Ông Ngô Trí Long: 'EVN đừng chỉ biết vơ lợi về phía mình'

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:48, 16/03/2015

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc Tập đoàn EVN so sánh chi phí điện đầu ra với các nước khác để cho rằng giá điện của Việt Nam còn thấp là không thỏa đáng. Nếu so sánh thì cần phải so sánh cả chi phí đầu vào mới hợp lý. EVN không nên dành lợi về phía mình mà hãy biết chia sẻ với người dân.
Ngày 16.3, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức buổi tọa đàm "Kiên trì điều hành giá theo thị trường - Nhìn từ giá xăng và giá điện" với sự tham gia của các khách mời là đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và chuyên gia kinh tế.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng thời đánh giá về việc điều chỉnh giá điện tăng 7,5% kể từ hôm nay, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trong bối cảnh hội nhập thì điều này là hợp lý.
"Chúng ta đang hội nhập ngày càng sâu và trong năm 2015, nhiều hiệp định thương mại sẽ được ký kết. Trong bối cảnh nền kinh tế chúng ta vận hành theo cơ chế thị trường, thì giá trong nước phải hội nhập với giá thế giới, nên việc so sánh giá trong nước với thế giới là cần thiết, nhưng không phải mọi loại sản phẩm chúng ta đều so sánh", ông Long nhận định.
Theo ông Long, như với lĩnh vực xăng dầu hiện nay, Việt Nam đang phải nhập khoảng 70% lượng tiêu dùng thì việc so sánh với giá thế giới là cần thiết. Nhưng với ngành điện lực là ngành chúng ta còn độc quyền, độc quyền trên cơ sở nhất quán theo cơ chế thị trường. 
Điều đó có nghĩa, thị trường cạnh tranh thì giá do thị trường quyết định, còn trên thị trường độc quyền thì giá do Nhà nước quyết định, mà giá Nhà nước quyết định cũng phải theo nguyên tắc thị trường. Giá Nhà nước định có nghĩa là phải bù đắp đủ các chi phí cho các đối tượng sản xuất kinh doanh, đồng thời có mức lãi thỏa đáng.
"Nói như vậy không có nghĩa là Tập đoàn EVN tuyên bố giá điện tăng lên 8,5 cent cũng chưa bằng mức giá trần giá trần của ASEAN (giá trần của ASEAN là 9 cent) là hợp lý. Cách so sánh của EVN như vậy là khập khiễng. Tôi cho rằng nếu là ngành độc quyền thì chi phí phải cụ thể. Hiện nay, để việc tăng giá có thể thuyết phục người tiêu dùng thì EVN phải tính toán lãi đầu vào, chứ không tính toán lãi đầu ra", ông Long cho biết.
Theo phân tích của ông Long, nếu so sánh giá đầu vào của Việt Nam với các nước khác thì sẽ thấy còn thấp. Ví dụ như lương của người dân Việt Nam không thể bằng với các nước khu vực. Hay năng suất lao động, các yếu tố khác như bảo hiểm, rủi ro trong sử dụng điện... cũng không có. 
"Cho nên để lợi về phía mình EVN đã so sánh giá đầu ra với các nước chứ không dám so sánh giá đầu vào. Điều này là hoàn toàn bất hợp lý. 
Theo tôi, với cơ chế 2 giá, nước ngoài môt giá và trong nước một giá đã khiến chúng ta không thu hút được nước ngoài đầu tư vào. Nếu trong bối cảnh chúng ta quản lý chặt ngành điện, mà chi phí hợp lý, tiết kiệm, thêm vào đó, trong cùng một điều kiện năng suất lao động, tiền lương, cơ cấu thủy điện... mà thực sự giá điện ở Việt Nam thấp so với các nước khác thì chắc chắn sẽ thu hút được đầu tư từ phía nước ngoài", ông Long nói.
Ông Long cũng cho rằng, Tập đoàn EVN không nên vì lý lẽ, lấy so sánh mặt bằng các nước như so sánh với Singapore hiện nay 21cent/kWh để đem ra so sánh với Việt Nam. Vì ở Singapore họ dùng nguyên liệu toàn dầu, còn Việt Nam dùng gần 40% là thủy điện, mà giá điện tạo ra từ thủy điện chỉ bằng một nửa giá thành điện hóa.
"Tôi cho rằng, EVN không nên so sánh như vậy để dành lợi về phía mình mà hãy biết chia sẻ, tạo điều kiện để nâng cao năng suất lao động, hoạt động hiệu quả hơn, làm cho chi phí thấp, giá thành thấp, như vậy, không những có lợi cho người dân, đồng thời tạo hiệu ứng quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài vào", ông Long nhận định.
Duyên Duyên

Một Thế Giới