Đại gia Lê Ân và một chuyện tình ồn ào
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:30, 16/10/2014
Năm 2012, ông Lê Ân được đề cập đến như một đại gia, là ông chủ khu resort Chí Linh (TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vốn đã nổi tiếng lại càng nổi tiếng hơn khi ông lấy thêm người vợ thứ 6 chỉ mới 19 tuổi, nhỏ hơn ông tới 55 tuổi. Cô Mai Mai - tên thân mật ông Lê Ân dành cho người vợ trẻ giống như một định mệnh.
Người vợ định mệnh
Và quả thật họ đã gặp nhau như một định mệnh đúng theo ý nghĩa của tâm linh khi cô gái mới rời ghế nhà trường tới xin việc, vừa được tuyển dụng đã lọt vào mắt xanh của ông chủ nơi cô xin vào làm việc và được ông hỏi một câu ngắn gọn, nửa như ân cần, nửa như một sự quyết đoán: “Cô có bằng lòng lấy tôi làm chồng không?”.
Rồi sự thật họ đã trở thành vợ chồng chỉ sau mấy ngày cô gái xin phép ông chủ cho cô suy nghĩ rồi nhanh chóng gật đầu. Đám cưới của ông Lê Ân và “người vợ định mệnh” đã diễn ra nhanh chóng và trở thành một sự kiện để dư luận bàn tán, không chỉ đoàn rước dâu gồm một dàn siêu xe, trong đó có một chiếc trị giá 20 tỉ đồng mà riêng phần sính lễ cho nhà gái trị giá 1 tỉ đồng gồm 500 triệu đồng tiền mặt, 500 triệu đồng nữ trang.
Tuy nhiên, vấn đề bài viết này muốn đề cập đến không phải là chuyện ông Lê Ân cưới vợ trẻ, rước dâu bằng dàn siêu xe, hay sính lễ hoành tráng tới cả tỉ đồng.
Tiền rất quan trọng nhưng không phải là tất cả.
Có thể số đông dư luận cho rằng ông Lê Ân 74 tuổi mà cưa đổ cô gái 19 tuổi, thuyết phục được gia đình bên vợ chấp nhận cho ông cưới con gái họ là vì ông quá nhiều tiền, đồng tiền có thể “mua tiên” cũng được, nhất là trong xã hội hiện nay.
Biết đâu trong việc ông Lê Ân cưới vợ mới 19 tuổi vì nhiều tiền là một chuyện, nhưng tính cách quyết đoán của ông, niềm tin vượt qua mọi trở ngại thậm chí là chướng ngại lẫn với cái tâm từ thiện của ông Lê Ân mới là sức mạnh “quật ngã” cô gái trẻ chịu chấp nhận làm vợ ông thì sao?
Với ông Lê Ân, tôi tin điều thứ hai mới là yếu tố chính. Bởi vì cô Mai Mai, vợ ông Lê Ân tôi chưa hề gặp, chưa hề quen nhưng chỉ với một câu nói đầy tính cách quyết đoán, tự tin của ông Lê Ân và những việc thiện ông đã làm khiến cô bị khuất phục giống như một “tiếng sét ái tình” đánh trúng, chịu làm vợ một người hơn mình quá nhiều tuổi, cho thấy Mai Mai cũng rất cá tính.
Sở dĩ tôi tin điều này vì một cô gái trẻ có học thức, gia đình nề nếp nếu lấy đại gia vì tiền, nhiều tuổi hơn mình có thể sẽ mắc cỡ, ít ra cũng mang một chút mặc cảm. Nhưng Mai Mai thì không, cô tự tin và hãnh diện đi bên cạnh chồng. Tôi tin cô gái trẻ này lấy ông Lê Ân vì cô hoàn toàn “tâm phục, khẩu phục” đặc biệt tin tưởng vào người đã tạo ra cho cô một cú sốc, một ấn tượng quá sâu sắc về người đàn ông đầy tính cách.
