Năm 2014, người tiêu dùng ăn 26.000 tấn thịt trâu giả bò
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:26, 11/04/2015
Năm 2014, đã có 26.000 tấn thịt trâu được nhập khẩu từ Ấn Độ và một số nước khác vào Việt Nam, tuy nhiên trên thị trường không thấy bán thịt trâu nhập khẩu. Vậy, có hay không lượng thịt trâu này đã được làm giả thành thịt bò để đưa vào thị trường tiêu thụ?
Ngày 9.4, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Chống hàng giả: Cần sự quyết liệt của nhiều ngành”.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Cẩn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389/QG cho biết, trong năm 2014, Ban chỉ đạo 389 và Cục Quản lý thị trường (QLTT) đã phát hiện có trên 26.000 tấn thịt trâu được nhập khẩu từ Ấn Đ và một số nước khác (theo tờ khai của hải quan), tuy nhiên khảo sát trên thị trường thì không hề lượng thịt trâu này được bán ra.
"Vậy có hay không việc 26.000 tấn thịt trâu này được đưa vào bếp ăn để giả thịt bò?", ông Cẩn đặt nghi vấn.
Ông Nguyễn Trọng Tín – Phó Cục trưởng Cục QLTT, Bộ Công Thương cũng cho biết, đối với vụ 26.000 tấn thịt trâu nghi giả thịt bò để tiêu thụ, Cục đã giao cho chi cục QLTT TP Hà Nội trực tiếp xử lý.
Cụ thể, theo báo cáo của ông Hoàng Đại Nghĩa- Đội trưởng Đội QLTT số 14, Chi cục QLTT TP Hà Nội thì vụ việc này đã có sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389/QG. Theo đó, việc nhập khẩu thịt trâu và kinh doanh thịt trâu là không sai, có giấy phép, có thông quan. Tuy nhiên lại vướng mắc ở vấn đề tiêu thụ.
"Chúng tôi không nhận được phản ánh nào của người tiêu dùng về việc mua phải thịt trâu giả thịt bò. Tuy nhiên, đối với vấn đề này cũng cần phải tăng cường tuyên truyền, răn đe và cảnh báo", ông Nghĩa nói.
Ngoài mặt hàng thịt trâu, Ban chỉ đạo 389 và Cục QLTT còn phát hiện rất nhiều mặt hàng khác bị hàng giả, trong đó chỉ yếu là nhóm mặt hàng rươu, nước giải khát, mỹ phẩm, phân bón, vật tư nông nghiệp, bột ngọt...
"Tuy nhiên, trong số trên 21.000 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả thì chỉ có 11 vụ chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để truy tố trước pháp luật", ông Tín cho biết.
Lý giải nguyên nhân về việc này, ông Trần Đức Vĩnh – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) cho rằng, có nhiều vụ chỉ xử lý hành chính mà chưa hình sự là vì vướng mắc luật pháp.
Theo đó, khái niệm hàng giả có nhiều văn bản định nghĩa khác nhau nên việc hiểu thống nhất về hàng giả giữa các cơ quan thực thi thì phải căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm xử lý, mà cụ thể là Luật, trong khi Luật chưa đầy đủ đã dẫn đến khó khăn với công tác xử lý.
Ông Vĩnh cũng cho biết, có nhiều vụ cơ quan điều tra phải gửi mẫu sang Ý để xác định là hàng giả hay hàng thật của hãng Ý sản xuất, cho nên trong quá trình kiểm tra có hàng giả lẫn hàng thật thì dù giám định cũng rất khó khăn.
Lấy ví dụ thêm về vấn đề mà ông Vĩnh vừa nêu, ông Lê Thế Bảo- Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả Việt Nam cho biết, đất nước Thụy Sĩ chỉ sản xuất 26 triệu đồng hồ, nhưng trên thế giới lại có khoảng 40 triệu đồng hồ mang danh Thụy Sĩ.
"Việt Nam hiện nay có 30 ngành hàng bị làm giả trầm trọng là mỹ phẩm, rượu, bia, nước giải khát, điện tử, điện lạnh, trang trí nội thát, thuốc chữa bệnh, dệt may, quần áo, tôn sắt kẽm, dây cáp điện, vật liệu xây dựng- xi măng… Tất nhiên thực trạng hàng giả ở Việt Nam có nhiều nguyên nhân và không thể nói ngày một ngày hai giải quyết được", ông Bảo nhận định.
Ông Nguyễn Văn Cẩn cũng cho biết thêm, trong thời gian tới đây, bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng thì vẫn cần sự ủng hộ, hỗ trợ của toàn xã hội, đặc biệt là cơ quan truyền thông, quần chúng nhân dân là vô cùng quý báu, góp phần đẩy lùi, hạn chế tình trạng hàng giả.
Duyên Duyên