Vụ đại án Agribank: Tài sản thế chấp sẽ phân chia như thế nào?

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:06, 30/10/2015

Hôm nay là ngày cuối cùng của phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ thất thoát 996 tỷ, chủ tọa đã chuẩn bị tuyên án, tuy nhiên khuất mắc nhất vẫn là việc phân chia tài sản thế chấp cho hai bên ngân hàng.
Theo cáo trạng Dương Thanh Cường đã chỉ đạo cho Thái Cường (Giám đốc công ty Tấn Phát - công ty của Thanh Cường) lập hồ sơ vay 170 tỷ của Agribank CN6 với tài sản thế chấp là khu đất số 10 Âu Cơ (diện tích 17.136m2). Sau đó Thanh Cường tiếp tục chỉ đạo Thái Cường mượn sổ đỏ khu đất trên ra khỏi Agribank CN6 để mang tới thế chấp tại ngân hàng Phương Nam để vay gần 19.000 lượng vàng. 
Khi tới hạn trả nợ nhưng không trả được, Cường đã gán sổ đỏ này cho ngân hàng Phương Nam. Tại phiên xử ngày 27.10, đại diện ngân hàng Agribank khẳng định đây là tài sản của Agribank vì Cường đã mang sổ đỏ khu đất này đến thế chấp và được Agribank niêm yết trên Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng nhà nước và khi đưa lên thì cả hệ thống ngân hàng đều biết. Trong khi đó Agribank cũng không biết Cường mượn sổ đỏ mang đi thế chấp tại ngân hàng Phương Nam, do vậy Agribank không chịu trách nhiệm về chuyện thế chấp lần hai này, và ngân hàng nào chấp nhận cho vay chồng thì ngân hàng đó phải tự chịu trách nhiệm. 
Cũng trong phiên xử này bị cáo Hồ Đăng Trung (nguyên Giám đốc Agribank CN6) tiếp tục cho biết khách hàng vay tiền do cấp trên giới thiệu nên bị cáo không biết rõ về năng lực. Bị cáo cũng cho rằng khi cho mượn lại sổ đỏ đã chỉ đạo cán bộ tín dụng đi cùng nhưng cấp dưới không làm. Bị cáo Trung còn cho biết sau đó khu đất số 10 Âu Cơ đã được ngân hàng Phương Nam bán lại cho công ty T.L. với giá 800 tỷ đồng.
Trong phần trả lời HĐXX và luật sư, về tài sản 10 Âu Cơ, đại diện ngân hàng Phương Nam cho rằng, ngày 17.4.2009, công ty Đông Phương Phát (đơn vị lúc này đứng tên chủ quyền tài sản này – cũng là của Dương Thanh Cường), ký ủy quyền toàn phần cho ngân hàng này. Nội dung của việc ký ủy quyền bao gồm ngân hàng Phương Nam được quản lý, sử dụng, chuyển nhượng, quyết định giá bán hoặc chuyển nhượng. Sau đó  ngày 23.3.2010, Dương Thanh Cường đã ký gán sổ đỏ cho ngân hàng Phương Nam. “Chúng tôi không đòi, tài sản 10 Âu Cơ là của chúng tôi, hợp đồng tín dụng liên quan tới 10 Âu Cơ chúng tôi đã giải quyết xong với Dương Thanh Cường”, đại diện ngân hàng Phương Nam nói.
Theo thực tế cả 2 bên ngân hàng đều có những lý lẽ riêng để bảo vệ quyền sở hữu tài sản thế chấp của riêng mình nhưng 23 sổ đỏ trị giá trăm tỷ đồng được cân đo thế nào để tìm chủ nhân đích thực?  Án chiều nay sẽ được tuyên hy vọng mọi thứ đều thỏa đáng.
Thảo Hương - Thu Hiền

Một Thế Giới