Tính cách của Lê Ân
Và tôi xin kể lại người đàn ông đầy tính cách Lê Ân mà tôi đã có mối giao tình từ thời trai trẻ, lúc ông còn hàn vi, mò mẫm trên con đường gầy dựng cơ nghiệp.
Sau đổi mới vài năm, anh Huỳnh Bá Thành tức họa sĩ Ớt lúc đó còn làm Phó Tổng biên tập phụ trách nội dung Báo CA TP.HCM cũng là một người đầy tính cách nghệ sĩ. Trong một cuộc họp bỗng dưng anh cao hứng quyết định cho anh em từ ban biên tập trở xuống, phụ nữ mặc đồng phục áo dài, đàn ông thì mặc complet trong giờ làm việc mỗi ngày, kể cả chào cờ vào sáng thứ Hai (sau này, chào cờ sáng thứ Hai mới mặc quân phục theo quy định của ngành công an).
Tiền may đồng phục áo dài cho nữ hay bộ complet cho nam cơ quan xuất tiền ra mua, tất nhiên là vải xịn. Ai muốn may ở đâu thì may với điều kiện phải đẹp, không đẹp sẽ… bị phạt. Một nhà may được anh Thành giới thiệu may đẹp “hết ý” là nhà may của ông Lê Ân ở khu vực Hàng Xanh, Q.Bình Thạnh.
Theo lời giới thiệu của anh Thành, anh em chúng tôi mang vải tới nhà may Lê Ân, lúc ấy là một nhà may nhỏ, khiêm tốn. Ông chủ Lê Ân là người Quảng Ngãi, nhỏ con, gầy gò giống như một ông giáo làng đón tiếp anh em báo CA TP.HCM tới may đồ rất ân cần, có lẽ vì mối giao tình với anh Thành và bỗng dưng được may hàng loạt bộ complet. Hồi ấy tôi không nhớ là bao nhiêu tiền công một bộ complet, nhưng nếu tình số nhiều cũng là một món tiền kha khá.
Ông chủ tiệm may kiêm thợ may Lê Ân mới đầu còn dùng cây thước vải luôn quấn trên cổ ra đo ni, tấc cho từng người nhưng tới phiên tôi ông Lê Ân bỗng đổi ý không thèm đo thước nữa mà đo bằng mắt.
- Ông bạn là nhà văn TKT phải không? Nhà văn tôi chơi theo văn, đồ ông tôi không cần đo vẫn may vừa khít. Xong rồi, ông cứ về.
- Nhưng…?
- Cứ yên chí, không vừa tôi không lầy tiền, cũng không cần tới mặc thử. Xong cứ lấy luôn về mặc cho đỡ mất thời gian.
Không chỉ riêng tôi, mà một số anh em khác ông Lê Ân cũng không cần đo, cứ ngắm nghía từ đầu đến chân rồi ghi chép gì đó vào một cuốn sổ lớn kiểu thợ may hay dùng và tất nhiên ông không quên ghi tên người may đồ để nhớ.
Tới ngày quy định chào cờ phải mặc complet, áo dài… phải nói buổi sáng thứ Hai hôm ấy đầy náo nức và là một buổi chào cờ vừa trang nghiêm vừa tuyệt đẹp. Bởi từ ban biên tập tới anh chị em phóng viên đều xếp hàng ngang, phụ nữ mặc áo dài đứng trước, nam mặc complet, sơ mi trắng, thắt cà vạt đứng sau. Và phải nói với tài may complet không cần đo của ông chủ tiệm may Lê Ân, anh em có một trang phục rất đẹp.
Ngày ấy, chào cờ mặc complet, áo dài là một sự đổi mới khá táo bạo, vì có nhiều anh em chưa biết thắt cà vạt, anh Thành phải thắt làm mẫu để một số anh em lớ ngớ thắt theo.
