Các tỉnh đang cạnh trạnh nhau bằng cách… hạ giá địa phương mình
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 05:49, 04/04/2016
Tại hội thảo quốc tế “Liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam” diễn ra ngày 3.4 tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, hiện naycác vùng kinh tế trọng điểm chưa phát huy được vai trò đầu tàu hay phát huy tác dụng lan tỏa để hình thành nên các chuỗi giá trị liên kết kinh tế nội vùng và liên vùng;các tỉnh trong cả nước vẫn còn độc lập với nhau, chưa liên kết.
Nhận định về vấn đề này, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung đánh giá: “Liên kết vùng hiện nay vẫn dưới dạng tự nguyện, tự phát, thích thì làm mà không thích thì thôi. Kết quả là dẫn đến nhiều quy hoạch phát triển kinh tế của các địa phương trong vùng trùng lặp, chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực phát triển trên quy mô lớn”.
PGS.TS Trần Đình Thiên,Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho hay, các tỉnh trong cả nước hiện vẫn đang độc lập với nhau về quyền lực điều hành, về lợi ích, về quản lý hành chính và ngân sách. Điều này đã dẫn tới tình trạng nền kinh tế quốc gia được cấu thành từ 64 nền kinh tế giống nhau nhưng độc lập với nhau. Đó là 63 nền kinh tế địa phương cộng với 1 nền kinh tế trung ương.
Ông Thiên cũng chỉ ra những nền kinh tế này có quy mô nhỏ, dân số chỉ khoảng 1 - 2 triệu người, GDP đầu người bình quân khoảng 2.100 USD năm 2015. Tuy nhiên, các tỉnh này lại cạnh tranh nhau, tìm cách gây khó khăn cho nhau. Các tỉnh còn đua nhau làm khu công nghiệp, đua nhau làm cảng biển, đua nhau thu hút FDI… bằng cách hạ giá địa phương mình.
“Chính tình trạng trên đã gây ra những hệ quả đáng tiếc như:lãng phí nguồn lực phát triển trên quy mô lớn, tạoxu hướng cạnh tranh không lành mạnh, thúc đẩy chủ nghĩa thành tích ảo”, ông Thiên nói.
Đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng này, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằngcần xây dựng một số đặc khu kinh tế tạo động lực tăng trưởng. Phát huy tiềm năng thế mạnh của từng vùng; đồng thời ưu tiên phát triển các vùng kinh tế động lực tạo sức lôi cuốn lan tỏa tới các địa phương trong vùng. Qua đóhình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và liên kết giữa các vùng, tạo nên sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ của cả nước. Có chính sách hỗ trợ phát triển các vùng còn nhiều khó khăn nhất là vùng sâu vùng xa, phát triển kinh tế lâm nghiệp đổi mới cơ chế phân cấp phân quyền gắn với phân định nâng cao trách nhiệm của Trung ương và địa phương.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ươngcũng thẳng thắn khi cho rằng “bệnh” của chúng ta là phân bố và sử dụng nguồn lực sai lệch trầm trọng, thị trường không có vai trò trong phân bổ nguồn lực trong khi nhà nước đang làm sai lệch tín hiệu của thị trường.
Theo ông Cung, để khắc phục tình trạng này không phải “một sớm một chiều”, cần có 1 Nghị định về cơ chế phối hợp vùng theo chiều dọc và chiều ngang, như một sợi dây ràng buộc pháp lý cả địa phương và cả vùng … Bên cạnh đó, phải tạo động lực buộc các địa phương phải phối hợp với nhau chứ không phải động lực mạnh ai người nấy chạy…
Bên cạnh đó cũng có những khuyến nghị về việc Việt Nam cần cân nhắc tạo lập cơ chế chính sách thích hợp, thúc đẩy liên kết, tăng cường đầu tư theo vùng, để tạo điều kiện phát triển nhanh hơn các khu vực còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng biên giới, hải đảo.
Đứng dưới góc độ của một cơ quan quốc tế, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhìn nhận rằng: “Đối với Việt Nam, việc phát triển liên kết vùng làrất quan trọng đểgiải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề vượt tầm của từng địa phương. Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn theo nguyên tắc cùng thắng để tối ưu hóa hiệu quả cũng như khả năng chống chịu với các rủi ro".Đồng thời, bà cũng khẳng định, Ngân hàng Thế giới sẵn sàng phối hợp với các tổ chức quốc tế, chính phủ Việt Nam triển khai hiệu quả nhằm thúc đẩy và phát triển vùng,điều phối vùng ở Việt Nam.
Tuyết Nhung