Tân Hiệp Phát: “Thuyết phục khách hàng không được nên nhờ công an giải quyết”

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 13:03, 17/12/2015

"... Thấy hoàn cảnh của anh Minh như vậy, chúng tôi không yêu cầu bồi thường mà chỉ mong nhận lời xin lỗi. Đồng thời, mong hội đồng xét xử giảm nhẹ tối đa hình phạt để anh Minh nhanh chóng về với vợ con”, đại diện Tân Hiệp Phát nói trước tòa.
Sáng 17.12, TAND tỉnh Tiền Giang bắt đầu đưa ra xét xử sơ thẩm bị cáo Võ Văn Minh, SN 1980 (ngụ Cái Bè, Tiền Giang) về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” trong vụ “con ruồi” giá 500 triệu đồng.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Tiền Giang, Võ Văn Minh cùng với Võ Thị Thảo (chị Minh) thuê mặt bằng ở xã An Cư, huyện Cái Bè để bán bún riêu, nước giải khát.
Minh khai vào ngày 3.12.2014, khi lấy chai Number One loại nhựa 350ml là sản phẩm của Công ty TNHH MTV Tân Hiệp Phát (trụ sở ở tỉnh Bình Dương, gọi tắt là Tân Hiệp Phát) để bán cho khách thì nhìn thấy con ruồi bên trong chai, nên Minh lén cất giấu dưới bàn để không ai phát hiện. 
Sau đó, Minh có ý định dùng chai nước có con ruồi để yêu cầu Tân Hiệp Phát giao tiền cho mình, đổi lấy cái chai và sự im lặng.
Ngày 5.12.2014, Minh gọi điện cho Tân Hiệp Phát, buộc công ty giao cho Minh 1 tỷ đồng, sau đó hạ giá xuống còn 500 triệu đồng.
Tan Hiep Phat 
Bị cáo Minh tại tòa
Ban Giám đốc Tân Hiệp Phát đã phân công nhân viên đến gặp Minh 3 lần để kiểm tra thông tin về chai nước và bàn hướng giải quyết vào các ngày 6.12.2014; ngày 16.12.2014 và ngày 20.1.2015.

Ở lần cuối cùng - ngày 27.1.2015, công ty cử 3 nhân viên là: Hoàng Chí Dưỡng, Trương Tiểu Long và Tạ Thành Trung đến gặp Minh để giải quyết. Các nhân viên đều giải thích cho Minh biết công ty không giải quyết bằng tiền đối với sản phẩm bị lỗi và vận động Minh nhận một số sản phẩm của công ty xem như hỗ trợ. Nhưng Minh cương quyết không đồng ý và đòi phải giao 500 triệu đồng.

Khi nhận tiền có làm biên bản, Minh đem số tiền trên bỏ vào xe môtô thì bị công an bắt giữ để điều tra.

Theo kết luận của Viện Khoa học Hình sự thì phát hiện thấy dấu vết biến dạng ở nắp chai nước nhãn hiệu Number One gửi đến giám định, dấu vết có chiều từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài, hình thành do công cụ sắc nhọn tạo ra.

Ngoài ra, mực nước trong chai gửi giám định thấp hơn mực nước trong chai gửi làm mẫu so sánh. Các dị vật bên trong chai nước nêu trên là các bộ phận cá thể ruồi (không còn nguyên vẹn, đầu bị rớt ra). Riêng phần thân của chai nước được đưa đi giám định còn nguyên vẹn, không bị thủng hoặc phát hiện dấu hiệu bất thường nào.

Buổi sáng 17.12, Chủ tọa phiên tòa hỏi: “Chai nước 10.000 đồng, nhưng bị cáo đòi 1 tỷ, có vô lý không?”. Bị cáo Minh cho rằng, biết Công ty Tân Hiệp Phát rất có uy tín trên thị trường, nếu việc này bị tung hê sẽ sợ bị mất mặt nên mới đòi 1 tỷ đồng với mục đích để kiểm 1 số tiền làm vốn.  
Bị cáo Minh xác nhận chỉ “hù” doanh nghiệp, nếu không đáp ứng yêu cầu sẽ khiếu kiện đến Ban Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bình Dương, đăng trên báo chí và 5.000 tờ rơi nhằm làm Tân Hiệp Phát mất uy tín.

Còn đại diện Tân Hiệp Phát - Giám đốc Trần Bích Ngọc cho rằng: cả 3 lần gặp gỡ đều không thuyết phục được khách hàng và tiếp tục nhận được lời đe dọa làm mất uy tín. Lúc đó, gần Tết Nguyên đán, sợ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của công ty, cuộc sống của anh em cán bộ công nhân nên xin công an hỗ trợ giải quyết. Nếu sự việc xảy ra, công ty cố số vốn hơn 1.000 tỷ đồng và cuộc sống của 4.000 nhân viên công ty cũng bị ảnh hưởng theo.

“Tuy nhiên, nay thấy hoàn cảnh của anh Minh như vậy, chúng tôi không yêu cầu bồi thường mà chỉ mong nhận lời xin lỗi. Đồng thời, mong hội đồng xét xử giảm nhẹ tối đa hình phạt để anh Minh nhanh chóng về với vợ con”, bà Giám đốc Trần Bích Ngọc nói.
Phiên tòa tiếp tục xét xử vào chiều nay 17.12.
Nguyễn Phúc

Một Thế Giới