Chợ xe lưu động: Nhọc nhằn hẻm phố mưu sinh
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:59, 19/08/2014
Những chiếc xe máy được gắn với thùng thực phẩm được người dân sử dụng như một chiếc xe bán hàng lưu động. Với người Sài Gòn, những chiếc xe bán hàng này ngày càng được lòng nhiều người bởi sự tiện lợi, thực phẩm tươi ngon mà giá cả lại phải chăng.
Gần đây, trên nhiều tuyến đường lớn ở TP.HCM, không khó để gặp hình ảnh những chiếc xe ba gác chở đầy rau, trái cây, thực phẩm...được bày bán như những quầy hàng nhỏ. Chính vì vậy, một bộ phận người tiêu dùng đã chuyển qua mua đồ ở những chiếc xe bán hàng lưu động này thay vì mua đồ ở chợ truyền thống như trước kia bởi những thuận tiện mà nó mang lại.
Nhọc nhằn hẻm phố mưu sinh
Đánhtrúng tâm lý của một bộ phận người dân bận rộn, không có nhiều thời gian cho việc đi chợ, đi siêu thị hàng ngày, một bộ phận tiểu thương đã chuyển từ bán thực phẩm từ các sạp ở các chợ nhỏ sang bán trên những chiếc xe ba gác buôn bán khắp thành phố.
Đa số, những tiểu thương này hoạt động tự do, họ tự mình đi lấy thực phẩm ở các chợ đầu mối sau đó đem đi bán lẻ. Với một chiếc xe máy cũ kỹ được nối với một thùng hàng thông qua chiếc rơ móc.
Với một chiếc xe máy cũ kỹ được nối với một thùng hàng thông qua chiếc rơ móc là trở thành một " cửa hàng di động" |
Sản phẩm mà các tiểu thương này buôn bán chủ yếu là trái cây, rau xanh, các loại củ, quả...Hằng ngày, công việc của các tiểu thương là đi lấy rau và trái cây từ các nguồn hàng quen biết sau đó chở đi buôn bán khắp thành phố. Vì xe nhỏ, gọn nên các tiểu thương này dễ dàng cho xe len lỏi vào các con hẻm khác nhau để buôn bán.
Bác Nguyễn Văn Nam, chủ một xe bán dưa leo với cà chua cho biết hàng ngày bác thường cùng “hàng tạp hóa” của mình rong ruổi trên các tuyến đường của Sài Gòn. Những tuyến đường bác chọn để mưu sinh là những con đường nhỏ, gần khu dân cư đông người“. Tui hay chạy mấy đường nhỏ nhỏ mà nhiều người ở. Những nơi đó thường xa chợ nên nhiều người muốn mua đồ ăn phải đi xa. Cho nên tui cho xe hàng đến đó người ta mua nhiều lắm”.
Theo nhiều chủ xe cho biết, thực phẩm của họ chủ yếu được lấy từ các chợ đầu mối về. Vì mua sỉ, giá gốc nên họ thường bán thực phẩm với giá rẻ hơn so với các chợ hay siêu thị. “Ở chợ người ta phải đóng chi phí mặt bằng với phí vận chuyển cao hơn nên giá đắt hơn. Còn tụi tui tự mình đi lấy hàng về bán với lại không mất tiền mặt bằng nên giá rẻ hơn” - anh Huỳnh Tấn Hòa cho hay.
Nhiều tiểu thương cho biết, các sản phẩm họ đem bán được một phần là của "cây nhà lá vườn" |
Bên cạnh đó, một số người cho biết sản phẩm của họ là của nhà trồng được và họ tự đi bán thay vì nhập cho các đầu mối trung gian khác. Nếu nhập cho các đầu mối thì họ sẽ phải bán thực phẩm với giá chỉ bằng 1/3 giá ngoài thị trường. Vì vậy, thay vì thông qua các đầu mối trung gian, nhiều người tự đưa sản phẩm của mình đi bán để giữ được giá gốc.
“Bán cho người ta giá bèo bọt lắm, nhiều khi còn không đủ tiền giống, tiền phân tro chứ nói chi đến có lời hay không. Rứa là vợ chồng tui tự sắm chiếc xe cà tàng này đi bán luôn. Ổi của tui là ổi vườn, ngon nên nhiều người ham lắm. Với lại trong chợ bán 15.000 đồng một kg ổi, còn tui bán có 10.000 đồng/ kg à. Xe cũng nhỏ nên cho xe vào mấy hẻm nhỏ là người ta khoái lắm” - chị Ngô Thị Liên - chủ một xe bán ổi kể.
