Mới lập chính phủ, quân đội Myanmar và bà Suu Kyi đã đối đầu
Quốc tế - Ngày đăng : 18:33, 02/04/2016
Cụ thể, dự luật được Thượng viện thông qua ngày 1.4 đã đề ra chức cố vấn quốc gia và cho phép bà Suu Kyi có quyền điều phối các bộ cũng như ảnh hưởng đến giới quyết định chính sách của nước này.
Với dự luật này, bà Suu Kyi đã “lách được hiến pháp”, vốn cấm bà điều hành đất nước vì hai con trai không mang quốc tịch Myanmar.
Trước đó, bà đã từng chỉ trích hiến pháp do chính quyền cũ xây dựng này là “ngớ ngẩn”. Thậm chí sau khi đảng Quốc gia vì dân chủ NLD thắng cử vào tháng 11.2015, bà đã mạnh dạn tuyên bố sẽ lãnh đạo đất nước bất chấp hiến pháp.
Tuy nhiên, các thành viên của quân đội tại quốc hội Myanmar, vốn chiếm 25% số ghế quốc hội, đã ra sức phản đối và chỉ trích dự luật trao quyền cố vấn nhà nước cho bà Suu Kyi là vi hiến.
Theo các thành viên quân đội, chức vụ cố vấn nhà nước tập trung quá nhiều quyền lực mà không có bất kỳ cơ chế nào để kiểm soát người nắm giữ chức vụ này cả.
Tướng Myint Swe, một thành viên phe quân đội trong quốc hội, cho biết“căn cứ theo dự luật này thì quyền hạn của cố vấn là tương đương với tổng thống. Điều đó là trái với hiến pháp”.
Thậm chí, một số nghị sĩ còn đề nghị đưa dự luật ra Tòa án Hiến pháp quyết định.
Nhưng mặc cho sự phản đối từ phía quân đội, Thượng viện vẫn thông qua và dự luật sẽ được chuyển sang Hạ viện để tranh luận vào ngày 4.4. Tuy vậy, NLD đã nắm đa số ghế trong lưỡng viện nên dự luật có thể sẽ được thông qua bất chấp sự phản đối từ quân đội.
Mặc dù trong dự luật lần nàyđảng NLD đã thắng thếnhưng nếu muốn sửa đổi Hiến pháp, đảng của bà Suu Kyi phải nhờ đến phe quân đội khi quy định yêu cầu đạt được 75% ủng hộ trong quốc hội thì mới có thể sửa đổi Hiến pháp.
Theo các nghị sĩ NLD, bất đồng về vị trí cố vấn nhà nước sẽ mới là mâu thuẫn đầu tiên trong số nhiều mâu thuẫn giữa nghị sĩ của phe quân đội và chính phủ mới cầm quyền.“Sẽ còn có những cuộc đối đầu trong tương lai, và họ (phe quân đội) cuối cùng sẽ phải đồng ý sửa đổi Hiến pháp”, Thiri Yadana, một nghị sĩ NLD cho biết.
Chức cố vấn nhà nước không phải là chức vụ duy nhất của bà Suu Kyi, trước đó bà đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng ngoại giao, Bộ trưởng giáo dục, Bộ trưởng năng lượng và Chánh văn phòng tổng thống.
Ông Richard Horsney, nhà phân tích chính trị đang sống tại Yangon (Myanmar) nói: “Sẽ có rất khó cho bà Suu Kyi để có thể đảm nhiệm hết được chừng đó chức vụ. Số lượng người muốn gặp bà để làm việc sẽ nhiều đến nỗi bà khó có thể sắp xếp được”.
Tuy nhiên, ông Win Hein - một thành viên của đảng NLD cho rằng:“Các chức vụ sẽ không phải là gánh nặng đối với bà Suu Kyi, và chức cố vấn nhà nước sẽ giúp bà làm việc hiệu quả hơn”.
Với chức vụ Bộ trưởng năng lượng, công việc sắp tới của bàlà phải quản lý việc sản xuất dầu và khí đốt, cũng như quyết định xem liệu dự án đập thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỉUSD có được tiếp tục thi công sau khi bị đình chỉ vào năm 2011 dưới thời Tổng thống Thein Sein hay không.
Cẩm Bình (theo Reuters)