Một thời gian sau, các trung tâm tín dụng (TTTD) nở rộ như nấm gặp mưa, anh em có nhu cầu mua xe máy đi làm, anh Thành viết giấy tay giới thiệu tới TTTD Hòa Hưng vay tiền lãi suất thấp không cần thế chấp.
Tôi cũng nhờ anh Thành viết cho cái giấy tay tới TTTD Hòa Hưng vay tiền mua xe máy. Anh bảo tôi tới gặp anh Lê Ân, tôi tưởng một ông Lê Ân làm Giám đốc TTTD Hòa Hưng nào đó, bất ngờ lại gặp Lê Ân chủ tiệm may, bỏ nghề may nhảy ra làm “ngân hàng”.
Gặp lại tôi, xem giấy viết tay của anh Thành, Giám đốc TTTD Hòa Hưng gọi nhân viên thảo ngay hợp đồng cho vay tiền rất nhanh, không hỏi tới lui câu nào ngoài việc hỏi thăm sức khỏe và vui đùa bảo khi nào tôi có sách mới ra tặng cho ông một cuốn đọc chơi.
Tôi đã kịp trả vốn lẫn lãi cho ông Lê Ân trước khi TTTD Hòa Hưng giải thể. Sau nghe nói Lê Ân làm Ngân hàng Đại Nam… Những năm sau đó tôi không còn gặp lại ông nữa, rồi anh Thành mất đột ngột vào đầu năm 1993, tờ báo trong giai đoạn đầy sóng gió, tôi mải miết lo công việc phụ trách nội dung báo, tối tăm mặt mũi không còn thời gian ra ngoài.
Đùng một hôm tôi nhận được điện thoại của ông Lê Ân gọi từ Vũng Tàu bảo sẽ vào báo CA TP.HCM gặp tôi có chuyện gấp và xin tôi cái hẹn. Tôi ngớ ra một lúc mới nhớ ra ông Lê Ân thợ may, làm TTTD Hòa Hưng qua cái giọng đặc sệt xứ Quảng:
- Nhưng ông bây giờ làm gì ngoài Vũng Tàu?
- Làm ngân hàng, làm đất đai và… đang gặp rắc rối, không khéo thì ở tù như trước đây, còn mất trắng sự nghiệp.
- Nhưng tôi giúp gì được cho ông? Ông giúp gì được trong khả năng ông thì cứ giúp.
- Vậy ông vào Sài Gòn tới tòa soạn gặp tôi bất cứ lúc nào.
Vượt qua sóng gió
Ngày đó ông Lê Ân đã là một trung niên, sau những lần thất bại cay đắng rồi gượng dậy, thất bại, rồi lại gượng dậy khi ngồi trước mặt tôi trong căn phòng tiếp khách của tòa soạn, uống vơi nửa tách trà ông bắt đầu tâm sự hơn là giải bày những uẩn khúc phải chịu đựng và đã trải qua từ TTTD Hòa Hưng cho đến ngày ra Vũng Tàu quyết làm lại sự nghiệp từ hai bàn tay trắng trên vùng đất mới.
Cả quãng đường và quãng đời gian nan của ông chỉ gói gọn trong một buổi nói chuyện mà tôi hình dung ra một chiếc đĩa nén dung lượng cao, ở trong đó ông nén chặt bao nhiêu là cơ cực, thất bại ê chề, bao nhiêu lần trắng tay rồi quyết tâm làm lại. Có lúc ông khẳng khái, nhưng có lúc giọng ông chùng xuống, người nghe cảm thông chia sẻ và nể phục sức chịu đựng, ý chí nhẫn nại đến kiên cường của ông.
Còn giờ thì tôi giúp ông được chuyện gì? Ông Lê Ân bảo lại gặp rắc rối chuyện… ngân hàng ngoài Vũng Tàu. Ông đã mua lại một hàng phá sản, gánh cho thiên hạ một số nợ và cam kết trả hết nợ. Nhưng phải có thời gian. Trong thời gian đó, ông gặp đủ thứ rắc rối, áp lực và nhiều đơn kiện đã gửi tới Báo CA TP.HCM qua Ban Công tác bạn đọc.
