Người dùng 3G “ghen tị” với doanh nghiệp vận tải
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:12, 28/10/2013
Gần 1 tuần sau khi 3 nhà mạng lớn áp dụng giá cước 3G mới, ngày 23.10, Bộ Giao thông Vận tải nhận được Công văn số 97/HHVT-VT của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam về việc các doanh nghiệp (DN) viễn thông thay đổi cách tính giá cước truyền dữ liệu dẫn đến chi phí dịch vụ 3G tăng đột ngột. Hàng vạn thiết bị giám sát hành trình ôtô ngừng hoạt động trên diện rộng do không kịp nạp tài khoản. Hàng loạt đơn vị kinh doanh vận tải đứng trước nguy cơ bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, hàng vạn lái xe bị phạt 2,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 30 ngày.
Chia sẻ và thông cảm
Một ngày sau (24.10), một trong 3 DN viễn thông lớn nhất trả lời: “để chia sẻ với các DN trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, trong đợt điều chỉnh cước các dịch vụ data vừa qua, Viettel quyết định không điều chỉnh giá cước cũng như block tính cước của cả 6 gói dịch vụ này (dịch vụ giám sát phương tiện vận tải V- Tracking)”.
Như vậy, Viettel chưa tính cước 3G mới với DN vận tải nhằm chia sẻ lúc kinh tế khó khăn. Trong khi cả 3 nhà mạng lại đồng loạt kêu gọi “mong được người dùng chia sẻ, thông cảm” cho việc tăng giá cước 3G lần này.
Tiếp một ngày nữa (25.10), Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ký Công văn số 11476/BGTVT-VT xin chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng tuần tra, kiểm soát tạm thời không xử lý vi phạm đối với các chủ xe, lái xe trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình không hoạt động đúng quy định do tài khoản thuê bao 3G hết tiền đột ngột, áp dụng đến hết ngày 30.11.2013.
Cũng với chuyện tăng giá cước 3G, cũng được đăng tải trên nhiều mặt báo, thậm chí với mật độ dày hơn, nhưng khả năng người dùng 3G được giải quyết thấu đáo vẫn chưa có gì là rõ ràng.
“Trong tương lai sẽ có…”
Động thái duy nhất có thể trấn an người dùng 3G là Văn phòng Chính phủ có Công văn số 8864/VPCP-KTTH gửi tới Bộ Công thương yêu cầu Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) khẩn trương nắm tình hình vụ việc 3 nhà mạng lớn Viettel, MobiFone, Vinaphone đồng loạt tăng cước dịch vụ 3G. Nếu có dấu hiệu vi phạm luật về cạnh tranh thì xử lý theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện.
Câu hỏi đặt ra là: Vậy thời hạn giao cho Cục Quản lý Cạnh tranh “khẩn trương nắm tình hình” để “báo cáo Thủ tướng” là bao lâu?
Trước đó, đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh chỉ nói, tới cuối năm ngoái mới có thông tư quy định về giá thành của gói cước nên đơn vị này “đang trong quá trình thu thập thông tin cần thiết” và chưa thể đưa ra nhận định.
Từ cuối năm ngoái đến nay ước chừng là 10 tháng, mà Cục Quản lý Cạnh tranh còn chưa nắm rõ quy định dù đã nhận thông tin cụ thể thì người tiêu dùng, đối tượng chính ảnh hưởng nhiều nhất từ quy định đó, làm sao mà biết được nhưng vẫn buộc phải chấp nhận.
Gần như cả 3 đại diện nhà mạng đều nói nhận được văn bản chấp thuận cho tăng giá vào đầu tháng 10.2013, tức khoảng ngày 1 đến ngày 4. Nhưng mãi đến ngày 12 Viettel mới nhắn tin báo cho người dùng và MobiFone là ngày 13, chỉ 3-4 ngày trước khi áp dụng. Đại diện Cục thừa nhận: “Chúng tôi chưa kịp thời vì cũng tập trung nhiều vào công tác chuyên môn, thẩm tra, thẩm định, chưa yêu cầu phải có thông tin sớm hơn nữa đến với người dân. Trong tương lai sẽ có quy định…”.
Quyền lợi “chờ”
Đáng chú ý hơn, Cục Viễn thông có nói chủ chương của Bộ Thông tin và Truyền thông là đưa giá cước về giá thành, không được bù chéo giữa các dịch vụ để đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh. “Nếu giá của tất cả DN thống lĩnh thị trường đều tiến tới giá thành thì các DN mới có khả năng tiếp cận thị trường để phát triển dịch vụ”.
Yếu tố không để cho DN thống lĩnh bán vụ dưới giá thành nhằm đảm bảo cho các DN còn lại cạnh tranh công bằng là không sai. Nhưng áp dụng trong tình hình thị trường viễn thông Việt Nam lúc này là chưa hợp lý.
Cụ thể là trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ 3G, chỉ có 4 DN tham gia. Mà trong đó, Viettel, MobiFone, Vinaphone đã chiếm đến 97,64% thị phần. Với việc nắm hầu hết số lượng thuê bao 3G trong tay thì nếu 3 nhà mạng này bán dưới giá thành dẫn đến thao túng thị trường cũng không gây bất lợi cho người dùng, thậm chí người dùng còn có lợi.
Thế nhưng như các nhà mạng và cơ quan quản lý liên quan đã nói, điều đó ảnh hưởng đến việc đầu tư của họ. Và do 3 nhà mạng thuộc quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông nên không thể để chuyện bù chéo dịch vụ và chịu lỗ… hơn năm trước được. Vậy thì đơn vị nào quản lý người tiêu dùng và không thể chấp nhận việc để cho người tiêu dùng thiệt hại hết lần này đến lần khác?
So sánh giá cước của 3 nhà mạng lớn (trước khi tăng) với nhà mạng còn lại là Vietnamobile cho thấy các mức giá tương đương nhau. Cho nên Cục Viễn thông nói mục đích nâng giá cước 3G tiến gần giá thành để đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh lại cũng chưa hợp lý.
Chưa thấy Vietnamobile lên tiếng nhưng họ cũng không hề tăng giá cước 3G. Mà giả sử dù Vietnamobile rất muốn tăng cũng chẳng thể tạo được điều gì lớn lao với 2,36% thị phần, đồng nghĩa với số lượng thuê bao 3G sở hữu quá ít. Tăng giá chỉ khiến họ mất thêm số thuê bao hay thị phần vốn đang rất ít ỏi của mình mà thôi.
Thiết nghĩ, nhìn vào thị trường viễn thông lúc này (sau khi 3 nhà mạng tăng giá cước 3G) mới thấy sự phát triển… không lành mạnh.
Nói tóm lại, mấy chục triệu người dùng 3G hiện nay chỉ có một quyền lợi duy nhất là “chờ”: chờ Cục Quản lý Cạnh tranh nắm tình hình rồi báo cáo Thủ tướng, chờ cho tới khi Cục Viễn thông công khai cách tính giá thành, ra quy định về chất lượng dịch vụ 3G, ra quy định phải thông báo sớm cho người dân, phải có hợp đồng thỏa thuận dùng 3G như với DN đàng hoàng… và phải chờ các nhà mạng đầu tư đầy đủ mới được sử dụng dịch vụ 3G chất lượng tốt!
T. Anh
Nguồn ảnh: TTO