, chị Nhung cho biết 2 vợ chồng đã tiết kiệm và gom góp trong nhiều năm. Theo chị Nhung, mỗi ngày cả gia đình 4 người ăn của chị chỉ dám bỏ ra chưa đến 100.000 đồng cho 3 bữa ăn. Vì vậy, chị phải chọn mua thực phẩm càng rẻ càng tốt. Chưa kể là tiền sữa và các chi phí tiêu dùng hàng ngày.
Bên cạnh đó, tiền thuê trọ và gửi con vào nhà trẻ cũng đã ngốn hết 1/3 thu nhập của 2 người. Thế nên, chị Nhung chọn cách gửi con vào các trường sơ thay vì gửi tư nhân bởi chị cho rằng trường này giá vừa rẻ lại an tâm.
“ Trừ hết chi phí thì mỗi tháng 2 vợ chồng chỉ tiết kiệm được hơn 1 triệu. Đó là lúc bình thường, còn con đau ốm hay đám cưới, đám hỏi, ma chay thì coi như hết.”
Chưa có con như chị Nhung nên chị Phan Thị Mùi ( 22 tuổi, công nhân tại khu công nghiệp Sóng Thần) vẫn dành cho mình một khoản tiền tiết kiệm. Lương và thu nhập tăng ca của chị Mùi mỗi tháng gần được 6 triệu đồng.
Chị Mùi cho biết, để sống được với đồng lương ấy thì phải có “chiến thuật”. Và “chiến thuật” của chị là xài tiền theo thứ tự ưu tiên, tức là dành riêng những khoản chi cố định như tiền trọ, tiền ăn uống, tiền điện nước và điện thoại.
Để tiết kiệm, chị Mùi cố gắng chọn những khu chợ có giá bán rẻ. Chị Mùi cho biết cùng một mặt hàng nhưng sẽ có chợ bán rẻ bán đắt nên chỉ cần dạo quanh một vòng hỏi giá là biết được ngay. Bên cạnh đó chị hạn chế la cà quán xá, siêu thị bởi chị cho rằng mình sẽ dễ bị “mềm lòng” và mua những thứ chưa thực sự cần thiết. Không những vậy, chỉ nấu ăn ở nhà chứ không bao giờ ăn ngoài.
Thay vì đi xe máy hao xăng thì chị chọn cách đi xe đạp, vừa tiết kiệm vừa rèn luyện sức khỏe. Để tiết kiệm điện nước, chị cho biết nên dùng các loại thiết bị ít tiêu hao điện và tắt khi không cần thiết.
Và cuối cùng là chị gửi ngay số tiền tiết kiệm được vào tài khoản ngân hàng để tránh tiêu xài.
Phan Diệu

Một Thế Giới