Một phóng viên của báo được cử đi điều tra và ông Lê Ân lo ngại bài báo sẽ đăng không chính xác, không dúng với bản chất sự việc có thể làm mất cơ hội xây dựng lại uy tín, sự nghiệp của ông mà ông cam đoan sẽ làm được. Rồi ông ngước đôi mắt buồn rầu nhìn tôi quả quyết: "Tôi biết trong khả năng ông giúp tôi được nên tôi mới vào gặp. Ông có tin tôi không?"
Tôi bảo ông Lê Ân nói thì tôi tin, nhưng còn kiểm tra lại hồ sơ phóng viên thu thập được, chứng cứ thế nào và tôi yêu cầu ông tường trình bằng văn bản chứ nói miệng với nhau để chia sẻ thì được còn làm việc thì phải có văn bản, giải trình hẳn hoi.
Ông Lê Ân ngồi suy nghĩ một lúc rồi lấy một xấp hồ sơ mang theo đưa cho tôi và bảo làm tường trình thì tôi đã làm nhiều rồi nhưng chỉ sợ mất thì giờ mà chẳng ai đọc. Tôi bảo tôi sẽ đọc và nếu giúp gì được cho ông trong khả năng tôi sẽ giúp.
Ông ra về và bảo nếu trời cho một cơ hội cuối cùng sẽ làm lại từ đầu và làm được, chỉ sợ cơ hội cuối cùng ấy sẽ đóng lại thôi. Tất nhiên tôi không phải là người cho ông Lê Ân cơ hội, chỉ giúp ông thêm một niềm tin để đừng ngã lòng.
Từ đó tôi bặt tin ông và khi nghe ông làm khu resort Chí Linh thành công, tôi rất vui dù chưa một lần đặt chân tới.
Đùng một cái, trong những ngày vừa qua biết tin ông Lê Ân không chỉ vượt qua sự thành công mà còn trở thành một đại gia nức tiếng đất Vũng Tàu. Biết ông có tới 5 bà vợ, người vợ mới chia tay chỉ có 25 tuổi và mới cưới thêm một bà vợ thứ 6 chỉ vừa tròn 19 tuổi.
Ở tuổi trên ngưỡng “thất thập cổ lai hy” người ta cưới vợ trẻ đẹp chưa chắc đã là sung sướng, hạnh phúc.
Ông Lê Ân cưới Mai Mai theo như ông nói là “người của định mệnh” mà định mệnh thì không ai cưỡng lại được. Dư luận vẫn sẽ còn tiếp tục bàn tán về ông Lê Ân, một đại gia tiền muôn bạc tỉ cưới được vợ trẻ, chơi những cú shốc theo kiểu của Lê Ân.
Người ta trắng tay thất bại một lần, hai lần đã khó gượng dậy, ông Lê Ân trải qua bao cơn sóng gió ba đào, lên bờ xuống ruộng mà vẫn đầy kiên nhẫn, đủ ý chí đứng lên làm lại sự nghiệp và thành công thì đáng được nể phục. Ông còn liên tiếp cưới 5 bà vợ mà bà sau tuổi càng nhỏ hơn bà trước với kiểu cầu hôn đầy tính cách thì càng chứng tỏ Lê Ân không bao giờ sợ thất bại nữa.
Tôi bỗng hình dung ra Lê Ân ngày ấy dù là người bán xà bông, bán thuốc Tây, chủ tiệm may, giám đốc ngân hàng, hay bây giờ là chủ resort cưới được vợ trẻ không hẳn chỉ nhờ vào sự giàu có, cái mác đại gia. Có một điều gì đó rất đặc biệt trong con người ấy.
Từ Kế Tường