Giá cước vận tải vẫn “cãi” giá xăng
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:27, 25/12/2014
Đại diện ngành hàng vận tải đổ lỗi cho ngành tiêu dùng
Mức giảm 2,050 đồng với xăng Ron 92 gần gấp đôi mức giảm kỷ lục 1,140 của ngày 22.11 vừa qua. Liên tiếp những lần giảm giá xăng dầu trong năm 2014 đã cho thấy nỗ lực của Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng trong điều hành quản lý xăng dầu, đã phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, có thể nói “niềm vui” của người dân vẫn chưa trọn vẹn khi giá cả các mặt hàng tiêu dùng vẫn giữ mức… “ổn định”, không chịu giảm. Các DN và tiểu thương kinh doanh hàng tiêu dùng đều chung “lý giải”, giá mặt hàng tiêu dùng vẫn ở mức cao bởi lẽ, giá cước vận tải chưa giảm. Nhiều DN khác cũng cho rằng, giá các mặt hàng trang thiết bị gia đình không giảm vì… đã giảm tới đáy.
Xăng giảm giá, nhưng giá cả hàng tiêu dùng vẫn ở mức... "ổn định" |
Trao đổi với PV xung quanh vấn đề này, ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: Việc xăng dầu giảm giá sâu ngày 22.12, chắc chắn DN vận tải cũng đều tính toán để có kế hoạch giảm giá cho phù hợp. Nhưng phải có thời gian, chứ không phải chuyện xăng dầu giảm giá hôm nay thì ngày mai DN vận tải có thể giảm giá cước. Việc này liên quan tới những vấn đề cụ thể như sau:
Thứ nhất, xăng dầu chuẩn bị giảm giá trong vòng 15 phút, quyết định giảm giá trong vòng 1 tiếng, bí mật thời gian giảm giá. Nhưng đối với các DN vận tải, việc điều chỉnh giá được luật pháp cho phép, DN có 5 ngày tính toán, kể từ thời điểm yếu tố đầu vào có biến động, để xác định mức giá cước phù hợp. Sau đó, gửi hồ sơ thủ tục lên cơ quan chức năng, và 5 ngày sau khi gửi sẽ có kết quả trả lời chấp thuận hay không. Nếu không nhận được trả lời có nghĩa rằng DN cứ thế thực hiện. Quy trình làm thủ tục điều chỉnh giá cước ít nhất phải 10 ngày, nay giá xăng dầu mới giảm 2 ngày thì DN chưa kịp trở tay để giảm giá ngay được.
Thứ hai, cước vận tải Nhà nước cho phép thị trường quyết định điều tiết. Khi yếu tố đầu vào giảm, DN vận tải nào không giảm giá cước thì khách hàng sẽ quay lưng lại với DN vận tải ấy. Nên tự DN vận tải đều phải biết điều chỉnh để giữ chân khách hàng.
Thứ ba, cước vận tải thực tế chỉ ảnh hưởng phần lớn đến giá cước của các hành khách đối với các DN kinh doanh hành khách như tuyến cố định, liên tỉnh, taxi. Còn đối với vận tải hàng hóa, hiện có thể nói là không còn chuyện các chủ hàng ký hợp đồng vận chuyển với các DN vận tải theo tháng theo quý nữa. Nếu ký chăng nữa cũng quy định rõ khi cơ cấu đầu vào tăng hay giảm 10% thì sẽ điều chỉnh hợp đồng.
Thực tế, việc giá xăng tăng hay giảm không ảnh hưởng nhiều tới đời sống dân sinh. Ví dụ, các tiểu thương rau củ quả ở TP Hà Nội hay TP.HCM đều yêu cầu các DN vận tải chở hàng theo kiểu “cưa đứt, đục suốt, tiền trao, cháo múc” theo từng chuyến, chứ không ký hợp đồng dài hạn. Các doanh nghiệp tiêu dùng khác cũng thế, họ không dại gì buộc DN vận tải hàng hóa phải giảm giá cước chuyến ngay khi giá xăng dầu giảm. Nếu DN vận tải hàng hóa nào không giảm giá cước thì chỉ có mất khách.
Theo ông Thân Văn Thanh, đối với các DN vận tải hành khách (tuyến cố định, taxi…), đặc biệt các DN taxi, cần xác định giá cước các DN vận tải kê khai ở thời điểm nào, khi đó giá xăng dầu ở mức bao nhiêu. Như vậy mới có cơ sở xác định giá cước mà các DN ấy đang áp dụng đắt hay rẻ, có phù hợp hay không.
Cần có biện pháp “thu hồi tước đoạt” những chênh lệch vô lý
Liên quan tới vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: Vận tải nằm trong danh mục phải kê khai giá. Theo tính toán, trong cơ cấu vận tải, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 40%, việc các DN vận tải chỉ giảm 5-7% như vừa qua là không ăn thua, thậm chí có DN còn không giảm là điều rất vô lý. Cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát hiệu quả hơn để bảo vệ người tiêu dùng, vì cước vận tairi ảnh hưởng đến việc tăng hoặc giảm giá cả hàng hóa.
Thực tế, giá của các mặt hàng tiêu dùng của ta ở mức cao, cũng do hệ thống phân phối lòng vòng, qua nhiều “cầu”, nhiều khâu trung gian. Trong khi giá cước vận tải không giảm, hoặc giảm không phù hợp thì đương nhiên giá tiêu dùng… không giảm. Mặt khác giá dịch vụ của ta cũng ở mức rất cao, không phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân. Ví dụ như, cắt tóc, xe ôm, đánh giày, ăn uống… đều ở mức cao. Vô lý ở chỗ, khi giá xăng tăng thì giá các dịch vụ này tăng ngay và thường không giảm hoặc giảm nhỏ giọt.
Theo ông Vũ Vinh Phú, cơ quan chức năng cần phải tăng cường trách nhiệm quản lý, nếu phát hiện các DN vi phạm về giá cả, thì cần xử lý mạnh tay, và “thu hồi, tước đoạt” những chênh lệch vô lý. Hiện tại, có thể thấy mặc dù cơ quan chức năng của ta hàng năm cũng “tăng cường” kiểm tra thanh tra nhưng có thể nói việc xử lý sai phạm chưa đạt được như kỳ vọng của người dân.
Sỹ Hào (Pháp luật & Xã hội)