Công khai danh tính người mua dâm thế nào phù hợp?

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 07:17, 23/04/2015

Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, qua sự lên tiếng cho rằng không nên công khai danh tính, cho thấy những người mua dâm và người có "nguy cơ" thực hiện hành vi này dường như "sợ" nhất là bị nêu tên tuổi.Thế nên, quy định về xử lý hành vi mua dâm nên "đánh" thẳng vào yếu tố tâm lý này để đạt hiệu quả răn đe.

Người mua phản đối?

Việc một đường dây bán dâm “nghìn USD” bị triệt phá, rồi một số trang mạng dồn dập công khai tên tuổi, hình ảnh của một số người mẫu bán dâm trong đường dây này, còn danh tính những "đại gia" mua thì chỉ "rò rỉ" chút ít, đang khiến dư luận lần nữa tranh cãi sôi nổi về việc thiếu công bằng khi chỉ "bêu" tên người bán mà "lượng thứ" cho người mua?

Thực ra, đây là vấn đề đã từng gây nhiều tranh cãi, nhất là khi TP Hà Nội đề xuất xây dựng Luật Phòng chống mại dâm, trong đó cần công khai danh tính người mua dâm trong dịp tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng chống mại dâm cuối năm 2014. Khi có đề xuất này, đã có hai luồng quan điểm đối lập khá gay gắt để bảo vệ ý kiến của mình.

Khá nhiều người lập tức lên tiếng phản đối, cho rằng với người bán dâm, do họ đã tự chọn đây là một "nghề", nên việc công khai danh tính của họ còn "chấp nhận được". Còn việc công khai danh tính người mua dâm là không nên, không cần thiết, không phù hợp với các qui định pháp luật hiện hành. Theo họ, điều này cần cân nhắc vì có thể "lợi bất cập hại", vì khi danh tính bị công bố, gia đình, vợ con của người mua dâm sẽ chịu áp lực tâm lý nặng nề. 
Từ đó, sẽ ảnh hưởng đến việc học hành, tôn trọng người cha của con cái, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, thậm chí có người vợ vì biết những tin này, do lo nghĩ, mất niềm tin về chồng mà có thể phát bệnh hoặc dại dột hơn là tự tử. Chưa kể, khi danh tính "bị lộ", người mua dâm còn bị ảnh hưởng đến công việc hiện tại, khiến họ khó "ngẩng mặt" nhìn đồng nghiệp trong cơ quan, ngại ngùng với người thân, bè bạn. Điều quan trọng, theo nhiều người là dù có công khai hay không thì nạn mua bán dâm vẫn tồn tại...

Những quan điểm trên không phải không có lý. Nhưng nhìn một cách công bằng, nếu những người mua dâm là người không may “đứt gánh giữa đường”, không có bạn đời thì còn có thể thông cảm được phần nào. Còn những “đại gia” sẵn sàng vung cả nghìn đô để “mua vui" thì việc quyết liệt bảo vệ danh tính của họ bởi những lý do trên nghe chừng không thuyết phục. Bởi lẽ, nếu họ coi trọng gia đình, danh dự, uy tín của mình thì có lẽ họ đã không chọn cách giải trí này. Và việc bí mật danh tính cho họ cũng là hành vi che giấu cho sai phạm của họ với vợ con, che giấu chọ vi phạm pháp luật, khiến họ dễ tiếp tục vi phạm.

Danh dự ai hơn ai?

Thực ra, trong các qui định của pháp luật hiện hành liên quan đến xử lý hành vi mua dâm, không có quy định công khai danh tính người mua dâm, trừ trường hợp người mua dâm bị xử lý hình sự vì mua dâm người chưa thành niên hoặc biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác".

