Sinh tồn ở làng nghề Sài Gòn
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 07:12, 12/10/2013
“Chiến đấu” để giữ nghề
Dù không còn không khí tấp nập của một làng nghề, người dân vẫn quen gọi phường 12, quận Gò Vấp là làng lư đồng An Hội. Làng bây giờ chỉ còn lại 5 gia đình sống với nghề.
Chủ cơ sở lư đồng Hai Thắng, nghệ nhân 66 tuổi với hơn 50 năm gắn bó với nghề, kể nghề đúc lư đồng tồn tại được hơn 200 năm (hình thành từ cuối thế kỷ 19). Một thời sản phẩm của làng An Hội có mặt khắp Nam kỳ lục tỉnh, được mang sang bán ở Lào, Campuchia, Thái Lan.“Lư đồng An Hội là nghề truyền thống, nếu bây giờ không giữ lại thì chẳng bao giờ giữ được nữa” – ông Hai Thắng chia sẻ.
Tương tự làng lư đồng An Hội, bóng dáng làng nem trên đường Dương Văn Cam (quận Thủ Đức) nay cũng không còn tấp nập.
“Nem Thủ Đức có hương vị ngọt chua hài hòa, dai giòn đặc trưng, được nhiều người miền Nam ưa chuộng. Mấy chục năm trước, các cơ sở nem trải dài trên đường Dương Văn Cam. Những nhà có đám tiệc ở TP.HCM, khách du lịch thường ghé mua tấp nập. Rồi máy móc ra đời, nem sản xuất theo lối truyền thống không thể cạnh tranh lại. Trong khi nhiều người bắt đầu nản và chuyển nghề, má tôi quyết giữ cho bằng được. Bà vẫn duy trì mối hàng quen và luôn tin có những người sẵn sàng mua nem ngon với giá cao hơn một chút”, ông Nguyên Hùng, chủ cơ sở nem Bà Chín, một cơ sở nem hiếm hoi còn tồn tại được,cho biết.
Thế nhưng để sống được trong thời buổi này, những làng nghề truyền thống buộc phải thay đổi cách sản xuất.
“Bí quyết sống được với nghề truyền thống của gia đình tôi là hiện đại hóa cách làm nem. Không thể giữ mãi lối sản xuất cũ kỹ, tốn nhiều thời gian, công sức như ngày xưa. Cái gì cải thiện được hãy cải thiện” – ông Hùng chia sẻ.
Với quan điểm đó, ông dùng máy giã thịt thay cho giã tay, điều này không ảnh hưởng đến chất lượng thịt mà lại tiết kiệm thời gian, công sức thợ. Thứ đến, ông đăng ký thương hiệu nem Bà Chín, công khai các chỉ tiêu chất lượng để người tiêu dùng tin tưởng. Ngoài cách gói nem theo chùm bằng dây và lá chuối, ông thiết kế hộp giấy để đóng gói tiện cho khách đi đường xa.
“Với cách những này, chúng tôi chỉ mất nhân công cho công đoạn đóng khuôn thịt và gói nem. Giảm bớt công lao động thì giá thành giảm. Nếu muốn khách ăn nem hương vị truyền thống mà cứ bắt trả tiền với giá quá cao thì dĩ nhiên họ cũng phải có sự so sánh”, ông Hùng nói.
Ở làng nghề lư đồng An Hội, các chủ cơ sở lại phải loay hoay giải quyết một số vấn đề liên quan đến môi trường, đất sản xuất và nhân công.
Ông Hai Thắng cho biết cơ sở liên tục bị cơ quan môi trường bắt lỗi vì gây ra nhiều khói bụi trong quá trình sản xuất: ”Chúng tôi đang khắc phục bằng cách lắp đặt hệ thống xử lý khói bụi với kinh phí cả trăm triệu đồng”.
Hơn nữa, nghề đúc lư đồng không thể sử dụng máy móc cho bất kỳ công đoạn nào, thậm chí đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ rất cao từ người thợ nên chi phí nhân công rất cao. Trong khi kinh tế đang khó khăn, nếu giá lư đồng quá cao thì lại gặp khó ở đầu ra.
Bà Phạm Thị Liên – chủ cơ sở lư đồng Ba Cồ (làng lư đồng An Hội) cũng nói: “Thực ra nghề này lợi nhuận không nhiều, đầu ra lại khó khăn. Lư đồng sản xuất quanh năm nhưng chỉ bán được vào mùa tết. Mặt bằng cơ sở sản xuất phải rộng. Với một miếng đất rộng hàng trăm mét vuông giữa Sài Gòn, mình có thể giàu to nếu kinh doanh những thứ khác. Vì tôn trọng cha ông nên mới cố gắng giữ”.
Loay hoay kết hợp với du lịch
Với 64 làng nghề truyền thống, TP.HCM hoàn toàn có thể tính toán đến vấn đề phát triển du lịch từ đây để tăng thu nhập, đồng thời phần nào tránh được nguy cơ mai một. Thế nhưng việc kết hợp đang gặp nhiều khó khăn.
“Không gì khó hơn du lịch làng nghề” – là quan điểm của ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Dã ngoại Lửa Việt.
Ông giải thích vấn đề làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một là thực tế không chỉ riêng ở địa bàn TP.HCM mà là thực trạng chung ở Hà Nội, Hội An, Bình Dương. Những làng nghề có tiềm năng du lịch và văn hóa rất cao như làng nồi đất có từ thời nhà Trần ở Hội An, làng nghề hợp tác xã Một thoáng Việt Nam, làng bánh tráng ở Củ Chi, làng lư đồng An Hội ở Gò Vấp… đang gặp rất nhiều khăn trong việc kết hợp du lịch.
Nguyên nhân là sự hợp tác giữa làng nghề với doanh nghiệp còn kém. Sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng và chính sách nhằm vực dậy làng nghề quá yếu.
Ông cho biết: “Không riêng gì công ty Lửa Việt, ngay cả các công ty du lịch có tâm huyết với làng nghề cũng cảm thấy mệt mỏi. Chúng tôi vừa tham dự một hội thảo ở Đồng Tháp bàn về phát triển du lịch làng nghề, nhiều ý kiến cho rằng nên bán vé tham quan. Với kinh nghiệm làm du lịch của mình, tôi thấy đó là một việc không tưởng. Làng nghề đang mở cửa tự do mà khách du lịch còn chưa đến được huống chi bán vé. Đường sá đến với các làng nghề thì thiếu quy hoạch, không đồng bộ, không có chỗ cho xe du lịch vào, du khách phải đi bộ một đoạn đường dài. Các làng nghề thì thiếu sự đầu tư, thiếu không gian tham quan và thiếu cả khu vực vệ sinh cho khách. Thử hỏi với thực tế như vậy, du khách nào còn muốn quay lại làng nghề nữa?”.
Mặt khác, các làng nghề truyền thống ở TP.HCM không có nguồn thu cao để chi cho các công ty du lịch bởi còn phải “chiến đấu” chật vật với nghề. “Điều đó buộc các công ty du lịch phải tăng giá tour nhưng sự đầu tư cơ sở du lịch lại không tương xứng làm cho du khách hụt hẫng, không hài lòng. Muốn vực dậy làng nghề, Nhà nước cần xác định những làng nghề nào cần bảo tồn, có chính sách hỗ trợ như miễn giảm thuế, hỗ trợ làng nghề để họ tiếp tục duy trì, đồng thời cải thiện không gian tham quan. Và quan trọng là phải có sự đầu tư cơ sở hạ tầng”, ông Mỹ nói rõ.
Bảo Ngọc