Trung tướng Phan Văn Vĩnh: Huy động hàng nghìn người phá án vụ thảm sát ở Bình Phước

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:47, 14/07/2015

Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an cho biết: "Đến đầu giờ chiều 7.7, tức sau vài giờ nhận được thông tin, chúng tôi đã huy động hàng ngàn cán bộ chiến sĩ tập trung cho việc phá án. Đã có tới 24 đầu mối để tiếp nhận thông tin, phục vụ điều tra, 6 tổ công tác làm nhiệm vụ trực tiếp”.
Phá án nhanh vụ thảm sát ở Bình Phước là chiến công lớn của lực lượng công an Việt Nam. Hiếm người biết rằng để mang lại niềm tin và sự an tâm cho nhân dân, Bộ công an đã phải hun động rất nhiều người. Mới đây, ban chuyên án đã chia xẻ những khó khăn và thách thức mà các chiến sĩ đã trải qua để hoàn thành nhiệm vụ, đưa hung thủ ra ngoài ánh sáng.
Trên Thanh Niên, trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an cho biết: "Đến đầu giờ chiều 7.7, tức sau vài giờ nhận được thông tin, chúng tôi đã huy động hàng ngàn cán bộ chiến sĩ tập trung cho việc phá án. Đã có tới 24 đầu mối để tiếp nhận thông tin, phục vụ điều tra, 6 tổ công tác làm nhiệm vụ trực tiếp. Trong đó, tại bộ đã huy động 14 cục nghiệp vụ cùng với lãnh đạo công an của 10 tỉnh Tây nguyên, miền Trung, Đông Nam bộ, TP.HCM vào trực tiếp hiện trường để cùng phối hợp thông tin. Đối với Công an Bình Phước, ngoài lực lượng của tỉnh, 100% trưởng công an huyện đều có mặt tại hiện trường, anh em đã làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao".
Về tính chất khó khăn của vụ án, trung tưởng Vĩnh khẳng định: "Không có vụ án nào dễ, vì tội phạm khi đã gây án thì không có cớ gì để muốn tra tay vào còng, chúng luôn tung ra những phương thức thủ đoạn để che giấu, đặc biệt những vụ nghiêm trọng, tội phạm càng làm mọi cách để né tránh cơ quan bảo vệ pháp luật.

Ngay từ đầu, hung thủ đã có động cơ rõ rệt là giết người sau đó cướp tài sản. Số tiền 1,7 tỉ đồng còn lại ở hiện trường không lấy được là nằm ngoài mong muốn. Bởi số tiền này được giấu kín trong tủ tường và chìa khóa tủ bỏ ngay dưới giường ngủ của bé Na. Cũng từ động cơ giết người cướp tài sản có từ đầu, nên hung thủ đã tìm mọi cách để che giấu hành vi. Đấy là chưa kể tâm lý những vụ án nghiêm trọng thì người dân đến rất đông, hiện trường bị nhiều yếu tố tác động, gây xáo trộn.

Mặt khác, vụ trọng án này đối với  anh em chúng tôi là một áp lực lớn cũng là nỗi niềm trăn trở của tâm trạng vừa chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, cũng vừa là trách nhiệm của mình để xảy ra một vụ án khiến 6 người thiệt mạng làm người dân hoang mang và phải làm sao trong thời gian sớm nhất phá án để dân an tâm".
Đánh giá về chuyên án, tướng Vĩnh cũng cho rằng “Chúng tôi không coi đây là chiến công mà đó là trách nhiệm của người công an. Nhiệm vụ chúng tôi chỉ mới hoàn thành một nửa, nửa còn lại là phải phòng ngừa tội phạm để không để những vụ việc tương tự xảy ra”.
Đồng thời, ông cũng chia xẻ “Sau khi phá án, món nợ của nhân dân đã được trả, nhưng nói thật, tôi cũng như nhiều đồng đội không thấy vui mà canh cánh nỗi buồn vì hậu quả nặng nề, xót xa quá".
Được biết, ngay sau khi xảy ra vụ án, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã xuống tận hiện trường, động viên chia buồn với người thân gia đình nạn nhân. Đồng thời, Bộ công an còn có chỉ đạo quyết liệt đồng bộ để việc điều tra vụ án sớm có kết quả, đem lại niềm tin cho nhân dân.
PV (th)
 

Một Thế Giới