Thêm một mùa dưa hấu 'đắng'

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 16:31, 07/04/2015

Dưa đắng vì năm nay nhiều hộ trồng dưa mất trắng bởi cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) tiếp tục tắc nghẽn, lại thêm trận lũ bất thường cướp trắng hàng chục héc – ta dưa hấu của bà con Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Chất đống cả tuần

Như một điệp khúc đau lòng, cứ đến vụ dưa hấu, thanh long, hàng nghìn xe tải lại nối đuôi nhau phơi nắng vì tắc nghẽn ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) khiến hàng không thể xuất đi được, dẫn đến thối, hỏng và nông dân lại mất trắng. 
Cả tuần nay, nhiều người nông dân bám trụ quanh khu vực cửa khẩu với chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhưng mỗi ngày chỉ nhích được vài mét đường.
them-mot-mua-dua-dang-hinh-anh-1
 Dưa hấu hỏng do tắc nghẽn nhiều ngày tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) 
Nguyên nhân của tình trạng này được bà Nguyễn Thị Ngân (Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh) cho biết, mỗi ngày, khu vực cửa khẩu Tân Thanh tiếp nhận khoảng 600 – 700 xe chở hàng nông sản, chủ yếu là dưa hấu, thanh long, bình quân mỗi xe chở 20 tấn hàng.
Dù thủ tục hải quan chỉ mất khoảng 1 phút/xe, tuy nhiên do kho bãi của phía Trung Quốc chỉ có thể tiếp nhận tối đa ở mức 300 xe/ngày. Vì vậy, lượng xe phải chờ hàng ngày vào khoảng 400-500 xe với 8.000-10.000 tấn dưa và càng tăng qua mỗi ngày.
Theo bà Ngân, tình trạng ùn ứ còn kéo dài qua Tết Thanh Minh khi Trung Quốc không mua dưa hấu với số lượng nhiều nữa.
Người nông dân ngao ngán vì hàng hóa bị nắng đã thâm đen, thối, hỏng. Có những xe được thông quan thì vì xếp hàng chờ quá lâu mà chất lượng quả đi xuống, phía đối tác trả lại, đành phải bán với giá rẻ mạt cho người dân trong nước.
“Chúng tôi không nhúc nhích được bao nhiêu trong mấy ngày xếp hàng ở đây. sinh hoạt ngay tại đây, trong mấy ngày tốn kém cả vài triệu đồng vì thứ gì cũng đắt đỏ. Dưa thì chất lượng xuống dần, không thể đợi được nên đành phải đem bán với giá rẻ ngay tại đây. Năm ngoái, có lúc phải bán 1.000/kg” – Một chủ xe cho biết.
Năm ngoái, tình trạng tương tự cũng đã diễn ra. Trước tình hình dưa hấu đang bị ùn ứ ở cửa khẩu Tân Thanh, các chủ hàng buộc phải bán tháo tại chỗ hoặc đưa về Hà Nội bán với giá rẻ, do không xuất được sang Trung Quốc. Hàng loạt tuyến phố Hà Nội như: Lê Văn Lương, Nguyễn Xiển, Phạm Hùng, Cầu Diễn… bất ngờ trở thành tuyến phố bán dưa hấu trong nhiều ngày liền.
Lực lượng công an tỉnh Lạng Sơn đã phải huy động lực lượng đến những khu vực này để điều tiết giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, đồng thời huy động lực lượng CSGT chặn xe ở khu vực ngã ba Ma Mèo của xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng không cho xe chở nông sản lên tiếp để tránh ùn tắc và hỗn loạn giao thông ở khu vực gần cửa khẩu.
Dưa hấu ngập trong bùn
Biên giới phía Bắc dưa hỏng vì nắng thì ở Quảng Nam, dưa của nông dân lại điêu đứng vì lũ trái mùa. Do mưa lớn bất thường, nước ở các con sông tại Quảng Nam dâng cao đột ngột, nhiều mực nước sông như Thu Bồn, Vu Gia, Ái Nghĩa, Giao Thủy…lên đến 6-7m, trên mức báo động 1.
them-mot-mua-dua-dang-hinh-anh-2
 Ruộng dưa hấu sau cơn lũ bất thường tại Quảng Nam
Theo đó, hàng trăm héc–ta hoa màu bị lũ nhấn chìm, dưa hấu đang sát kì thu hoạch bị cuốn trong biển nước. Khi nước rút, nhiều hộ dân vớt vát  lượng dưa còn lại gỡ gạc được chút nào hay chút đó.

Các thương lái đã từng đặt cọc tiền mua dưa thì sau trận lũ họ đến đòi tiền lại vì dưa không còn đạt chất lượng như trước nữa, nhiều diện tích dưa còn non, chưa đến kì thu hoạch cũng buộc các hộ nông dân phải thu hoạch để cố vớt vát.

Cũng bởi vậy mà mỗi hộ nông dân nơi đây thiệt hại trên dưới trăm triệu đồng, cả chi phí bỏ ra trồng trọt nay có nguy cơ mất trắng, không thu hoạch lại được.

Theo thống kê của phòng nông nghiệp huyện Đại Lộc – tỉnh Quảng Nam, huyện có thiệt hại nặng nề nhất do ảnh hưởng của mưa lũ bất thường lên đến khoảng 30 héc-ta dưa hấu bị ngập trong nước lũ. Những hộ nông dân canh tác loại hoa màu khác cũng không tránh khỏi thảm cảnh tương tự với dưa hấu.
them-mot-mua-dua-dang-hinh-anh-3
 Nhiều cá nhân, đơn vị đứng ra bán dưa giúp người dân Quảng Nam giảm thiểu thiệt hại do lũ
(Ảnh VNE)
Trước tình hình đó, nhiều cá nhân, tổ chức cũng đã đứng ra bán hộ dưa hấu cho bà con nông dân với giá khoảng 4.000-5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, con số bán mỗi ngày chỉ khoảng vài tấn, trong khi số dưa hấu cần tiêu thụ lên đến hàng trăm tấn.

Hoàng Long (Tổng hợp)

Một Thế Giới