Một người tâm huyết ủng hộ hàng Việt và đã thành công tại TP.HCM
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:32, 22/10/2014
TP.HCM là địa phương tiên phong vận động người dân ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Đã 5 năm trôi qua kể từ khi chính quyền thành phố bắt tay “chuyển từ lời nói sang hành động”, mạnh mẽ vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với nhiều hoạt động thiết thực thu hút người dân và doanh nghiệp ủng hộ hàng Việt.
Kết quả người dân TP.HCM đã có đến 96% người quan tâm đến cuộc vận động này, 73,4% người dân được khảo sát ngẫu nhiên đã trả lời “khi mua hàng hóa, hàng Việt Nam là ưu tiên lựa chọn hàng đầu”. Thế nhưng, ít người biết rằng thành công cho chiến lược này, có vai trò định hướng quan trọng của một con người tâm huyết - đó chính là đồng chí Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Một cuộc vận động thành công
Theo kết quả khảo sát công khai của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM thì đến 96% người được khảo sát đã trả lời “rất quan tâm” hoặc “quan tâm có mức độ” đến Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó có 67,3% người bày tỏ “rất quan tâm”, 28,7% “quan tâm có mức độ” về Cuộc vận động; 73,4% người tham gia cuộc khảo sát khẳng định “khi mua hàng hóa, hàng Việt Nam là ưu tiên lựa chọn hàng đầu”; 62,8% cho biết đã “khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen nên mua hàng Việt Nam”; có 28% trả lời rằng, trước đây có thói quen mua hàng có nguồn gốc xuất xứ nước ngoài nay đã dừng mua, hoặc mua ít hơn, thay vào đó là mua hàng Việt Nam. Đó là những thành công.
Thực vậy, ngày nay câu nói “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại TP.HCM đã trở thành một câu nói quen thuộc với đại đa số người dân thành phố. Quen thuộc đến nỗi, theo khảo sát độc lập của nhóm PV thì 100% bạn đọc được hỏi trực tiếp đều trả lời từng nghe đến câu nói này, và nghe thường xuyên. Có thể nói, trong một thị trường mở cửa hội nhập và hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới, việc ngăn chặn hàng ngoại hay “bảo hộ độc quyền” cho hàng nội là điều không thể. Chính vì vậy, có thể nói chiến lược tuyên truyền và công tác dân vận người dân ủng hộ hàng Việt chính là “bí quyết” giúp tỷ lệ hàng hóa Việt Nam trong số hàng hóa đang bán ở các chợ “duy trì” ở mức 80%, tại các siêu thị trên 90%.
Theo ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM phân tích: TP.HCM là một trung tâm kinh tế lớn nhất nước, đóng góp 21% GDP cả nước, có tốc độ tăng trưởng GDP bằng 1,7 lần mức tăng trưởng của cả nước trong hơn 3 năm qua; trong khi chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn, chỉ bằng 67% mức tăng CPI của cả nước, không để biến động giá. Trong 9 tháng đầu năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12,5%, nếu loại trừ yếu tố biến động giá thì tăng 7,4%. Xuất khẩu tăng trưởng bình quân 8%/năm và cán cân thương mại liên tục đạt xuất siêu từ năm 2011 đến nay.
Đồng chí Bí thư Thành ủy này cũng khẳng định: Các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp thành phố với tư cách là người tiêu dùng, người sản xuất đã tích cực hưởng ứng chủ trương rất hợp lòng dân này. Nhờ vậy, Cuộc vận động đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo chuyển biến trong nhận thức và làm thay đổi hành vi ưu tiên dùng hàng Việt Nam của các tầng lớp nhân dân. “
Tôi đặc biệt đánh giá cao, nhiệt liệt biểu dương các tầng lớp nhân dân thành phố với truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường đã tích cực hưởng ứng bằng hành động thiết thực, ưu tiên mua sắm hàng Việt Nam; trân trọng biểu dương các doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó, xoay trở, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, khẳng định vị trí hàng Việt Nam trong người tiêu dùng, trên thị trường” - ông Hải nói.
Những hình ảnh quen thuộc Thực ra, người dân thành phố ngoài việc quen thuộc với câu nói “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì cũng quá quen thuộc với hình ảnh vị Bí thư Thành ủy gần gũi với người dân và doanh nghiệp Việt. Hầu như năm nào, ông Hải cũng gặp gỡ rất nhiều lần để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp, và trong những lần gặp gỡ đó, ông đều chia sẻ những suy nghĩ tâm huyết của mình cho việc ủng hộ doanh nghiệp Việt, vận động người dân dùng hàng Việt.
5 năm qua, trong suốt thời gian diễn ra cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì vị Bí thư dường như dành rất nhiều thời gian cho việc chỉ đạo các ban ngành, quyết liệt ủng hộ hàng Việt, còn bản thân mình lại rất kín tiếng, không muốn phô trương với báo chí và công chúng.