Xe bán hàng lưu động len lỏi khắp các con phố Sài thành |
Anh Nguyễn Văn Mạnh, 41 tuổi cho biết mỗi ngày đều chở rau xanh của chạy vòng vòng các tuyến đường nhỏ ở quận 2. Theo anh ở đây có nhiều người sinh sống, đường lại rộng, ít bị kẹt xe nên việc buôn bán của anh cũng dễ dàng hơn.
“Mỗi ngày số lượng rau của trên xe của tôi cũng xấp xỉ một hàng rau cỡ vừa trong chợ. Tôi đi lấy rau lúc 2 – 3 giờ sáng ở chợ đầu mối Thủ Đức. Mỗi ngày tôi lấy khoảng 40 kg rau. Thấy thì nhiều chứ mỗi loại một ít thì tính ra cũng không nhiều. Chừng 4 – 5 giờ sáng là tôi chở rau đi bán. Rau mình lấy tươi ngon, được giá nên bán nhanh hết lắm. Tầm 9 giờ là tôi bán hết rau xanh, chỉ còn bầu bí, củ quả thì có thể bán được mấy ngày luôn. Vì lấy sỉ nên giá cũng rẻ hơn.”
Thực phẩm được bán với giá rẻ |
Tuy nhiên, các tiểu thương này cũng chia sẻ rằng họ gặp rất nhiều khó khăn khi phải “ chạy mưa chạy nắng” mỗi ngày. Và với họ, việc chạy mưa nắng không đáng e ngại bằng việc “chạy công an và những người quản lý khu dân phố".
" Mỗi lần công an đến là tui lại chạy bạt mạng " |
“Làm cái nghề này khổ lắm. Tui cũng cho xe sát vào lề đường rồi nhưng mỗi lần công an đến là tui và người mua lại chạy bạt mạng. Phải cho xe chạy thiệt nhanh, chui vào mấy con hẻm là không sao hết, chứ công an mà bắt được là giữ xe tui lại. Mà giữ xe rồi thì khác gì giữ miếng cơm của cả gia đình. Biết thế nên tôi phải chạy nhiều, không ở một chỗ được. Buôn bán là khổ thế đó.” Bác Bùi Văn Ba, quê Bến Tre chia sẻ.
Ban quản lý khu phố thu giữ một chiếc xe của một người mua hàng do để xe không đúng nơi quy định |
Rẻ và tiện lợi
Có rất nhiều bà nội trợ đã chuyển qua mua thực phẩm ở những chiếc xe này thay vì đi chợ truyền thống như trước kia. Nhiều bà nội trợ cho rằng thực phẩm bán ở xe kéo vừa tươi, vừa rẻ, mua lại thuận tiện.
Chị Nguyễn Ngọc Phương An (ở phường Bình Trưng Đông, quận 2) chia sẻ: “Hồi trước chị thường đi chợ còn bây giờ thì chuyển qua mua rau ở mấy xe kéo này luôn. Mua rau với trái cây ở đây giá rẻ hơn nhiều so với mua ở chợ.
Ở chợ chị mua một kg khổ qua mà mười mấy ngàn một kg trong khi mua ở xe này chỉ có 15.000/ 2 kg. Vừa rẻ lại vừa tươi. Với lại mua ở đây cũng tiện, sáng nào xe cũng chạy thẳng vào trong hẻm nhà chị luôn. Bởi vậy mấy gia đình trong hẻm đều chuyển qua mua ở đây luôn, khỏi tốn công đi chợ vừa xa lại vừa mắc.”
Nhiều người chuyển qua mua thực phẩm trên những chiếc xe bán hàng lưu động này thay vì đi chợ truyền thống như trước kia |
Đồng quan điểm, chị Ngọc Thu (quận 9) cũng cho rằng: “Cái gì cũng vậy thôi, rẻ mà ngon thì ai cũng thích. Mua đồ ở mấy xe này chị lại đỡ được thêm bao nhiêu khoản. Nhà chị xa chợ nên đi chợ mất thêm tiền xăng, lại còn tiền giữ xe nữa”.
Phan Diệu