Pháp lệnh phòng chống mại dâm dành một điều riêng quy định về cán bộ, công chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân vi phạm pháp luật về phòng chống mại dâm. Cụ thể, theo Điều 27 của Pháp lệnh này, cán bộ, công chức người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân nếu có hành vi mua dâm thì ngoài việc bị xử lý theo quy định thông báo cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý đối tượng để giáo dục và xử lý kỉ luật, các đối tượng này không được đề cử, ứng cử vào các cơ quan dân cử, tổ chức chính trị - xã hội, không được bổ nhiệm lại, bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương hoặc cao hơn trong các cơ quan Nhà nước hoặc trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Như vậy, pháp luật quy định xử lý nghiêm khắc hơn hành vi mua dâm của cán bộ công chức, lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, việc gửi thông báo vi phạm về cơ quan gần như đang là một quy định “treo”, không được áp dụng trong thực tế. Liệu có phải cán bộ, công chức và những người thuộc lực lượng vũ trang không có ai vi phạm? Nếu không gửi thông báo này thì cơ quan có trách nhiệm gửi thông báo này thì cơ quan có trách nhiệm gửi thông báo có bị xử lý không, hay nếu nhận được thông báo mà “ỉm” đi, không tiến hành “giáo dục” và kỷ luật thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị bị xử lý như thế nào… là những vấn đề không khỏi khiến dư luận hoài nghi nhưng không có câu trả lời.

Còn lại, theo Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và Luật Xử lý vi phạm hành chính, người mua dâm bị xử vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền. Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ đưa ra ba mức phạt tiền dành cho người mua dâm: Từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi mua dâm; từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng trong trường hợp mua dâm nhiều người cùng một lúc; từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi lôi kéo hoặc ép buộc người khác cùng mua dâm.

So với người mua dâm thì mức phạt tiền dành cho người bán dâm thấp hơn, từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, người bán dâm chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền (với mức phạt:Từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi bán dâm; từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp bán dâm cho nhiều người cùng một lúc), chứ không bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh như trước đây. Trong trường hợp người bán dâm biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự và khi đó tên tuổi của họ có thể bị báo chí đăng tải. Ngoài ra, không có quy định nào về việc công khai danh tính người bán dâm.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc công khai danh tính của người bán dâm nhưng bí mật danh tính cho kẻ mua là sự bất công. Bởi, bên cạnh những cô gái lười lao động, lợi dụng nhan sắc để kiếm tiền thì cũng không hiếm trường hợp vì rơi vào bước đường cùng mà một người phụ nữ chọn con đường bán dâm. Rõ ràng, họ cũng cần lắm sự "bảo vệ" để gia đình, con cái, bạn bè... không biết việc họ đang làm và chắc chắn việc công khai tên tuổi khiến người mua dâm bị ảnh hưởng thế nào thì đối với người bán dâm cũng "thiệt hại" tương tự.

Sao phải băn khoăn?

Phần lớn dư luận cho rằng cần có sự công bằng trong việc xử lý hành vi mua dâm và bán dâm, nghĩa là nếu đã công khai thì phải công khai hết và ngược lại.

Thực tế cho thấy, pháp luật đã quy định phạt cảnh cáo, phạt tiền, thậm chí là xử lý hình sự nhưng nạn mua bán dâm theo thống kê của các cơ quan chức năng vẫn diễn biến phức tạp. Vậy, xử lý thế nào cho hiệu quả? Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, qua sự lên tiếng cho rằng không nên công khai danh tính, cho thấy những người mua dâm và người có "nguy cơ" thực hiện hành vi này dường như "sợ" nhất là bị nêu tên tuổi. 
Thế nên, quy định về xử lý hành vi mua dâm nên "đánh" thẳng vào yếu tố tâm lý này để đạt hiệu quả răn đe. Cụ thể, nên mở rộng diện bị gửi thông báo có hành vi mua dâm về cơ quan, đơn vị công tác hoặc tổ dân phố, thôn, xóm nơi cư trú của người mua dâm với tất cả những người có hành vi mua dâm. Điều này cũng tương tự như việc một người có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng (nhưng chưa đến mức bị xử lý hình sự) bị nêu tên vậy. Đồng thời, cần tăng nặng mức phạt tiền lên gấp nhiều lần.
Khi thấy danh tính bị công khai, số người tìm đến dịch vụ này chắc chắn sẽ giảm. Bên cạnh đó, để góp phần giảm tệ nạn này, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ chuyên biệt và thân thiện với người bán dâm, giúp những đối tượng này hỗ trợ học nghề, việc làm, tiếp cận các nguồn vốn... để giúp họ thay đổi công việc cũng như tuyên truyền, giáo dục để họ hiểu việc hành nghề bán dâm là họ đã tự làm mất nhân phẩm của bản thân, gây phương hại đến nền tảng đạo đức xã hội.

Theo P.Thảo (PL&XH)


Một Thế Giới