Tạm giam, tạm giữ: Phải bảo đảm quyền con người!

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 04:47, 03/06/2015

Thảo luận về dự án Luật Tạm giam, tạm giữ ngày 2-6, các ĐBQH cho rằng dự luật này cần bảo đảm hơn quyền con người, quyền công dân của người bị tạm giam, tạm giữ.

Là chuyên gia đầu ngành về tư pháp hình sự, từng là phó chánh án TAND Tối cao, chánh án Tòa án quân sự Trung ương, đại biểu (ĐB) Trần Văn Độ (An Giang) cho rằng không nên dùng chế độ giam giữ để buộc người ta phải khai báo, nhận tội.

Hạn chế quyền nào, phải ghi rõ trong luật

Ông Độ dẫn ra quy định trong dự thảo là nếu khai báo thành khẩn, chấp hành tốt chế độ thì được nhận quà, được gặp vợ qua đêm và bình luận: “Cứ theo cách đấy rất dễ dẫn đến bức cung”!

Theo ông Độ, “mục đích của tạm giam, tạm giữ là để người đó không phạm tội, không cản trở điều tra chứ không phải hình phạt. Quyền con người chỉ bị hạn chế như vậy, còn các quyền khác phải được bảo đảm”.
Tiếp cận từ gốc vấn đề là nguyên tắc suy đoán vô tội, ông Độ cũng không tán thành cách liệt kê những quyền mà người bị tạm giam, tạm giữ được hưởng như trong dự thảo. Ông Độ đề nghị chỉ nên nêu rõ những quyền bị hạn chế của người bị tạm giam, tạm giữ trong luật, còn lại tất cả quyền khác của họ đều phải được tôn trọng. “Chẳng hạn, sức khỏe yếu, điều kiện tạm giam chỉ có chiếu, nền xi măng mà gia đình có điều kiện hỗ trợ thêm thì phải cho người ta hưởng chứ”.
Không chung tổ thảo luận nhưng Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng có cùng quan điểm là hạn chế quyền gì của người bị tạm giam, tạm giữ thì dự luật phải nêu rõ. Theo ông Nghĩa, thực tế nhiều chủ doanh nghiệp đang có các hợp đồng phải giao dịch mà bị bắt tạm giam là mọi việc của doanh nghiệp bị đình đốn hết, ảnh hưởng tiêu cực tới bao nhiêu người khác chỉ vì mọi quyền của người chủ đó bị đình chỉ.
Tam giam, tam giu: Phai bao dam quyen con nguoi-hinh-anh-1
 

Bị cáo Lê Mạnh Nam (phải), nguyên phó trưởng Công an thị xã Gia Nghĩa và Trần Đăng Tùng (nguyên đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra Công an thị xã Gia Nghĩa) tại phiên tòa xử tội giữ người trái pháp luật tại TAND tỉnh Đắk Nông ngày 9.4.2015.

Thiết kế phòng tạm giam, tạm giữ an toàn

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho biết quan tâm đầu tiên của ông là phải bảo đảm được an toàn về tính mạng, sức khỏe của người bị tạm giam, tạm giữ.

Đọc báo cáo của Bộ Công an thấy “một số lượng không nhỏ người chết trong thời gian tạm giữ, tạm giam” trong đó có nguyên nhân tự sát, ông Hùng đã hỏi lãnh đạo bộ này vì sao không thiết kế phòng để người ta muốn cũng không tự sát được. Câu trả lời nhận được là “có những cơ sở chưa thực sự bảo đảm an toàn”, “có người tự sát trong tư thế ngồi”. Từ đây, ông Hùng góp ý dự luật cần quy định rõ yêu cầu về tiêu chuẩn thiết kế an toàn đối với các phòng tạm giam, tạm giữ.

Theo báo cáo của Bộ Công an, nhiều trường hợp chết trong khi tạm giam, tạm giữ là vì cao huyết áp, bệnh tim mạch. Vì vậy ông Hùng cho rằng dự luật cần có quy định sàng lọc sức khỏe đầu vào của đối tượng, có giải pháp với những trường hợp mắc bệnh nguy hiểm.

Phó Chánh án TAND TP.HCM Huỳnh Ngọc Ánh quan tâm đến việc giam, giữ người chuyển giới. “Cho họ một mình một phòng không ổn vì không quản lý được. Còn ở chung với nam cũng khó, với nữ cũng không xong” - ông Ánh nói.

Trao đổi trong giờ giải lao, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương cho rằng dự luật nên quy định theo hướng tạm giam người chuyển giới vào một phòng riêng để tránh tình trạng bị quấy rối. “Đối với những người phạm tội mà ái nam, ái nữ không rõ giới tính, chưa chuyển giới thì về nguyên tắc cứ căn cứ vào giấy tờ, họ là nam thì tạm giam vào phòng nam, họ là nữ thì tạm giam vào phòng nữ” - ông Đương nói thêm.
Thuế vụ, kiểm ngư, chứng khoán được điều tra ban đầu?
Cùng ngày, các ĐB cũng góp ý lần đầu cho dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (Bộ Công an chủ trì soạn thảo). Tranh luận sôi nổi hơn cả là có nên giao cho các cơ quan kiểm ngư, thuế vụ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyền tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu hay không.
Theo Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, đây là đề xuất của Chính phủ. Lý do là ngoài biển xa, các vi phạm trong đánh bắt cá thì chỉ có kiểm ngư mới phát hiện được. Tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán diễn ra rất tinh vi, chớp nhoáng, chỉ cơ quan quản lý chứng khoán mới kịp thời xử lý. Còn tội phạm trong lĩnh vực thuế, thực tế cảnh sát điều tra có làm thì cũng lại phải xin trưng cầu, giám định bên thuế vụ.
ĐB Trịnh Xuyên (Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa) chỉ đồng ý bổ sung quyền tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu cho kiểm ngư vì tội phạm nếu có thường là bắt quả tang, có thể xử lý được ngay. Còn tội phạm liên quan đến thuế, chứng khoán là tội phạm ẩn, thường được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán. Lúc ấy chuyển sang cơ quan điều tra chuyên trách của công an vẫn được.
ĐB Đặng Văn Hiếu (Thứ trưởng Bộ Công an) đề nghị giữ nguyên như hiện hành. Bởi theo ông, các lĩnh vực mà kiểm ngư, thuế, chứng khoán quản lý đều có cơ quan điều tra của công an “ở bên cạnh”. Chưa kể, điều tra hình sự cần bài bản, chuyên nghiệp, nếu không dễ vi phạm quyền dân chủ.
Trong khi đó, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) lại ủng hộ bổ sung quyền tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu cho cả ba cơ quan. Ông cho biết khi làm Luật Chứng khoán, cơ quan soạn thảo và QH đã bàn về vấn đề này nhưng rồi đợi sửa các luật tố tụng hình sự, tổ chức cơ quan điều tra thì xử lý luôn thể. “Vi phạm trong lĩnh vực thuế, chứng khoán cực kỳ tinh vi. Phải có nghiệp vụ, có công cụ quản lý thì mới phát hiện được. Vậy nên cứ để mấy cơ quan đó điều tra ban đầu, đủ chứng cứ thì chuyển công an làm”.
Trước các ý kiến khác nhau, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đề xuất giải pháp: QH thảo luận thật kỹ rồi lấy phiếu riêng về nội dung này. Lúc đó chọn phương án nào thì xử lý đồng bộ luôn cả trong BLTTHS và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Nhóm PV/ Pháp luật TP.HCM

Một Thế Giới