Một thực tế là khi PV đi tìm hiểu lại thành quả đạt được tại TP.HCM về cuộc vận động này, rất nhiều quan chức chính quyền thành phố khi chia sẻ thông tin về đề tài này với báo giới cũng rất chủ động, nhiệt tình khiến cho công tác tuyên truyền vận động người dân hết sức nhanh chóng và hiệu quả. Và nhiều quan chức trong số đó khẳng định “Anh Hai Nhựt (tên thân mật thường gọi của đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải) rất quan tâm và quyết liệt chỉ đạo vấn đề này vì ảnh thương doanh nghiệp Việt lắm!”.
Và đối với các doanh nghiệp trong nước, chưa có thời kỳ nào như 5 năm vừa qua, rất nhiều thương hiệu Việt trên địa bàn TP.HCM được vinh danh, tặng bằng khen, được hỗ trợ chính sách ưu đãi về nguồn vốn và mở rộng kênh phân phối, bình ổn giá. Nhiều doanh nghiệp mang thương hiệu Việt đã trở nên gần gũi với người tiêu dùng thành phố như: Vinamilk, Ba Huân, Kềm Nghĩa, Vissan, Cầu Tre, An Phước, Thái Tuấn... Đặc biệt, rất nhiều đơn vị (1.000 DN, 95 hộ sản xuất, kinh doanh và 7 hợp tác xã) đã được trực tiếp lãnh đạo UBND TP.HCM chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ giải quyết khó khăn về vốn, với lãi suất ưu đãi từ 9-12%/năm.
Trong các điểm phân phối hàng hóa tại TP.HCM (bao gồm: 37 trung tâm thương mại, 175 siêu thị, 723 cửa hàng tiện lợi và 240 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối) có đến 90% tỷ lệ hàng Việt được bày bán. Chương trình bình ổn thị trường của TP đã có gần 8.500 điểm bán hàng, TP còn dành hạn mức tín dụng năm 2014 cho chương trình này lên đến 8.300 tỉ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm trước...
...và tâm huyết người đứng đầu thành phố
Mới đây, trong buổi kỷ niệm 5 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải đã có những chỉ đạo quyết liệt tiếp tục ủng hộ hàng Việt. Theo ông Hải, để phát huy mặt mạnh, kinh nghiệm thành công, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, đẩy mạnh Cuộc vận động này, mọi người phải quan tâm đến “cái gốc là phải hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, bằng chất lượng hàng hóa, dịch vụ tăng lên, mẫu mã phong phú, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu đa dạng, ngày càng cao của thị trường mà thuyết phục người tiêu dùng trong thực tế.
“Thành phố phải đẩy mạnh các biện pháp lắng nghe để gỡ khó cho doanh nghiệp, qua hệ thống “đối thoại doanh nghiệp - chính quyền thành phố”, qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là việc thành lập doanh nghiệp, tính thuế, nộp thuế, hải quan, đất đai, xây dựng…; kết nối doanh nghiệp và ngân hàng, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, phù hợp; đặc biệt qua chương trình kích cầu thông qua đầu tư hỗ trợ lãi vay để doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ” - ông Hải khẳng định.
Đối với việc thực hiện các giải pháp, chính sách phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phân phối, Bí thư Thành ủy chỉ đạo quyết liệt “cần tiếp tục nhân rộng chương trình bình ổn thị trường đã có nhiều kinh nghiệm quý trong phát triển mạnh các điểm bán hàng bình ổn và đưa hàng Việt Nam đạt tiêu chuẩn chất lượng vào hệ thống phân phối này; đẩy mạnh các hoạt động tập huấn tiểu thương, giúp tiểu thương nâng cao nhận thức, kỹ năng giao tiếp, bán hàng; nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại.
Mặt khác, mở rộng các chương trình, các giải pháp tác động, liên kết, tạo vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, tạo đầu ra cho nguồn hàng nông sản, thủy sản an toàn, chất lượng của nông dân ngoại thành và các tỉnh bạn vào hệ thống phân phối, các siêu thị, trung tâm thương mại, khách sạn của thành phố và xuất khẩu...
Dưới một góc nhìn khác, ông Hải cũng tâm huyết với việc thuyết phục đến được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài để có nhận thức đúng về khả năng sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chú trọng đến nữ giới, tiểu thương, sinh viên, học sinh.
Theo ông, mỗi người dân thành phố hiểu và tự giác ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam khi mua sắm, tiêu dùng cá nhân cũng chính là cách thể hiện lòng yêu nước, là nét đẹp văn hóa tiêu dùng của người dân thành phố.
Và cũng rất thực tế, đồng chí Bí thư quyết đoán này cũng gần như vừa chỉ đạo, vừa đưa ra quyết tâm TP.HCM sẽ tiếp tục đổi mới công tác quản lý. Chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, hải quan, thuế.
Thành phố cũng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phối hợp quản lý thị trường, chống buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại và công nghiệp; kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm - nông sản.
Theo Tường Minh/Đời sống & Tiêu dùng