Trái cây xuống giá, nông dân đốn vườn

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:27, 20/05/2015

Nhiều vườn cây ăn trái ở miền Tây đang bị bỏ phế, thậm chí chặt bỏ... vì trái chín đầy vườn nhưng không có người mua.
Những trái cây đang rơi vào cảnh thê thảm này chủ yếu là giống ngoại như ổi lê Đài Loan, mít siêu Thái Lan và xoài Đài Loan, từng “sốt” giá và được nông dân ĐBSCL trồng ổ ạt cách đây không lâu.
"Chưa bao giờ rớt thê thảm thế này"
Đã 2 tuần nay, ông Phan Văn Sĩ (55 tuổi, ấp Thuận Hưng, thị trấn Ngã Sáu, H.Châu Thành, Hậu Giang) bỏ phế vườn ổi lê Đài Loan rộng 8 công (8.000 m2), dù đang tới độ thu hoạch rộ. 
Cầm chùm ổi chín trên tay, ông Sĩ sầu não: “Tôi hiện có khoảng 12 tấn ổi chín lẽ ra phải đi hái bán thì bây giờ lại làm cái việc đứt ruột là chặt bỏ vườn”. Ông Sĩ bảo: “Chưa bao giờ ổi lại rớt giá thê thảm thế này”. Trong vòng mấy tháng, ổi từ 9.000 đồng/kg chỉ còn 500 - 600 đồng/kg.
“Với giá này, chắc chắn lỗ nặng vì công hái mỗi ngày đã tốn hơn 200.000 đồng/người, tương đương hơn 300 kg ổi, nhưng thương lái mỗi ngày chỉ mua khoảng 400 kg”. Tay cầm dao chặt bỏ những cây ổi trĩu quả, bà Nguyễn Thị Chế Linh (45 tuổi, vợ ông Sĩ) nói như khóc: “Bán lỗ cũng được, miễn là không phải bỏ phế, nhưng khổ nỗi giờ chẳng còn ai hỏi mua. Gọi điện thì họ không thèm nghe. Mình không chặt thì giữ lại làm gì”. 
“Bán lỗ cũng được, miễn là không phải bỏ phế, nhưng khổ nỗi giờ chẳng còn ai hỏi mua. Gọi điện thì họ không thèm nghe. Mình không chặt thì giữ lại làm gì”
Bà Nguyễn Thị Chế Linh, chủ vườn ổi lê Đài Loan 8.000 m2
Ông Sĩ cho biết năm 2012 - 2013 bệnh vàng lá gân xanh tàn phá 500 ha cam sành của địa phương, 80% diện tích phải phá bỏ. Trong khi đó, ổi lê Đài Loan gây sốt với giá lên đến 11.000 đồng/kg. “Vậy là năm 2013 tôi đi kiếm giống về trồng. Sau 8 tháng, tôi thu hoạch ổi vụ đầu tiên. Trong vòng 1 năm, 8 công thu lãi hơn 400 triệu đồng”, ông Sĩ kể lại. Trước hiệu quả kinh tế “khủng” của cây ổi lê Đài Loan, những năm 2013 - 2014, nhà vườn đổ xô tìm mua giống ổi về trồng, nhưng kể từ đó giá ổi cũng bắt đầu giảm dần.
Cùng cảnh ngộ gia đình ông Sĩ là hàng ngàn hộ dân ở các huyện Kế Sách (Sóc Trăng), Châu Thành (Đồng Tháp), Phong Điền (TP.Cẩn Thơ)... Ông Vũ Bá Quan, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Kế Sách, nói: “Huyện hiện có 1.000ha ổi đang vào vụ thu hoạch nhưng mấy bữa nay giá rớt thê thảm quá nên chúng tôi đang tính cùng nhà vườn phá bỏ 500 ha để chuyển đổi cây khác. Diện tích còn lại sẽ tập trung nâng chất lượng”.
6 năm 4 lần thay cây trồng
Cũng như ổi lê Đài Loan, cách đây 2-3 năm giá mít siêu Thái Lan luôn dao động ở mức 10.000 - 12.000 đồng/kg và xoài Đài Loan có lúc lên đến 25.000 - 30.000 đồng/kg. Cả hai loại cây này nhanh cho trái, kể từ ngày xuống cây giống đến khi thu hoạch chỉ mất hơn 1 năm. Dễ trồng, mau cho thu hoạch, giá cao là những yếu tố khiến diện tích ổi lê Đài Loan, mít siêu Thái Lan và xoài Đài Loan nhanh chóng nhân rộng lên hàng chục ngàn héc ta ở ĐBSCL.
Ông Nguyên Văn Liếp (55 tuổi, xã Hiệp Lợi, TX.Ngã Bảy, Hậu Giang) cho biết ông có khoảng 1.600 cây mít từ 2 - 3 năm tuổi, nhưng hiện đã chặt bỏ 400 cây, số còn lại sẽ thuê máy nhổ gốc ngay trong tháng này. “Giá mít còn 4.000 đồng/kg, không có lời nên tôi quyết định chặt bỏ vườn để trồng chanh không hạt, nghe bảo lời gấp 5 - 7 lần trồng mít” ông Liếp quả quyết.
Còn gia đình bà Nguyễn Thị Hồng (62 tuổi, ấp Tân Hưng, thị trấn Ngã Sáu), có 1,1 ha đất nhưng 6 năm qua đã thay đổi cây trồng đến 4 lần. Bà Hồng thống kê: “Ban đầu tôi trồng xoài bưởi, sau đó thấy mít có giá thì chuyển qua trồng mít xen cam sành. Thu hoạch được 1 năm, mít cho trái bị sơ múi đen nên đành chặt mít chuyển sang trồng xoài Đài Loan, rồi cam sành cũng phải chặt hết vì bệnh vàng lá gân xanh”. Hiện tại, bà Hồng có khoảng 400 cây xoài Đài Loan, nhưng 5 tháng trở lại đây giá xoài giảm từ 17.000 - 18.000 đồng xuống còn 6.000 - 7000 đồng/kg. “Cứ đà này, tôi không biết rồi sẽ chuyển sang trồng cây gì nữa” bà Hồng lo lắng.
"Nông dân bị bỏ mặc"
Trao đổi với PV  về tình cảnh nêu trên của nông dân, GS- TS Võ Tòng Xuân đã thốt lên: "Khổ thật! Không có nông dân nước nào trên thế giới lại như ở ta, cứ trồng rồi chặt, trồng rồi chặt". GS Xuân phân tích: "Lý do là nông dân đang bị bỏ mặc, quản lý nhà nước lo không được, doanh nghiệp cũng bỏ. Thương lái mua gì, họ trồng thứ đó. Thấy cây này có giá thì đổ xô bắt chước nhau trồng. Cung vượt cầu, giá xuống rồi lại chặt, trồng cây khác. Vòng luẩn quẩn đấy mãi không có lối ra". Để giải quyết thực trạng này, GS Xuân cho rằng: "Quản lý nhà nước và doanh nghiệp cần phải có thông tin thị trường, tổ chức cho nông dân sản xuất theo nhu cầu, đặt hàng; đồng thời có quy hoạch vùng sản xuất phù hợp từng nơi".
Đình Tuyển/ Thanh Niên

Một Thế Giới