Những lớp học nghề cấp tốc trong trại giam trước ngày đặc xá
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 07:49, 02/09/2015
Ngoài ra, 203 phạm nhân tại trại giam An Điềm (thuộc Tổng cục 8, Bộ Công an đóng tại Đại Lộc, Quảng Nam) được tha tù trước thời hạn. Ngày bỏ lại song sắt phía sau lưng, những con người một thời lầm lỡ như vỡ òa niềm vui và hạnh phúc với khung trời tự do, với gia đình.
Làm lại cuộc đời
Những ngày qua, không khí ở trại tạm giam của Công an tỉnh Quảng Nam trở nên khác hẳn. Người sắp được về với gia đình đã không ngủ được, người ở lại cũng chộn rộn với ý nghĩ sẽ quyết tâm cải tạo tốt để được hưởng chính sách khoan hồng lần sau. Những cái bắt tay, vỗ vai, thi thoảng ôm ghì lấy nhau, khiến không khí trại giam ấm áp hẳn.
Tối 30.8, chỉ có 3 bộ quần áo, nhưng phạm nhân Lê Thịnh (quê Điện Bàn) gói ghém tới lui cả chục lần. Một năm trước, Thịnh bị bắt vì tội cố ý gây thương tích. Trong thời gian cải tạo, Thịnh nhận ra chỉ vì phút bốc đồng, anh đã gây không ít đau khổ cho gia đình nạn nhân và cả người thân của mình. Hối hận, Thịnh cố gắng cải tạo tốt. Ghi nhận quá trình phấn đấu, đợt đặc xá này, cái tên Thịnh được xướng lên trong tổng số 14 phạm nhân được tha tù trước thời hạn.
Chung một phòng tạm giam, phạm nhân Nguyễn Sơn (quê Núi Thành) can tội mua bán trái phép chất độc cyanua cũng bày tỏ vui mừng khi biết mình được đặc xá. Được giáo dục pháp luật, Sơn hiểu hành vi mua bán trái phép chất độc gây hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, xã hội. Sơn kể cũng vì gặp lúc ngặt nghèo, lại bị rủ rê nên mới nhắm mắt làm liều. Chuyến thứ nhất đưa cyanua lên Phước Sơn (Quảng Nam) trót lọt, thấy lời nhiều, Sơn tiếp tục lao vào buôn bán. Hành tung của Sơn nhanh chóng bị công an huyện Núi Thành nắm rõ và bắt giữ.
Ngoài Sơn và Thịnh, trong phòng còn có 4 phạm nhân can tội cướp giật tài sản, đợt này chưa được hưởng đặc xá. Trước giờ phút chia tay, cả bốn đều bịn rịn, hứa với Sơn, Thịnh và cán bộ trại giam, sẽ cố gắng chấp hành nghiêm nội quy quy chế của trại, tích cực lao động, tu dưỡng đạo đức để có đủ điều kiện giảm án lần sau.
Mở lớp chăn nuôi dạy nghề cấp tốc cho phạm nhân
Theo báo cáo từ Phòng thi hành án hình sự và hỗ trợ pháp lý (PC81) Công an tỉnh Quảng Nam và Công an TP.Đà Nẵng, trong đợt đặc xá gần đây nhất (năm 2013), hai tỉnh thành này ghi nhận không có trường hợp được đặc xá nào tái phạm. Nhiều người được đặc xá không chỉ hòa nhập cộng đồng còn trở thành gương tốt, sống có ích, đóng góp nhiều tích cực cho xã hội. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào chính sách, sự quan tâm của địa phương, giúp con đựờng hoàn lương của phạm nhân bớt gập ghềnh.
Tại Quảng Nam, ngay sau khi có Quyết định của Chủ tịch nước và các văn bản hướng dẫn công tác đặc xá năm 2015, ngày 21.7, Công an tỉnh đã thành lập Tiểu ban chỉ đạo công tác đặc xá. Trước đó, công an tỉnh tham mưu Chủ tịch tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể, UBND các địa phương phối hợp chặt chẽ, ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn. Mọi thông tin, hướng dẫn về điều kiện, tiêu chuẩn xét đề nghị đặc xá được niêm yết công khai phạm nhân tìm hiểu, bình xét. Song để tạo cơ hội việc làm, PC81 đã mở lớp nuôi, trồng trọt và nuôi bò vỗ béo cho phạm nhân đặc xá. Hiện lớp học này đã bế giảng cách đây vài tuần.
Đối với Đà Nẵng, nhiều chính sách nghề cũng áp dụng từ trước, đặc biệt hoàn lương cho những người phạm tội hòa nhập cộng đồng vẫn đang phát huy dụng nhiều năm qua.
Tại trại giam An Điềm (thuộc Tổng 8, Bộ Công an, có tổng cộng gần 2.000 phạm nhân), trong đợt đặc xá năm 2015, 203 phạm nhân được tha tù trước thời hạn. Nhiều đơn vị đã phối hợp tổ chức các lớp cung cấp kiến thức cần thiết cho phạm nhân ra tù trước thời hạn. Các phòng chức năng của Công an tỉnh tuyên truyền về Luật Cư trú, Luật Giao thông đường bộ; Hội Liên hiệp thanh niên mở lớp kỹ năng sống năng hòa nhập cộng đồng; đặc biệt Trung tâm Dạy nghề thanh niên tỉnh mở hai lớp đào tạo thợ nề hoàn thiện cho hàng phạm nhân, với hình thức dạy tập trung tại trại giam, các giáo viên của trung tâm truyền đạt kiến thức cơ bản về đọc hiểu vẽ thi công công trình xây dựng dân dụng, quy trình thi công, kiến thức liên quan kết cấu nền móng, kết cấu công trình… Với sự cố gắng, nỗ lực của giáo viên và phạm nhân, kết quả có 60/60 học viên được công nhận tốt nghiệp và cấp chứng chỉ sơ nghề, 14 học viên đạt loại giỏi, 46 trường hợp đạt loại khá.
Đại tá Trương Công Trĩ, Giám thị trại giam An Điềm cho biết từ khi bước vào trại, phạm nhân được giáo dục bằng sự nghiêm khắc và tình thương của những cán bộ quản giáo. Hằng tuần các phạm nhân lao động, học tập 40 giờ; được bố trí học nghề phù hợp. Qua thời gian chấp hành án phạt tù, mỗi phạm nhân được trại trang bị một nghề để có thể sống lương thiện sau khi chấp hành xong án phạt tù.
Đại tá Trĩ cho hay qua các lớp học này sẽ giúp phạm nhân có nhận thức hiểu biết về nghề nghiệp, sau khi hòa nhập cộng đồng sẽ làm tròn trách nhiệm của một công dân. "Điều mà chúng tôi mong muốn nhất là khi được trở về với cộng đồng, các bạn phải tránh xa các tệ nạn xã hội, không để xảy ra tình trạng "ngựa quen đường cũ", không tái phạm tội. Cạc bạn cũng cần biết rằng, chúng tôi cũng như các tổ chức, cá nhân đã gắn bó với sự tiến bộ của các bạn, luôn dõi trông, luôn hy vọng và luôn tin tưởng các bạn", đại tá Trĩ trải lòng với các phạm nhân.
Theo Anh Dương/Xa lộ pháp luật